Triệt xóa hàng chục vụ mua bán công cụ hỗ trợ, giấy khám sức khỏe dưới hình thức "Alo… là có"

ANTD.VN - Từ vũ khí, công cụ hỗ trợ đến giấy khám sức khỏe… đều được bán qua mạng gần như công khai. Mặc dù nhiều vụ việc, đường dây vi phạm đã bị lực lượng công an triệt phá nhưng vì siêu lợi nhuận, tình trạng mua - bán trao đổi những món hàng cấm vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự.

Đối tượng Tiến và Nghĩa cùng tang vật vụ án

Ngoài việc quảng cáo, rao bán tràn lan các loại công cụ hỗ trợ trên mạng, nhiều trang còn đăng tải hình ảnh các loại vũ khí đơn giản nhưng hết sức nguy hiểm như súng bút - loại vũ khí gần đây được nhiều đối tượng vận chuyển, buôn bán ma túy và nhóm đối tượng cho vay nặng lãi, cầm đồ dùng để dằn mặt nhau bởi tính sát thương cao và khó bị phát hiện.

“Chế” hồ sơ, giấy khám sức khỏe trong vài phút

Thủ đoạn tinh vi này của Nguyễn Văn Thắng (27 tuổi) và Lê Trần Tiến (26 tuổi), cùng trú tại Hà Nội đã bị Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội phối hợp với CAH Thanh Trì triệt phá, bắt giữ vào trung tuần tháng 10 vừa qua. Hai đối tượng nói trên đã tạo tài khoản Facebook sau đó kết nối với các nhóm liên quan đến bệnh viện, giấy tờ, giấy khám sức khỏe… để bán giấy tờ giả.

Với 1 tờ mẫu chuẩn của các bệnh viện, Thắng và Tiến đã photocopy nhân bản và sau đó khắc dấu tên các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ thuộc các bệnh viện Trung ương và địa phương để đáp ứng nhu cầu người mua. Tất thảy việc quảng bá, giao “hàng” cho khách đến việc chẩn đoán và kết luận đóng dấu đều do 2 đối tượng đảm nhiệm. 

Khai nhận với cơ quan công an, Thắng cho biết mỗi tờ như vậy, bọn chúng bán với giá từ 40.000-80.000 đồng tùy theo khách. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng nghìn tờ giấy khám sức khỏe - chứng chỉ đủ điều kiện xin việc, thi bằng lái xe… đều được Thắng tiêu thụ hết.

Trước đó, vào sáng 7-6, Đội Phòng ngừa đấu tranh án kinh tế trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Phòng Cảnh sát Kinh tế,  CATP Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối với Phạm Tiến Nghĩa (26 tuổi) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Quá trình điều tra, công an xác định cùng trong đường dây này còn có đối tượng Trần Văn Tú và Hoàng Công Dương. Tất cả đều thực hiện hành vi rao bán các loại giấy tờ bệnh viện qua mạng xã hội Facebook.

“Tình trạng làm giả mạo giấy khám sức khỏe của bệnh viện xuất hiện nhiều năm nay và chúng tôi đã phối hợp trao đổi thông tin với công an phường, công an quận… để xử lý. Một lần nữa, Bệnh viện E rất mong cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi bán giấy khám sức khỏe giả, tránh làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện”.

GS. TS Lê Ngọc Thành (Giám đốc Bệnh viện E)

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát Kinh tế, đối tượng chủ yếu nhằm vào khách hàng là sinh viên năm cuối đang có nhu cầu đi làm, người đi xin việc. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, nhóm đối tượng chọn cách giao dịch qua “sim rác” và giao hàng tại địa điểm hẹn trước ngoài đường. Tuy nhiên quá trình theo dõi, lực lượng chức năng bắt quả tang Phạm Tiến Nghĩa mang theo một tờ giấy giả vào viện bán cho khách hàng. Ngay sau đó, lực lượng chức năng khám xét nơi ở của Nghĩa tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tại đây, công an thu giữ trên 3.000 loại giấy tờ, con dấu liên quan đến quá trình làm giả giấy khám sức khỏe của nhóm Nghĩa. Ngay sau khi bắt giữ đối tượng mang giấy tờ có tên Bệnh viện E, Bệnh viện Giao thông - Vận tải, cơ quan CSĐT đã làm việc với lãnh đạo bệnh viện và hầu hết khẳng định giấy tờ bán trên mạng đều là bị giả mạo, làm giả.

GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E cho biết: “Những tờ giấy khám sức khỏe được bán bên ngoài, mang con dấu của Bệnh viện E là hoàn toàn giả mạo, từ con dấu đến chữ ký của các bác sĩ. Cụ thể, phần chữ ký Ths. BS Phạm Thị Bình, Trưởng khoa Điều trị là không đúng, không có bác sĩ nào như thế. Phó Giám đốc Nguyễn Thúy Vinh đã chuyển công tác”. 

