Từ một vụ tống tiền khám phá ra đường dây làm giấy chuyển viện giả

ANTD.VN - Khi một cơ quan Nhà nước bị tống tiền sẽ ảnh hưởng đến danh dự của cả tập thể nếu như sự việc không được ngăn chặn. Vì một môi trường trong sạch của ngành y, những “con sâu” đã bị đưa ra ánh sáng…

Từ một vụ tống tiền khám phá ra đường dây làm giấy chuyển viện giả ảnh 1

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Vụ tống tiền hy hữu

Ngày 14-7-2016,  Cơ quan An ninh điều tra CATP Hà Nội nhận được tin báo của Bệnh viện Xanh Pôn về việc một phụ nữ tên Thảo sử dụng giấy chuyển tuyến khám bệnh giả có đóng dấu của Bệnh viện Xanh Pôn để “tống tiền” chính đơn vị này. Thảo yêu cầu bệnh viện phải đưa 150 triệu đồng, nếu không cô ta sẽ đưa thông tin này lên báo chí làm ảnh hưởng uy tín bệnh viện.

Kiểm tra thông tin, cơ quan công an xác định đây là một sự việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện nên đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra làm rõ. Sau khi trao đổi, các bên thống nhất sẽ hẹn Thảo đến bệnh viện nhận tiền. Ngày 17-7, khi đối tượng xuất hiện thì đã bị các trinh sát bắt giữ. Quá trình kiểm tra hành chính, cơ quan công an còn phát hiện trong người Thảo có 9 tờ giấy chuyển tuyến giả mang chữ ký của lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn. 

Nhân thân của đối tượng được xác định là Trần Thị Thảo (SN 1974) trú ở phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Thảo trước đây từng là “cò mồi” ở Bệnh viện Xanh Pôn nên đã làm quen được một số cán bộ trong bệnh viện. Thảo thừa nhận do được một số nhân viên bệnh viện nhờ làm giấy chuyển tuyến sẽ được trả công 200.000 đồng/tờ, trong khi mỗi trường hợp “mua” giấy chuyển tuyến phải chi từ 2-3 triệu nên Thảo đã nảy sinh ý định photo lại để “tống tiền” các cán bộ trong bệnh viện.

Tuy nhiên, do sự việc không thành nên Thảo đánh liều nhắn tin cho Giám đốc bệnh viện và yêu cầu một mức giá “khủng” để mua sự im lặng. Theo lời khai của Thảo, bệnh nhân có giấy chuyển tuyến giả của Bệnh viện Xanh Pôn sẽ được chuyển tuyến bảo hiểm lên Bệnh viện Bạch Mai, từ đó sẽ được hưởng thêm quyền lợi về bảo hiểm y tế tại các bệnh viện này.

Đối tượng Trần Thị Thảo tại cơ quan điều tra

Phanh phui cả đường dây

Trần Thị Thảo bị khởi tố về tội danh cưỡng đoạt tài sản, nhưng những giấy chuyển tuyến giả do chính những cán bộ Bệnh viện Xanh Pôn “sản xuất” ra mới thực sự ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Trung tá Nguyễn Thị Dung - Phòng An ninh điều tra nhớ lại, thời điểm ấy, khi thụ lý vụ án chúng tôi rất buồn. Vì môi trường y tế vốn là nơi chăm sóc sức khỏe cho người dân mà lại có những người làm việc sai trái, gây ảnh hưởng uy tín của bệnh viện.

Do đó, sau khi cân nhắc, phối hợp với bệnh viện, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố bổ sung vụ án làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức, khởi tố bị can với 2 đối tượng là Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1975), điều dưỡng viên Khoa Huyết học truyền máu và Trần Thanh Vân (SN 1979) điều dưỡng viên Khoa Khám bệnh. Đây chính là 2 người đã tổ chức làm giả giấy chuyển tuyến và bán cho những người có nhu cầu với giá từ 2-3 triệu đồng/tờ. 

Cơ quan An ninh điều tra đã gửi yêu cầu trưng cầu giám định đối với hình dấu tròn của Bệnh viện Xanh Pôn trên 18 giấy chuyển tuyến cũng như chữ ký của các bác sỹ. Kết quả xác định, hình dấu tròn, chữ ký bác sỹ trên giấy chuyển tuyến là giả, được tạo ra bằng phương pháp in màu kỹ thuật số.

