Tội phạm cướp “xe ôm” gây án manh động: Nạn nhân vẫn xem thường nguy cơ

ANTĐ - Trước thực trạng cướp “xe ôm” vẫn diễn ra gần đây PV Báo ANTĐ đã đi thực tế để kiểm chứng ý thức phòng ngừa của những người hành nghề “xe ôm”. Kết quả có thể đúc kết ngắn gọn là: đáng báo động!

Hiện trường vắng vẻ, nơi hung thủ “điều” nạn nhân đến để gây án

Những vụ án cướp “xe ôm” xảy ra được xem như bài học đắt giá, cảnh báo nguy cơ và tính chất nguy hiểm của loại tội phạm này. Thế nhưng, vẫn có nhiều người mất cảnh giác; số vụ án liên quan đến tội phạm cướp “xe ôm” vẫn nối dài. Không có kinh nghiệm và kỹ năng đối phó khi gặp tình huống xấu, cũng như  thiếu cảnh giác là những lý do khiến người hành nghề “ xe ôm” đối diện với nhiều mối hiểm nguy.

Tính toán kỹ trước khi gây án

Theo các chuyên gia nghiên cứu về tội phạm học, phần lớn các vụ cướp, giết “xe ôm”, đối tượng trước khi gây án đều có sự tính toán, lựa chọn kỹ “con mồi” và thời điểm ra tay. Hấu hết các nạn nhân đã không nhận ra hoặc bỏ qua các dấu hiệu nhận biết tội phạm. Như trong vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra hôm        18-1-2014 tại cánh đồng Cò, thuộc khu Đồng Vai, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), nạn nhân có thể đã không trúng “bẫy” của tên cướp nếu chủ động đề phòng vụ án này, đối tượng gây án là Triệu Duyên Cường, 18 tuổi, quê quán Kim Bôi, Hòa Bình. Trung tuần tháng 2, Cường đã bị Phòng CSHS bắt giữ).

Tìm đến khu vực cổng bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông) PV được một phụ nữ bán nước kể, hôm xảy ra vụ việc, Triệu Duyên Cường xuất hiện với nhiều biểu hiện bất thường. Chị chủ quán chú ý đến gã thanh niên bởi hắn đi lại nhiều lần quanh khu vực cổng bến xe, mặt luôn bịt khẩu trang tay cầm khư khư chiếc túi vải. Khi trời bắt đầu nhá nhem, hung thủ mới tiếp cận người đàn ông trung niên làm nghề “xe ôm” đang đứng đón khách một mình. Đó là ông Nông Văn C, 55 tuổi, nhà ở Thanh Oai, Hà Nội. Sau khi bị bắt giữ, bản thân đối tượng gây án cũng thừa nhận, nạn nhân đã không đề phòng dù được thuê chở ra khu vực ngoại thành. Thấy khách niềm nở bắt chuyện, ông C không ngần ngại thay đổi lộ trình theo chỉ dẫn của tên cướp. Triệu Duyên Cường đã chọn địa điểm gây án là khu trạm bơm vắng người ở cánh đồng Cò, cách xa khu dân cư, nơi y từng gây ra vụ cướp tài sản “xe ôm” với thủ đoạn tương tự. Khai nhận tại cơ quan điều tra, Cường khai nhận chỉ có ý định khống chế, đe dọa lái xe để lấy tài sản. Nhưng khi bị nạn nhân chống trả,  tên cướp đã dùng dao tấn công, sát hại ông C. 

Hay như vụ án giết “xe ôm” cướp tài sản rồi đốt xác phi tang xảy ra tại bờ đê sông Nhuệ, thuộc thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, hung thủ Nguyễn Văn Đạt, 20 tuổi, quê quán Yên Định, Thanh Hóa, đã không gặp phải bất cứ sự đề phòng, đối phó nào từ phía nạn nhân. Chập tối, Đạt thủ theo dao nhọn, đến khu vực cổng bến xe phía Nam, chọn thuê bị hại gần 60 tuổi, chở về Thường Tín. Bị điều đến đoạn đường vắng, người lái “xe ôm” bất hạnh đã không thể chống đỡ trước những nhát dao chí mạng của tên cướp. 

