Từ 1/1/2018: Trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị phạt tù tới 7 năm

ANTD.VN - BLHS 2015 quy định, từ 1/1/2018, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sẽ phạt tiền tới 3 tỷ đồng hoặc ngồi tù đến 7 năm.

Theo Điều 216 BLHS 2015 về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp: Trốn đóng bảo hiểm từ 50-dưới 300 triệu đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10-dưới 50 người lao động đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng -1 năm.

Từ 1/1/2018, trốn đóng BHXH cho người lao động có thể bị phạt tù tới 7 năm

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội 2 lần trở lên; Trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng - dưới 1 tỷ đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50-dưới 200 người; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Trường hợp trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên; Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên hoặc không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2-7 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng.

Liên quan đến mức đóng BHXH, theo Luật Bảo hiểm xã hội, từ 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản phụ cấp lương và bổ sung khác đều làm căn cứ tính đóng BHXH – Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Những khoản phụ cấp lương, khoản bổ sung khác tính đóng BHXH là những khoản tương đối ổn định, thường xuyên, còn những khoản phụ cấp lương, khoản bổ sung khác không xác định được cùng với mức lương, gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động là khoản phụ cấp, bổ sung thường xuyên biến động nên không làm căn cứ tính đóng BHXH.

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, quy định trên nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Song, chỉ khi có sự “gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ” thì mới phạm tội trốn đóng bảo hiểm, điều này dễ dẫn đến cách hiểu nếu không đóng do không có tiền, thì không phạm tội. Do vậy, để quy định trên sớm đi vào cuộc sống, cơ quan chức năng cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về các hành vi “gian lận”, “gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác” để không đóng hoặc không đóng bảo hiểm đầy đủ theo quy định, tránh phát sinh vướng mắc trong quá trình áp dụng luật.