Tội phạm buôn người không từ thủ đoạn nào

ANTD.VN - tội phạm mua bán người luôn có nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường. Loại tội phạm này thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của các cô gái trẻ ở vùng nông thôn chưa có công ăn việc làm ổn định, muốn thoát ly gia đình để mưu cầu cuộc sống đầy đủ hơn, rồi dụ dỗ, lừa gạt, bán họ cho những đường dây mua bán người xuyên quốc gia.

Tội phạm buôn người không từ thủ đoạn nào ảnh 1Lực lượng chức năng ở khu vực biên giới Việt - Trung giao, nhận các cô gái là nạn nhân của các đường dây mua bán người xuyên quốc gia

“Chân trời mới” là… “động” mại dâm

Với lời hứa hẹn đường mật sẽ đưa bạn gái đến chân trời mới lạ, có những công việc vừa hấp dẫn, nhẹ nhàng, lại kiếm được nhiều tiền, các đối tượng Ngô Quốc Viện và Vũ Mạnh Việt, đều ở tỉnh Hải Dương đã lừa bán nhiều cô gái cho các đối tượng mua bán người ở Trung Quốc. Theo Phòng CSHS - CATP Hà Nội, đơn vị vừa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an và Công an tỉnh Hải Dương điều tra, khám phá đường dây mua bán người xuyên quốc gia mà Ngô Quốc Viện, Vũ Mạnh Việt là 2 mắt xích quan trọng. 

Viện với tên giả là Quân, thường lên mạng internet chơi Audition nhằm mục đích làm quen với bạn game là các cô gái trẻ. Nguyễn Thị L. (20 tuổi, quê ở Tuyên Quang) là một trong những cô gái sập “bẫy” tình của Viện. Sau một thời gian ngắn biết nhau trên mạng, Viện chiếm được cảm tình của L. bằng những lời ong bướm và hứa hẹn. Để L. tin mình, Viện đã rủ cô gái này về Hải Dương chơi cùng với một số người bạn. Tuy nhiên, trên đường đi, đối tượng đã dụ dỗ cả nhóm đồng ý sang Trung Quốc du lịch. Bằng đường tiểu ngạch, Viện đưa L. và một cô gái khác qua cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, đi sâu vào địa phận tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và giao cho những người lạ.

Tại đây, L. và cô gái cùng đi bị những người Trung Quốc thông báo họ đã mua hai người từ tay của Viện. Hàng ngày, L. và người bạn bị đe dọa, hành hạ và ép phải bán dâm. Không chịu được cảnh bị giam cầm và phải phục vụ nhu cầu tình dục của những kẻ bệnh hoạn nơi đất khách quê người, hai cô gái trẻ lợi dụng sơ hở của chủ chứa đã bỏ trốn và được giải cứu đưa về Việt Nam. Ngay sau đó, Viện đã bị lực lượng CSHS Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an và Công an tỉnh Hải Dương bắt giữ. Qua đấu tranh, Viện khai ra đồng phạm là Việt và các đối tượng này đã lừa bán nhiều cô gái khác sang Trung Quốc bằng thủ đoạn tương tự, trong đó có cả phụ nữ đang mang thai. 

Trong quá trình tìm hiểu những thủ đoạn tinh vi của tội phạm “buôn người”, phóng viên ANTĐ được biết có đối tượng còn vờ yêu và dẫn “người nhà” đến hỏi cưới cô gái trẻ. Khi đã chiếm được lòng tin của gia đình “người yêu”, tên tội phạm đã dụ dỗ “vợ chưa cưới” cùng sang Trung Quốc và bán cho những kẻ buôn người. Với chiêu thức này, đối tượng đã lừa bán trót lọt nhiều cô gái nhẹ dạ sang Trung Quốc.

Ngoài thủ đoạn tinh vi trên, cơ quan công an cũng đã khám phá nhiều đường dây tội phạm mua bán người, thu nạp các đối tượng tuổi đời còn rất trẻ làm chân rết trong các vụ án xuyên quốc gia. Chúng lên mạng “chát” làm quen với các bé gái chơi bời lêu lổng, thường lang thang tại các quán internet rồi bày trò “cứu nét” hay kết nghĩa anh em… Sau đó chúng dùng vật chất, tình cảm dụ dỗ để lừa bán nạn nhân sang Trung Quốc ép làm gái mại dâm. Dã man hơn, có trường hợp đã bị tội phạm ép sử dụng ma túy “đá” để phải theo chúng, rồi ép bán dâm và vận chuyển “hàng trắng”.