Lời khai của Nguyễn Thị Thu Thủy tại cơ quan công an thể hiện, người phụ nữ này được T.A.T là đồng nghiệp cùng khoa nhờ làm thủ tục chuyển tuyến cho mẹ đẻ cùng 14 người khác có Thẻ Bảo hiểm y tế ở Bệnh viện Xanh Pôn sang Bệnh viện Bạch Mai. Thủy đồng ý và ra giá với đồng nghiệp là phải trả chi phí làm thủ tục từ 2-3 triệu đồng/trường hợp.

T đồng ý và đưa thông tin của 15 bệnh nhân như Thẻ Bảo hiểm y tế, CMND photo kèm theo số tiền 40 triệu đồng. Sau đó, Thủy đã cấu kết với Trần Thanh Vân bằng cách để Vân nhập dữ liệu 15 người này vào máy tính của Khoa Khám bệnh rồi in giấy chuyển tuyến.

Tuy nhiên, trên tờ giấy này Vân chỉ xin được chữ ký của bác sỹ cùng 2 dấu vuông, còn chữ ký Giám đốc và dấu tròn của bệnh viện thì không xin được. Do đó, Vân đã hướng dẫn Thủy tìm chỗ làm con dấu giả, Thủy nhờ tiếp Trần Thị Thảo và đối tượng này đã đi scan màu hình con dấu tròn rồi báo giá chi phí là 200.000 đồng/tờ. Chưa hết, sau đó Vân còn đưa thêm 5 trường hợp bệnh nhân của mình để nhờ in dấu. Tính ra, tổng số bệnh nhân làm giả giấy chuyển tuyến là 20 trường hợp và Thảo đã nhận tiền công là 4 triệu đồng.

Thế nhưng, do con dấu trên các giấy chuyển tuyến lại có độ đậm nhạt khác nhau, các đối tượng không sử dụng được nên Vân đã nhờ Bùi Văn Cường, Bùi Quốc Cường (đều SN 1991 và cùng ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) scan mẫu khác. Sau khi nhận được bản scan giống với bản thật, Vân đã đề nghị Cường làm 16 tờ giấy chuyển tuyến giả và trả công 500.000 đồng/tờ.

Để có được dấu vuông của Khoa Khám bệnh, Vân đóng mẫu lên giấy A4 rồi đưa cho Thủy đi thuê khắc. Con dấu vuông giả này đã được các đối tượng đóng thêm lên các giấy chuyển tuyến có sẵn dấu tròn scan, còn phần hoàn thiện các chữ ký sẽ do Vân đảm nhiệm. Khoảng giữa tháng 1-2017, mẫu giấy chuyển tuyến đã xong, Vân đưa lại cho Thủy 15 tờ để trả cho T làm thủ tục chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Bạch Mai và hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế nhiều hơn.

Trả giá

Cơ quan An ninh điều tra đã gửi yêu cầu trưng cầu giám định đối với hình dấu tròn của Bệnh viện Xanh Pôn trên 18 giấy chuyển tuyến cũng như chữ ký của các bác sỹ. Kết quả xác định, hình dấu tròn, chữ ký bác sỹ trên giấy chuyển tuyến là giả, được tạo ra bằng phương pháp in màu kỹ thuật số.

Tiến hành lấy lời khai của các trường hợp sử dụng giấy chuyển tuyến giả, Cơ quan An ninh điều tra xác định, những người này không đi khám chữa bệnh ban đầu ở Bệnh viện Xanh Pôn. Tuy nhiên do muốn hưởng chế độ khám chữa bệnh tốt hơn tại Bệnh viện Bạch Mai nên đã nhờ làm giấy chuyển tuyến và chấp nhận chi 2,5 triệu đồng để có tờ giấy này.

Ngày 20-4-2018 phiên tòa sơ thẩm xét xử Trần Thị Thảo, Nguyễn Thị Thu Thủy, Trần Thanh Vân, Bùi Văn Cường, Bùi Quốc Cường đã diễn ra. Căn cứ vào hành vi của các bị cáo, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Trần Thị Thảo 7 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản. Với tội danh liên quan, Nguyễn Thị Thu Thủy, Trần Thanh Vân cùng bị áp dụng 24 tháng tù và 2 bị cáo còn lại lần lượt phải lĩnh 15 tháng tù giam.