Cơ quan công an cũng cảnh báo, việc sử dụng giấy tờ giả mà không qua chẩn đoán, khám bệnh của bác sĩ chuyên khoa thì hậu quả sẽ khôn lường. Nhất là đối với trường hợp làm việc nơi có cường độ cao, lái xe… bởi vì khi khám bệnh, có bác sĩ chẩn đoán đủ điều kiện, hoặc chưa đủ sức khỏe thì cần điều trị, tránh việc khi xảy ra đột quỵ do không phát hiện tiền sử bệnh tật.

Đối tượng Nguyễn Văn Ninh và tang vật

Vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mua qua mạng Internet

Thượng tá Nguyễn Tuấn Khanh, Phó trưởng CAH Mỹ Đức, Hà Nội cho biết, đêm 26-10, qua tuần tra kiểm soát, lực lượng công an phát hiện đối tượng Vũ Mạnh Tường (SN 1990), trú tại huyện Mỹ Đức mang theo 1 khẩu súng tự chế. Qua khai thác, đối tượng khai nhận đã mua súng trên mạng.

Tiếp đến ngày 10-11, tổ tuần tra CAH làm nhiệm vụ đã phát hiện 1 xe ô tô có biểu hiện nghi vấn, tiến hành kiểm tra xe mang BKS: 30E- 047.14 do Nguyễn Văn Ninh (SN 1982), trú tại Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, tổ tuần tra phát hiện trong xe có 1 khẩu súng và 7 viên đạn, 1 con dao găm. Khai nhận với cơ quan công an, Ninh cho biết số tang vật nói trên của Nguyễn Nam Phương (SN 1971), trú tại huyện Mỹ Đức và cho biết số tang vật trên do Phương mua qua mạng để mang theo phòng thân… 

Đó là chưa kể hàng trăm vụ mua bán vũ khí thô sơ, súng đạn… do cơ quan công an triệt phá đều xuất phát từ việc mua qua mạng xã hội. Trước đây, dùi cui điện, súng hơi, đao kiếm… phải lên các chợ vùng biên giới mới có thể tìm mối mua lén lút được thì hiện nay dễ dàng hơn nhiều, chỉ cần “alo là có”.

Ngoài việc quảng cáo, rao bán tràn lan các loại công cụ hỗ trợ trên mạng, nhiều trang còn đăng tải các hình ảnh chế tạo các loại vũ khí đơn giản nhưng hết sức nguy hiểm như súng bút - loại vũ khí gần đây giới buôn ma túy, và giới hoạt động tín dụng đen, cầm đồ thường dùng dằn mặt nhau bởi tính sát thương cao và khó bị phát hiện khi mang theo. Đáng lo ngại là nhiều trang bán công cụ hỗ trợ trên mạng đưa thông tin, coi đó như một thứ đồ chơi, đồ sưu tập, chẳng hạn bán súng đồ chơi hoặc súng thật nhưng giống như súng đồ chơi. 

Nói về tang vật tổ công tác CAH Mỹ Đức vừa thu giữ được, Thượng tá Nguyễn Tuấn Khanh cho biết: “Qua giám định, các loại súng do đối tượng mang theo đều có khả năng sát thương cao, trong đó  nỏ dạng súng có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài khá lạ, bắn bằng mũi tên thép có thể xuyên vào thân cây trong khoảng cách vài chục đến 100m.

Các đối tượng buôn bán công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ trái phép biết rõ là phạm pháp, bởi chính họ còn đăng tải các văn bản pháp luật về các hành vi bị nghiêm cấm mua, bán, sử dụng đối với sử dụng vật liệu nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ… Thậm chí còn khuyến cáo không chịu trách nhiệm nếu người mua sử dụng dụng cụ tự vệ làm nguy hiểm đến tính mạng người khác để cướp giật... Tuy nhiên, việc công khai mua bán hàng nóng này tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội, mầm mống phát sinh tội phạm”.

Gần đây việc kiểm soát, ngăn chặn mua bán, tàng trữ công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ đã được cơ quan chức năng xử lý tích cực như chặn nguồn cung từ đường biên giới, các Tổ công tác 141 mật phục kiểm tra nhanh ở các thành phố… và đặc biệt bắt đầu từ tháng 10 đến nay Giám đốc CATP Hà Nội đã có Mệnh lệnh 01, một trong những biện pháp ngăn ngừa tội phạm phát sinh trong đêm qua công tác tuần tra, kiểm tra khép kín đã góp phần kiềm chế việc buôn bán, vận chuyển hàng cấm này.

Cùng với đó, Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội đã chủ động, tích cực nhiều biện pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm sử dụng mạng Internet để hoạt động. Qua đó hàng chục vụ mua bán vũ khí, súng đạn, và giấy khám sức khỏe qua mạng Internet đã bị đơn vị triệt xóa, bắt giữ chuyển cơ quan CSĐT khởi tố, xử lý theo quy định. 

“Việc mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ dưới bất kể hình thức nào cũng bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, đối với việc mua bán giấy tờ khám sức khỏe hay bất cứ loại hàng hóa nào đều phải kiểm chứng nguồn gốc, nhất là đối với giấy khám sức khỏe thì phải thông qua đúng các quy trình chẩn đoán của bác sỹ tại bệnh viện”.

Đại tá Lê Hồng Sơn (Trưởng phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội)