Từ 1-1-2018: Bãi bỏ 11 tội, 10 tội có mức phạt nộp tiền

ANTD.VN - Theo BLHS 2015 từ 1-1-2018, 11 tội danh như tội tảo hôn, đăng ký kết hôn trái luật, kinh doanh trái phép... sẽ bị bãi bỏ. Bên cạnh đó, trong một số tội danh, người phạm tội có thể được áp dụng hình phạt tiền nếu hành vi thuộc khoản 1 điều luật quy định về tội phạm đó.

Nhiều tội danh “biến mất”

Về tội Kinh doanh trái phép, Điều 159 BLHS 1999 quy định, người nào kinh doanh không có đăng ký  kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. BLHS 2015 bãi bỏ tội danh này do thực tiễn xét xử cho thấy, việc áp dụng quy định có nhiều vướng mắc, bất cập.

Về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, BLHS 2015 không còn tội danh này, mà thay vào đó là 9 tội danh khác, như Tội vi phạm các quy định về cạnh tranh (Điều 217), Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218), Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219), Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220)…

Trong BLHS 2015, Tội Hoạt động phỉ cũng không còn mà thay vào đó, những hành vi trong tội này sẽ bị xử lý theo tội Bạo loạn (Điều 112).

BLHS 2015 cũng bãi bỏ tội Tảo hôn, song vẫn quy định trách nhiệm hình sự với người có hành vi tổ chức tảo hôn. Điều 183 về tội Tổ chức tảo hôn nêu rõ, người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, bị phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.

Ngoài các tội trên, một số tội danh khác như tội Báo cáo sai trong quản lý kinh tế , Đăng ký kết hôn trái pháp luật, Làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên; Làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới; Sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng…cũng bị bãi bỏ từ 1-1-2018.

Phạt tiền thay phạt tù

Bên cạnh việc bãi bỏ một số tội danh không còn phù hợp, BLHS 2015 đã mở rộng hình phạt không áp dụng biện pháp giam giữ. Theo đó, tại một số tội danh, nếu hành vi thuộc khoản 1, người phạm tội có thể được áp dụng hình phạt tiền.

Điều 155 về tội Làm nhục người khác quy định, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Điều 165 BLHS 2015 về tội Xâm phạm quyền bình đẳng giới  nêu rõ,  người nào vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin…đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5-50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. 

Quảng cáo gian dối có thể bị phạt tiền tới 100 triệu đồng (ảnh minh họa)

Theo Điều 197 BLHS 2015 về tội Quảng cáo gian dối, người có hành vi quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Điều 135 về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nêu rõ, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền 10-50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Điều 231 BLHS 2015 về tội Cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái những quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ gây thiệt hại hoặc thất thoát tiền, hàng cứu trợ từ 100-dưới 300 triệu đồng thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.

Ngoài các tội trên, tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điều 136), Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 138), Tổ chức tảo hôn (Điều 183), Lập quỹ trái phép (Điều 205), Vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông (Điều 281) cũng quy định người thực hiện hành vi phạm tội có thể được áp dụng hình phạt tiền.