Tội phạm rửa tiền và những cảnh báo “nóng”
(ANTĐ) - Theo Trung tâm Thông tin phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay, tuy chưa có vụ việc nào bị kết luận là rửa tiền, song hoạt động này có khả năng diễn ra tinh vi và phức tạp hơn nhiều trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO. Trước thực trạng trên, biện pháp nào được đưa ra trong việc phòng, chống tội phạm rửa tiền?
Rửa tiền - vỏ bọc của tội phạm
Rửa tiền là quá trình nhằm che đậy những khoản thu nhập bất hợp pháp. Thông qua đó, tài sản do phạm tội mà có được đưa vào một loạt các giao dịch. Do vậy, cần có một hệ thống phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố hiệu quả.
Vì nếu không sẽ dẫn đến gia tăng tội phạm và tham nhũng, tác động tiêu cực đến đầu tư nước ngoài, làm suy yếu các định chế tài chính như: Rủi ro về uy tín, rủi ro về hoạt động, rủi ro về luật pháp; hạn chế cơ hội thiết lập các mối quan hệ giao dịch đối với các ngân hàng; hạn chế cơ hội mở các văn phòng đại diện tại nước ngoài; hạn chế cơ hội mở chi nhánh hoặc công ty con ở nước ngoài.
Từ những nguồn “tiền đen”, đối tượng phạm tội sẽ phân phối vào các định chế tài chính mà không bị các cơ quan luật pháp phát hiện. Những khoản tiền đó được chia thành các khoản tiền nhỏ dưới những mức mà pháp luật quy định và xa nguồn gốc ban đầu mà những tổ chức cá nhân phạm tội này có được.
Nhưng tiền sẽ nhanh chóng được thu về qua con đường đầu tư và thu hồi vốn đầu tư. Qua những quá trình luân chuyển như vậy, tiền sẽ được phân phối trở lại vào nền kinh tế với nguồn gốc không thể tìm ra.
Hoạt động rửa tiền có quan hệ đến rất nhiều hoạt động tội phạm khác và tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Do đó, việc phòng, chống rửa tiền cần có sự hợp tác của các cơ quan chức năng. Cách thức này giúp giảm thiểu chi phí và thời gian cho cơ quan phụ trách công tác phòng, chống rửa tiền, đồng thời cũng mang lại hiệu quả cao cho hoạt động này.
Ông Ric Power tại Hội thảo báo chí về phòng chống rửa tiền |
Những cảnh báo khi Việt Nam trở thành mục tiêu rửa tiền
Theo một quan chức của Trung tâm Thông tin phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: “Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hội nhập, được đánh giá là có “tính chất mở”. Điều này cũng khiến các luồng tiền ra vào thuận lợi hơn, nhiều đối tượng “lách luật” để rửa tiền.
Do vậy, pháp luật Việt Nam quy định, các tổ chức tín dụng bắt buộc có trách nhiệm báo cáo với Trung tâm Thông tin phòng, chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các giao dịch đáng ngờ.
Trên thực tế, công tác phòng, chống rửa tiền cũng đã bắt đầu được chú trọng, thể hiện qua nhiều văn bản như: Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định rửa tiền thành một loại tội phạm riêng biệt (điều 251), các văn bản dưới luật, đặc biệt là Nghị định 74/2005/NĐ-CP quy định rất rõ về phòng, chống rửa tiền”.
Tại hội thảo báo chí về phòng, chống rửa tiền vào cuối tháng 7 vừa qua, ông Ric Power - Cố vấn khu vực về Phòng, chống rửa tiền và tài trợ chống khủng bố - Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hiệp quốc tại Việt Nam đã cho rằng, nếu không kiểm soát được hoạt động rửa tiền, để xảy ra sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và ảnh hưởng trực tiếp đến các nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Các nguồn tiền “đen” sẽ dễ dàng chuyển vào các định chế tài chính, tổ chức tín dụng của Việt Nam rồi nhanh chóng rút đi các nước khác. Khi đó, Việt Nam sẽ trở thành trung gian chuyển tiền đi các nước khác.
Từ những thực tế trên, Việt Nam cần sớm ban hành Luật Chống rửa tiền để có thể đạt được những bước tiến xa hơn so với Nghị định số 74/2005/NĐ-CP của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền hiện nay. Bên cạnh đó, cần quy định rõ hơn về tội rửa tiền để nâng cao hiệu quả phòng, chống rửa tiền.
Triển khai đồng bộ các giải pháp về phòng, chống rửa tiền theo tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng hệ thống phòng, chống rửa tiền hiệu quả. Góp phần ngăn chặn tệ nạn tham nhũng, tội phạm, bảo đảm sự an toàn cho hoạt động của các định chế tài chính và tăng thêm niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.
Chính phủ cần xây dựng một chiến lược chuyển từ sử dụng tiền mặt sang các thanh toán phi tiền mặt. Đồng thời các cơ quan hữu quan cũng cần tăng cường thông tin, phổ biến kiến thức về phòng, chống rửa tiền cho các tổ chức kinh tế, xã hội và từng người dân để mọi người cùng đồng lòng, chung sức chống loại tội phạm này.
Quang Trường