Trò lừa về dự án nạo vét sông Đáy trị giá 4.300 tỷ đồng

ANTĐ - Ngày 3-7, CQĐT CATP Hà Nội đã chuyển hồ sơ đến Viện KSND TP đề nghị truy tố 2 bị can Ngụy Như Công, SN 1968, trú ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội; và Lê Sỹ Lâm, SN 1977, trú ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi phạm pháp của 2 bị can này xoay quanh dự án không có thật: “nạo, vét kè sông Đáy”, với quảng cáo tổng đầu tư kinh phí lên đến 4.300 tỷ đồng.

Ảnh mang tính chất minh hoạ: Nguồn: Internet

Lê Sỹ Lâm từng có nhân thân tốt. Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2007, Lâm cùng bạn bè thành lập công ty chuyên lĩnh vực xây dựng - thương mại, trụ sở tại quận Cầu Giấy. Quá trình kinh doanh, Lâm quen Ngụy Như Công, đối tượng có một tiền án về tội tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Khoảng tháng 8-2011, Công khoe với Lâm: “Anh có dự án nạo, vét kè sông Đáy, tổng kinh phí 4.300 tỷ đồng. Anh muốn đưa công ty của em vào nhưng phải chứng minh được nguồn vốn dư là 20 tỷ đồng; chỉ phải bỏ ra 4% trên tổng số tiền của dự án là được trở thành nhà thầu”. Bật mí về dự án, Công không quên dặn Lâm: “Phải giữ bí mật vì bên chống tham nhũng mà phát hiện thì mất cả dự án”. Khấp khởi mừng đến mức chẳng cần xác minh độ thật - giả của dự án ra sao, Lê Sỹ Lâm hăm hở đi tìm đối tác tham gia dự án. 

Ít ngày sau, Lê Sỹ Lâm mang thông tin về dự án “ma” đến gặp anh Nguyễn Thanh Bình, giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội và không quên “cài” thêm 0,5% vào tổng kinh phí dự án, nhằm hưởng chênh lệch. Tin tưởng Lâm là doanh nghiệp, anh Bình rủ một số bạn bè, doanh nghiệp thân tín tham gia, trong đó có anh Ngô Trọng Tuất, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Vĩnh Sơn; và anh Nguyễn Văn Hưng, nhà ở TP Bắc Ninh. Các cá nhân này đã nhờ Công ty CP Sông Đà Bình Phước cùng đứng tên trong hồ sơ để đảm bảo năng lực tài chính.

Trung tuần tháng 11-2011, Công thông báo cho Lâm đã xong hồ sơ. Những văn bản này, Công chỉ cho Lâm dùng điện thoại di động chụp lại để mang cho các đối tác xem. Tuy nhiên, một trong những đối tác đã phát hiện sự thiếu hụt hồ sơ, cụ thể là Quyết định phê duyệt tổng dự toán của Chính phủ đối với dự án trên. Lê Sỹ Lâm yêu cầu đối tác phải chuyển trước 300 triệu đồng mới cung cấp nốt hồ sơ, nhưng đối tác chỉ đồng ý chuyển một nửa số tiền. Một thời gian ngắn sau đó, thấy Lâm không đưa ra được Quyết định phê duyệt tổng dự toán của Chính phủ, các đối tác nghi ngờ, trình báo đến cơ quan công an. Tháng 2-2012, Ngụy Như Công và Lê Sỹ Lâm bị khởi tố, tạm giam về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trưng cầu giám định các loại giấy tờ thu giữ, CQĐT xác định tất cả đều là giả mạo. Trong số này, bản Thông báo vốn số 216 ghi tên, chức danh của đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính, thực chất là số công văn thông báo… nghỉ hưu đối với một cán bộ của Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính. Ngoài tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, CQĐT CATP Hà Nội còn xem xét làm rõ hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức đối với các đối tượng để xử lý sau.