Tuồn rượu giả ra thị trường

(ANTĐ) - Lợi dụng sản phẩm rượu Vodka mang thương hiệu của Công ty CP Cồn rượu Hà Nội (HALICO), 2 vợ chồng Mai Ngọc Lâm (SN 1974) và Đỗ Thị Thanh Bình (SN 1978), trú tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, đã thành lập Công ty CP Rượu Hà Nội và cũng sản xuất loại rượu thương hiệu Vodka.

Tuồn rượu giả ra thị trường

-Truy tố vụ sản xuất rượu giả làm từ cồn tinh luyện và nước lọc

(ANTĐ) - Lợi dụng sản phẩm rượu Vodka mang thương hiệu của Công ty CP Cồn rượu Hà Nội (HALICO), 2 vợ chồng Mai Ngọc Lâm (SN 1974) và Đỗ Thị Thanh Bình (SN 1978), trú tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, đã thành lập Công ty CP Rượu Hà Nội và cũng sản xuất loại rượu thương hiệu Vodka.

 Ngày 16-7, CQĐT CATP Hà Nội đã kết thúc điều tra, chuyển VKSND TP đề nghị truy tố Bình, Lâm về hành vi sản xuất hàng giả.

Sự việc bắt đầu từ đơn trình báo của Công ty CP Cồn rượu Hà Nội (Halico), gửi đến Phòng CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV-  CATP Hà Nội, tố cáo sản phẩm rượu Vodka của doanh nghiệp bị một công ty tư nhân làm giả.

Trụ sở của Công ty CP Rượu Hà Nội.
Trụ sở  của Công ty CP Rượu Hà Nội.

Qua xác minh, trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV nắm được, thông tin tố cáo của Halico là chính xác. Doanh nghiệp tư nhân “xâm phạm” sản phẩm của Halico là Công ty CP Rượu Hà Nội, trụ sở ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên, do Đỗ Thị Thanh Bình làm Giám đốc.

Trên cơ sở tài liệu trinh sát, cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra kho hàng của Công ty CP Rượu Hà Nội. Thời điểm kiểm tra, lực lượng liên ngành phát hiện, thu giữ gần 4.700 chai rượu và 82 can rượu thành phẩm mang các nhãn hiệu “Vodka”, “Sochukiwon”, “Kiwon Sotu”.

Tường trình với cơ quan chức năng, vợ chồng Lâm - Bình thừa nhận đã sản xuất số rượu trên nhưng chưa có giấy phép. Đáng chú ý, quá trình xử lý vụ việc, đoàn kiểm tra liên ngành nhận được thông tin, Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng qua kiểm tra cửa hàng 239 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng, đã thu giữ hơn 2.700 chai rượu nhãn hiệu Sochukiwon của Công ty CP Rượu Hà Nội.

Dây chuyền sản xuất rượu giả
Dây chuyền sản xuất rượu giả

Ngay sau đó, Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại về hành vi sản xuất hàng giả nhãn hiệu Sochukiwon đối với công ty này.

Về sản phẩm rượu Vodka của Công ty CP Rượu Hà Nội bị thu giữ tại phường Thượng Thanh; kết quả giám định của Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy, “mẫu sản phẩm rượu Vodka thủy tinh loại 750ml và 300ml nhãn hiệu Vodka trên nhãn giấy và “HALICO và hình” in nổi trên vỏ chai do Công ty CP Rượu Hà Nội sản xuất trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ”.

Từ đó, Cục Sở hữu trí tuệ nhận định, các phần trình bày chữ và màu sắc trên nhãn hiệu tạo thành tổng thể dễ gây nhầm lẫn và là hành vi giả mạo nhãn hiệu. Ngoài ra, trên sản phẩm mang nhãn hiệu “Rượu Hà Nội” của Công ty CP Rượu Hà Nội còn sử dụng các thông tin “Lò Đúc No94”, “Men say hồn Việt”... là địa chỉ thực và những dấu hiệu thương mại được sử dụng rộng rãi lâu nay của Công ty CP Cồn rượu Hà Nội.

Cục Sở hữu trí tuệ nhận định, đây là hành vi cố ý gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chủ thể kinh doanh, nguồn gốc, xuất xứ thương mại hàng hóa. Tiến hành giám định chất lượng các mẫu sản phẩm thu giữ, cơ quan chức năng kết luận 4 trong số 6 mẫu giám định không phù hợp với tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đã công bố.

Quá trình khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cơ quan Công an buộc vợ chồng Bình - Lâm khai nhận đã mua cồn tinh luyện của Công ty Mía đường Quảng Ngãi, lọc qua than hoạt tính rồi pha chế với nước tinh lọc đóng chai. Mai Ngọc Lâm đảm nhiệm việc thiết kế nhãn hiệu “rượu Vodka”.

Hành vi sản xuất rượu Vodka của vợ chồng Bình - Lâm bị CQĐT xác định là làm hàng giả, không có giá trị sử dụng đúng với bản chất tự nhiên từ ngũ cốc; giả về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, xuất xứ hàng hóa… Vậy mà cho đến trước khi bị phát hiện, không ít sản phẩm giả này đã bị bán ra thị trường, đánh lừa người tiêu dùng.     

                               Minh Hà