Từ vụ mua gom sổ BHXH trong đại dịch Covid-19: Thấy gì về quy định của pháp luật?

ANTD.VN - Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) vừa phối hợp với công an một số tỉnh, thành bước đầu làm rõ cặp vợ chồng dùng thủ đoạn gian dối để gom mua sổ bảo hiểm xã hội (BHXH). Hành vi này được xem là lợi dụng tình hình dịch bệnh để “thả câu”.  

Lợi dụng dịch bệnh Covid -19 “thả câu”?

Theo đó, danh tính cặp vợ chồng này là Ngô Thị Thúy Kiều và Lê Quốc Việt (cùng SN 1990), quê quán tỉnh Bình Định. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, vợ chồng Kiều - Việt đã lập trang Facebook giả mạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương để thu mua sổ bảo hiểm của người lao động mất việc do dịch bệnh.

Ngoài trang "Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương", cặp đôi còn lập hàng loạt tài khoản khác để giao dịch như: “Thu mua bảo hiểm xã hội giá cao”, “Thu mua bảo hiểm xã hội”... Quá trình xác minh vụ việc, cơ quan Công an đã thu được hàng chục sổ BHXH của công nhân cùng nhiều tài liệu liên quan.

Trang Facebook giả mạo cơ quan chức năng để mua gom sổ BHXH.

Trước đó, lợi dụng tình hình dịch Covid-19, trên mạng xã hội xuất hiện một số tài khoản Facebook giả mạo đứng ra thu mua sổ bảo hiểm xã hội của người lao động nhằm trục lợi. Tại tỉnh Bình Dương, một số người đã lập trang Facebook mạo danh Bảo hiểm xã hội tỉnh này để rao mua sổ bảo hiểm.

Các trang này có giao diện rất dễ gây nhầm lẫn với cơ quan bảo hiểm xã hội. Thông qua số điện thoại đăng tải, người lao động gặp vấn đề về tài chính hay ngại đến cơ quan bảo hiểm làm thủ tục thì có thể liên hệ bán sổ BHXH, dù đó không phải hàng hóa và bị nghiêm cấm giao dịch mua bán.

Sau đó, với giấy ủy quyền được cơ quan công chứng thiết lập, bên mua có thể đứng ra nhận tiền. Tuy nhiên, số tiền công nhân lao động nhận được sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền thực lĩnh từ cơ quan bảo hiểm xã hội.

Cơ quan chức năng khẳng định hoạt động mua bán, thu gom sổ bảo hiểm xã hội dưới bất kể hình thức nào đều là bất hợp pháp. Các tài khoản Facebook mang tên cơ quan bảo hiểm xã hội hay Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương thực hiện hành vi trên đều là giả mạo.

Gian lận BHXH có thể lĩnh đến 10 năm tù

Trao đổi với PV Báo ANTĐ, luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng VPLS Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định: “Việc mua bán, thu gom sổ Bảo hiểm xã hội của người lao động để chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hoặc để gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hay làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động là hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 17 - Luật Bảo hiểm xã hội 2014”.

“Người có hành vi nêu trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 08 năm 2013. Và nếu hành vi vi phạm kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2020 thì bị xử phạt theo Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2020, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” – luật sư Thanh viện dẫn.

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng VPLS Giang Thanh; Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Theo luật sư Giang Hồng Thanh, bên cạnh việc người vi phạm bị xử lý hành chính còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 214-Bộ luật hình sự 2017 về “Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”, nếu hành vi vi phạm đáp ứng đủ yếu tố cấu thành tội danh này.

Cụ thể, điều luật này quy định “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 10 triệu đồng đến đến dưới 100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

Đó là lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội; Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Và hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù nếu chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 500 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng và cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề đến 5 năm.

Có dấu hiệu vi phạm Luật An ninh mạng

Về hành vi lập trang Facebook giả mạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương để thu mua sổ bảo hiểm của cặp vợ chồng Ngô Thị Thúy Kiều và Lê Quốc Việt đã được cơ quan công an bước đầu làm rõ, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng có dấu hiệu vi phạm Luật An ninh mạng năm 2019.

Theo đó, Điều 8, Điều 18 – Luật An ninh mạng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm và sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, trong đó có “giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

“Người giả mạo có thể bị phạt tiền theo điểm đ, khoản 3, Điều 64 - Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 với mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng (nếu hành vi vi phạm kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2020 thì bị xử phạt theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử)” – luật sư Thanh viện dẫn.

Dù vậy, luật sư Giang Hồng Thanh cũng chỉ rõ theo quy định tại khoản 6, Điều 18 - Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động có quyền uỷ quyền cho ngư­ời khác nhận trợ cấp BHXH. Điều này đã lý giải vì sao cặp vợ chồng nêu trên cũng như một số đối tượng khác đã yêu cầu người bán lập giấy uỷ quyền (có công chứng) khi mua gom sổ BHXH.  

Đưa ra khuyến cáo, luật sư Thanh cho rằng nếu người lao động vì bất cứ lý do gì không trực tiếp làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH thì hoàn toàn có thể ủy quyền cho người khác làm thay mình và chi trả một khoản thù lao cho người được ủy quyền (nếu hai bên có thỏa thuận). Nhưng người lao động không nhất thiết phải chuyển toàn bộ quyền lợi của mình thông qua sổ BHXH cho người khác.

Người lao động cần hiểu rằng một khi ai đó “mua đứt” sổ BHXH đồng nghĩa với việc bên mua thường có gì đó mờ ám, dẫn đến quyền lợi hợp pháp của người lao động bị xâm phạm và bị thiệt thòi rất nhiều. Thế nên người lao động cần cảnh giác trước những lời mời chào mua bán sổ BHXH, kẻo đến khi nhận ra thì bản thân đã bị thiệt hại nghiêm trọng.