Vì ham lợi những khoản tiền từ trên trời rơi xuống

ANTĐ - Hàng loạt những chiêu thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao như gọi điện thoại giả danh (thường tự xưng là nhân viên viễn thông, cán bộ cơ quan pháp luật); kết bạn qua mạng xã hội rồi lừa đảo; giả chương trình khuyến mãi nạp thẻ… để chiếm đoạt tiền đã nhiều lần được cơ quan công an cảnh báo. Tuy nhiên, vì hám lợi, nhẹ dạ, nhiều người vẫn sập bẫy khi thấy những khoản tiền lớn từ trên trời rơi xuống.

Vì ham lợi những khoản tiền từ trên trời rơi xuống ảnh 1Đối tượng Võ Thị Xuân Lan kẻ lừa đảo qua face book là đầu mối của đối tượng Donald Jack tại VN

“Kịch bản” của mối tình ảo

Qua mạng xã hội chị Nguyễn Thị Na 26 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội có quen biết với một nick name “Sơn đô la” ở mãi trời Tây. Với những gì anh này khoe trên tài khoản cá nhân của mình thì Sơn không những giàu có mà còn rất hào hoa. Những hình ảnh về một “Sơn đô la” có cơ ngơi sang trọng, mê du lịch nay đây mai đó, cuộc sống xa hoa cùng những lời đường mật đã khiến chị Na mặc dù chưa từng gặp “Sơn đô la” ngoài đời nhưng vẫn nhận lời yêu... qua mạng.

Khi “cá đã cắn câu”, một thời gian sau, “Sơn đô la” nói sẽ về Việt Nam tổ chức đám cưới và sẽ gửi quà giá trị về cho chị Na. Để chị Na tin tưởng, trước đó “Sơn đô la” liên tục gửi những món quà như gấu bông, kẹo sô cô la, hay dây đeo chìa khóa… “xịn” về cho  chị Na.

Vì ham lợi những khoản tiền từ trên trời rơi xuống ảnh 2

3 đối tượng người Hàn Quốc lừa đảo qua tài khoản chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng

Một ngày đầu tháng 3-2016, chị Na nhận được điện thoại nói là bạn của Sơn vừa bay từ Úc về và có mang quà Sơn gửi chị Na. Tuy nhiên, hàng đang bị giữ tại Sân bay Tân Sơn Nhất do trị giá lớn cho nên phải nộp phí thuế “hải quan sân bay” mới được xuất cảng. Sau những hướng dẫn tỉ mỉ, chị Na chạy đôn, chạy đáo vay đủ 50 triệu đồng gửi vào tài khoản được bạn của “Sơn đô la” hướng dẫn để trả “chi phí” chuyển quà. Chuyển tiền xong, chị Na chờ đến nửa tháng vẫn không thấy quà về đến địa chỉ và cũng sau lần chuyển tiền này “Sơn đô la” đã mất tăm mất tích…

Cùng cảnh ngộ với chị Na, nạn nhân Lan Anh có ngoại hình ưa nhìn, là tiểu thương có kinh tế ở Hà Nội. Vào khoảng trung tuần tháng 2-2014, trên trang mạng xã hội facebook, chị Lan Anh làm quen với một người tên Donald Jack, tự giới thiệu là kỹ sư ở Mỹ. Qua các lần trò chuyện, người đàn ông này cho hay có thu nhập ổn định, độc thân từ 4 năm nay, đang ở cùng con gái 12 tuổi... Còn chị Lan Anh thì cho rằng đã tìm được người “tâm đầu ý hợp” và coi đây là cơ hội để được sang Mỹ “theo chồng”. 

Vì ham lợi những khoản tiền từ trên trời rơi xuống ảnh 3

Đối tượng Dương cùng đồng bọn

Sau thời gian ngắn, Donald Jack cho biết sẽ qua Việt Nam để “xin phép gặp mặt hai bên”. Tuy nhiên, trước khi “đưa nàng về dinh” thì sẽ tổ chức hôn lễ theo phong tục Việt Nam. Chị Lan Anh yêu cầu lễ cưới phải thật “hoành tráng”. Donald Jack đồng ý và cho biết sẽ gửi về Việt Nam hàng hóa, mỹ phẩm, ngoại tệ… trong một thùng hàng.

Vào trung tuần tháng 4-2014, đang hồi hộp chờ quà của “chồng sắp cưới” chị Lan Anh nhận được cuộc gọi của một phụ nữ xưng là nhân viên Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nói về nguồn gốc một thùng hàng hiện đang có ở sân bay và phải đóng 100 triệu đồng tiền thuế vào số tài khoản của cán bộ hải quan mang tên Trương Gia Ngân thì mới được nhận hàng.

Trước khi cúp máy người nhân viên không quên nhắc chị Lan Anh tự liên hệ với “sếp” làm hải quan trong cảng hàng không theo số điện thoại để hướng dẫn nộp tiền. 