Chân tướng 1 kẻ cướp "xe ôm"

Tự chui đầu vào bẫy

Tại bến xe Yên Nghĩa – nơi Triệu Duyên Cường thuê xe, PV đã “đóng vai”… nghi vấn: cũng bịt khẩu trang, đội mũ kín mặt, mang theo ba lô khá to và vòng đi vòng lại quanh khu vực bến xe. Thế nhưng, những “tình tiết” này không khiến đội ngũ “xe ôm” ở đây nghi ngại. 18h, PV đề nghị chở về huyện Ứng Hòa, nam thanh niên lái xe tên là Cường lập tức gật đầu. Trên đường đi, Cường tâm sự sau vụ cướp hồi gần Tết, anh em “xe ôm” quanh bến Yên Nghĩa không dám chạy đêm. Khi được hỏi có được tập huấn về kỹ năng nhận biết, đối phó với tội phạm, nam thanh niên lái “xe ôm” cho biết, chỉ những ai chuyên chạy xe, đăng ký danh sách hoạt động tại bến xe mới tham gia các buổi hướng dẫn. Còn những lái xe hoạt động bên ngoài như Cường, chỉ theo tập huấn buổi đực, buổi cái. Bản thân Cường chưa dự buổi tập huấn nào.

Một ngày sau đó, PV ANTĐ ăn mặc như hôm trước tiếp tục quay lại bến Yên Nghĩa thuê “xe ôm”. Vừa ra đến cổng, 2 người đàn ông chạy xe đã đến chèo kéo, hỏi han. Trả lời với giọng lấc cấc, PV yêu cầu chở về khu Đồng Vai, thị trấn Xuân Mai (nơi vừa xảy ra vụ giết, cướp), thì cả hai lái xe đều lưỡng lự. Thấy khách lý giải bị say xe không thể đi taxi, sau ít phút đắn đo, người lái “xe ôm” trung tuổi nhận lời nhưng yêu cầu trả thêm tiền. Để kiểm chứng ý thức phòng ngừa của lái xe, khi đi qua cầu Mai Lĩnh (Hà Đông), PV bất ngờ thay đổi lộ trình đi theo lối dẫn vào trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao, ở xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ. Khi PV đề nghị dừng xe ở đoạn đường nhựa cách xa khu dân cư để chờ bạn ra đón, lái xe tỏ ra lo lắng, liên tục hỏi lý do nhưng vẫn… làm theo yêu cầu.

Tại bến xe Mỹ Đình, PV tiếp tục đóng giả khách thuê “xe ôm” có những cử chỉ nghi vấn. So với khu vực bến xe Yên Nghĩa, số lượng người làm nghề “xe ôm” ở đây đông hơn nhiều. Vẫn vào thời điểm trời tối và có mưa lất phất, PV đề nghị chở về khu nông trường chè nằm ở cuối đường đại lộ Thăng Long. Một thanh niên lập tức “làm giá” rồi kéo về phía chiếc xe máy Dream mang biển số tỉnh Hòa Bình. Tâm sự trên đường đi, người lái “xe ôm” cho rằng, chỉ những ai “số nhọ” mới gặp cướp. “Trông mặt bắt hình dong” và chỉ chở đến những nơi thông thạo địa hình là “bí quyết” được anh “xe ôm” chia sẻ. Tuy nhiên, thực tế lại không như những gì anh ta vừa nói. Hết đường cao tốc, anh ta bắt đầu “bí” về đường đi. Sau nhiều lần hỏi dò, người lái xe “xe ôm” mới đưa PV đến đích. Trả lời câu hỏi ở nơi heo hút nếu gặp cướp sẽ làm gì, nam thanh niên chạy “xe ôm” nhìn PV ánh mắt dò xét: “Thì bỏ xe mà chạy thôi”…

(Còn nữa)