Vẫn còn nhiều hạn chế trong thi hành án dân sự
(ANTĐ) - Đánh giá của Bộ Tư pháp từ đầu năm 2009 đến nay cho thấy, công tác thi hành án dân sự (THADS) vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể: Số tiền thực thu là 1.890 tỷ 22 triệu 895 nghìn đồng, đạt 26,6% số tiền có điều kiện thi hành (giảm 513 tỷ 578 triệu 834 nghìn đồng và 2,01% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2008).
Công bố quyết định cưỡng chế một vụ án dân sự |
Bên cạnh đó, THADS các tỉnh đã kịp thời ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Luật THADS và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật này; xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật THADS; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại TP HCM và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn cơ quan THADS địa phương áp dụng Luật THADS trong thời gian chờ các Nghị định hướng dẫn thi hành. Mặt khác, chưa kiện toàn kịp thời thủ trưởng cơ quan THADS ở một số địa phương; việc giải quyết một số vụ việc liên quan đến cán bộ, công chức của ngành THA còn chậm (các vụ việc ở Quảng Ninh và Quảng Nam)...
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng trên. Nhưng thực tiễn THADS cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là các chấp hành viên chưa tích cực, kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong quá trình tổ chức thi hành án, còn có biểu hiện né tránh, ngại va chạm, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong quá trình THA; Thủ trưởng một số cơ quan THADS chưa thực sự làm tốt trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các chấp hành viên, cán bộ THA trong đơn vị hoặc cơ quan THA cấp dưới; một số vụ việc giải quyết chưa dứt điểm do các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương không thống nhất ý kiến với cơ quan THA về quan điểm, biện pháp THA, phương thức xử lý tài sản, vận dụng chính sách của Đảng, Nhà nước trong THA.
Tiến hành cưỡng chế một vụ án dân sự |
Nguyên nhân thứ hai là sự phối hợp giữa cơ quan THADS với Tòa án, Viện kiểm sát trong việc đề nghị Tòa án giải thích, đính chính hoặc xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định có sai sót, không rõ ràng hoặc có vi phạm chưa chặt chẽ và còn chậm trễ về thời gian. Việc phối hợp giữa cơ quan THA với chính quyền cơ sở, đặc biệt là các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng trong quá trình tổ chức THA còn chưa tốt.
Thứ ba, đó là ý thức chấp hành pháp luật của nhiều đương sự nhất là người phải thi hành án chưa cao, nhiều trường hợp người phải THA cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản để trốn tránh, khiếu nại nhằm mục đích kéo dài việc thi hành án. Công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện THA chưa được quan tâm đúng mức.
Thứ tư, việc giải quyết khiếu nại về THA gặp khó khăn do nhiều trường hợp đương sự khiếu nại vượt cấp, kéo dài; có nơi cơ quan THADS chậm giải quyết hoặc giải quyết chưa chính xác, không dứt điểm tại nơi phát sinh khiếu nại, vì vậy số lượng đơn thư kéo dài, vượt cấp còn nhiều. Kỹ năng công tác dân vận và đối thoại với dân vẫn chưa được các cơ quan THADS áp dụng triệt để trong quá trình giải quyết khiếu nại.
Thứ năm, công tác quy hoạch đối với cán bộ lãnh đạo của các cơ quan THADS chưa được thực hiện thường xuyên và khoa học; đội ngũ lãnh đạo cơ quan Thi hành án nghỉ chế độ hoặc bị xử lý kỷ luật nhưng thủ tục bổ nhiệm mới các chức danh này phải đảm bảo theo một trình tự pháp luật quy định nên cần có thời gian.
Hy vọng trong thời gian tới, khi Luật THADS được triển khai sâu rộng, những hạn chế trên sẽ được khắc phục, đảm bảo cho việc THADS ngày càng có hiệu quả, đảm bảo hiệu lực pháp luật cũng như quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Công Minh