Cẩn thận gọi lại cho “chồng” bên Tây để kiểm chứng thì chị Lan Anh được Donald Jack cho biết đây là quy định khi gửi hàng từ nước ngoài về giống như giải thích của nhân viên hải quan. Tuy nhiên, sau khi chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản cho “cán bộ hải quan”, chị Lan Anh chờ mãi vẫn không thấy quà đâu. Giật mình, chị Lan Anh điện thoại lại cho các đầu mối nói trên thì không thể liên lạc được. Sau quá trình lập chuyên án, cơ quan công an đã bắt được đối tượng Võ Thị Xuân Lan là đầu mối tại Việt Nam cấu kết với đối tượng Donald Jack lừa đảo qua mạng hàng trăm nạn nhân với số tiền hàng tỷ đồng, trong đó có chị Lan Anh.

Cảnh báo “quà trúng thưởng qua tin nhắn”

Trung tá Phạm Đức Hà, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội cho biết: “Mặc dù các đối tượng lừa đảo không giỏi về công nghệ, nhưng vẫn dễ dàng lừa đảo trót lọt cũng bởi đã đánh vào tâm lý lòng tham của các nạn nhân. Nhiều nạn nhân do cả tin, hám lợi nên khi đọc xong tin nhắn trúng thưởng tài sản giá trị lớn như xe máy… thì tưởng rằng đó là thật và bị mắc bẫy lừa...”.

Mới đây, Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Tùng Dương (SN 1997, trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội) về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan công an cũng đang làm rõ hành vi của các đối tượng khác trong nhóm của Dương, gồm: Nguyễn Viết Anh (SN 1995), Đào Thanh Hà (SN 1989) và Trần Thành Công (SN 1997), cùng trú tại huyện Sóc Sơn.

“Đầu tư” cho phi vụ phạm pháp của mình, Dương bỏ tiền ra mua 80.000 tài khoản facebook do hacker chiếm đoạt với giá 500 đồng/tài khoản. Sau đó, Dương cùng đồng bọn liên tục “dội bom” tin nhắn vào danh sách bạn bè của các tài khoản này, tung ra chiêu lừa khuyến mãi 500% giá trị thẻ cào điện thoại. Tài liệu điều tra xác định từ tháng 1 đến tháng 10-2015, Dương cùng 3 đối tượng trên lập 6 website gồm: thecaoxuan2015.com, napthexuan2015.com, sukiennapthe.com, eventnapcard.com, sukiennapcard, autoaddmem.cf để chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng của hàng trăm người nạp thẻ vào các website này. 

Thiếu tá Lê Ngọc Trí, Đội trưởng Đội PCTP sử dụng mạng máy tính - Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội, cho hay: “Thủ đoạn lừa đảo qua cào thẻ và qua mạng, đánh cắp tài khoản trang mạng cá nhân, số máy điện thoại… không còn mới nhưng rất phổ biến. Để thực hiện hành vi, các đối tượng giả danh từ nhân viên tổng đài, nhà mạng, thu cước... để lấy cắp thông tin cá nhân, tên tuổi, địa chỉ…

Khi thu thập đầy đủ thông tin của “con mồi”, các đối tượng gọi điện giới thiệu là cán bộ của các loại ngành nghề tương ứng với nạn nhân đang liên quan. Thời gian qua, đơn vị đã triệt phá và bắt giữ nhiều đối tượng giả danh cán bộ cơ quan tố tụng có thể giải quyết giảm án cho người nhà nạn nhân. Do nghe thấy tên tuổi, ngày tháng và nơi của người nhà đang thụ án rất xác thực nên nạn nhân đã chuyển tiền và sau đó biết bị lừa thì đã muộn. Mặc dù cơ quan công an đã bắt giữ và xử lý đối tượng, nhưng tài sản thì khó thu hồi được vì bọn chúng đã tiêu xài hết”. 

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao đã tập trung đấu tranh mạnh các loại tội phạm này và đã liên tiếp triệt phá nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ động. Trung tá Phạm Đức Hà cho biết: “Điểm chung của nhiều nạn nhân nữ là độc thân, đơn thân, ham lấy chồng Tây để xuất ngoại và nhẹ dạ, cả tin. Tuy nhiên do nghi can lừa đảo trên mạng xã hội nên đều có nhân thân “ảo”.

Trong khi đó, có nhiều nạn nhân còn e ngại không dám tố giác cho nên các đối tượng vẫn có cơ hội để hoạt động phạm pháp. Hiện nay, các đối tượng hoạt động với thủ đoạn không mới nhưng tinh vi hơn, bởi họ ở nước ngoài điều khiển một nhóm hoặc cá nhân tại Việt Nam. Do vậy, trong quá trình điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Với những vụ việc cụ thể, lực lượng điều tra chỉ có manh mối duy nhất là tài khoản ngân hàng chúng cung cấp cho các nạn nhân”. 

Một trinh sát thuộc phòng Cảnh sát PCTP về sử dụng công nghệ cao cảnh báo: “Những người trở thành nạn của nhóm đối tượng này đều xuất phát từ lòng tham. Để tránh trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo qua mạng xã hội, tin nhắn… người dân cần đề cao cảnh giác và hãy bỏ qua những tin nhắn rác, tin nhận quà, đề nghị chuyển tiền… mà lời đề nghị không phải của người thân; Không cung cấp tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân. Đối với những trường hợp cụ thể ví dụ như có số điện thoại gọi đến yêu cầu chuyển tiền hay làm việc gì đó cần liên hệ với số máy 1080 để xác minh số điện thoại và nhanh chóng báo cho cơ quan công an để có biện pháp xử lý”. 

(Tên nạn nhân đã thay đổi)