Trịnh Xuân Thanh đầu thú: Những dấu mốc đáng quên của cựu quan chức dầu khí tai tiếng

ANTD.VN - Ngày 31-7, Trịnh Xuân Thanh – đối tượng bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19-9-2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an - đã đến trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an để đầu thú. Cùng nhìn lại những dấu mốc khó quên nhưng cũng đáng quên của cựu quan chức dầu khí tai tiếng này.

Sinh ngày 13-2-1966, đối tượng Trịnh Xuân Thanh hiện đăng ký hộ khẩu thường trú tại nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội.

Nhân vật này bắt đầu khởi nghiệp tại CHLB Đức, với 5 năm làm việc ở đây (từ năm 1990 đến 1995). Sau đó, từ năm 1996 tới năm 2000, Trịnh Xuân Thanh về nước, giữ cương vị Phó Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng và Trang trí nội thất 1, thuộc Công ty Phát triển kinh tế kỹ thuật Việt Nam (DETESCO VN) của Trung ương Đoàn.

Sau 1 năm lẩn trốn, đối tượng Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú tại cơ quan công an

Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2006, ông Thanh lần lượt giữ cương vị Phó Giám đốc rồi Giám đốc của Công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng, thuộc Bộ Xây dựng.

Tới cuối năm 2006, đầu năm 2007, ông Thanh được bầu vào vị trí Phó Tổng giám đốc, rồi sau đó là Tổng giám đốc của Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng.

Từ năm 2007 tới năm 2013, ông Thanh giữ cương vị mới tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với các chức danh Chủ tịch HĐQT, Phó Bí thư, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Trong giai đoạn đầu ông Thanh giữ cương vị lãnh đạo PVC, tổng công ty này có kết quả kinh doanh rất tốt, giữ vai trò quan trọng trong Tập đoàn Dầu khí  Việt Nam, được phong danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”.

Tuy nhiên, tới năm 2013, PVC lao dốc với mức thua lỗ trầm trọng, lên tới 3.200 tỉ đồng (khoản lỗ hợp nhất), trong đó riêng khoản lỗ của công ty mẹ là 2.325 tỉ đồng.

Tới năm 2014, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 49/TB – VPCP ngày 25-1-2014 đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ này.

Tuy nhiên, trong “tâm bão”, ông Thanh bất ngờ chuyển sang giữ hàng loạt cương vị mới ở Bộ Công thương. Cụ thể, từ tháng 9-2013 tới tháng 4-2015, ông Thanh lần lượt làm Phó chánh Văn phòng Bộ Công Thương, Trưởng đại diện tại TP Đà Nẵng; Chánh văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ Công Thương; Vụ trưởng; Chánh văn phòng Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Công Thương; Thường trực Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Bộ này.

Đến tháng 5-2015, ông Thanh được luân chuyển công tác từ Bộ Công thương về UBND tỉnh Hậu Giang, giữ vai trò Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2011-2016.

Cuối tháng 5-2016, tức sau khoảng 1 năm kể từ khi ông Thanh về công tác tại UBND tỉnh Hậu Giang, một số tờ báo đưa tin về chiếc xe Lexus trị giá 5,7 tỉ đồng gắn biển xanh 95A-0699 chạy trên đường phố Cần Thơ. Đây là chiếc xe của ông Thanh.

Tới tháng 6-2016, những thông tin về mức thua lỗ 3.200 tỉ đồng của PVC dưới thời ông Thanh làm lãnh đạo được nhắc lại, cùng quá trình “luân chuyển” kỳ lạ của nhân vật này, bất chấp những trách nhiệm liên quan tại PVC.

Giữa tháng 6-2016, ông Trịnh Xuân Thanh bắt đầu vắng mặt tại các sự kiện của HĐND và UBND tỉnh Hậu Giang.

Ngày 11-7-2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo kỳ họp thứ 4 và 5. Trong đó, Thông báo nêu, qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Đến ngày 15-7-2016, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã thống nhất không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội của ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó chủ tịch Hậu Giang.

Ngày 15-9-2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ra Quyết định số 51/C46(P12) khởi tố vụ án hình sự: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 165 Bộ luật hình sự, xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam; ngày 16-9-2016 ra Quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự; đồng thời ra Lệnh bắt tạm giam và Lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.

Sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn; căn cứ các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật tố tụng hình sự nước CHXHCN Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra Quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.

Và như thông tin đã đưa, đến ngày 31-7-2017, tức là khoảng 1 năm sau khi bỏ trốn, đối tượng Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.