Qua lời kể của Thượng tá Vũ Mạnh Thường, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm mua bán người, Phòng CSHS - CATP Hà Nội, được biết Đào Văn Dương, trú tại huyện Kim Bảng, Hà Nam là đối tượng “buôn người” chuyên nghiệp. Khi sa lưới pháp luật, Dương khai nhận đã giả là một “lái buôn” chuyên kinh doanh quần áo từ Lạng Sơn về Hà Nội. Với vỏ bọc này, Dương đến các quán bar, cà phê để làm quen và dụ dỗ các nữ sinh viên nghèo ở nông thôn, phải đi phục vụ bàn tại những nơi này ngoài giờ học.

Chiếm được tình cảm của các cô gái trẻ, Dương đã lừa bán họ cho những đường dây mua bán người có sự cấu kết giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài. Khi bị lực lượng Phòng chống tội phạm mua bán người, Phòng CSHS -  CATP Hà Nội bắt giữ, Dương khai đã lừa bán trót lọt 8 cô gái trẻ cho bọn buôn người bằng thủ đoạn nêu trên.

Tăng cường phòng ngừa

Theo đánh giá của Phòng CSHS - CATP Hà Nội, địa bàn thành phố là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, nơi tiếp giáp với nhiều tỉnh, thành phố và cũng là đầu mối giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ và đường hàng không.

Những năm gần đây, hoạt động tội phạm mua bán người trên địa bàn thành phố còn diễn biến phức tạp. Tình trạng di dân tự do, số người ở các tỉnh về Hà Nội tìm việc làm ngày càng tăng và đã xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm về ANTT như vũ trường, quán bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, hiệu cắt tóc, massage, tẩm quất... với nguồn nhân lực chủ yếu là các thiếu nữ trẻ tuổi, thiếu hiểu biết.

Bên cạnh đó, việc thông thương, giao lưu buôn bán, đi lại giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khối Asean ngày càng thuận lợi. Những yếu tố trên là điều kiện cho  tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động. Mặc dù số vụ mua bán người phát hiện trên địa bàn thành phố không cao so với các tỉnh, thành phố khác, nhưng do đặc điểm là đầu mối của nhiều tuyến giao thông đi các tỉnh, nên Hà Nội vẫn được coi là địa bàn trung chuyển của các vụ mua bán người sang Trung Quốc và một số quốc gia khác.

“Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người rất tinh vi và xảo quyệt. Chúng tìm mọi cách để trốn tránh pháp luật và lừa gạt nạn nhân. Qua công tác điều tra, khám phá, lực lượng công an đã phát hiện các phương thức, thủ đoạn tội phạm mua bán người thường sử dụng như: dụ dỗ, hứa hẹn giúp đỡ phụ nữ, trẻ em gái ở các vùng nông thôn nghèo về thành phố làm việc để có thu nhập cao, rồi lừa bán họ vào các ổ mại dâm hoặc đưa lên biên giới để bán sang Trung Quốc” - Thượng tá Vũ Mạnh Thường cho biết thêm.

Ngoài ra, tội phạm còn sử dụng mạng internet với tên, địa chỉ không đúng và nhiều số điện thoại “rác” khác nhau để làm quen, vờ yêu đương nạn nhân, sau đó rủ đi làm ở những nơi có thu nhập cao hơn, hoặc rủ đi du lịch ở các tỉnh biên giới để lừa bán sang Trung Quốc. Cũng có đường dây tội phạm lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý xuất, nhập cảnh, đi du lịch nước ngoài, xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi và kết hôn với người nước ngoài để tổ chức mua bán người xuyên quốc gia.  

Theo một số cán bộ chuyên điều tra, làm rõ những đường dây tội phạm mua bán người của CATP Hà Nội, đa số các đối tượng lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của nạn nhân, đẩy họ vào con đường sa ngã hoặc bị lệ thuộc để cưỡng ép, mua chuộc, đe dọa, buộc họ làm theo ý định của chúng. Thực tế đã xảy ra một số trường hợp phụ nữ lang thang cơ nhỡ ở bến tàu, bến xe, bị bắt cóc hoặc lừa bán ra nước ngoài.

Các đối tượng mua bán người đều có mối quan hệ với số đối tượng là người Trung Quốc hoặc người Việt Nam đã sang làm ăn, lấy chồng tại Trung Quốc. Nhiều trường hợp đối tượng trước đây là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, nay quay trở lại Việt Nam dụ dỗ, lừa phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc bán. Đặc biệt có vụ đối tượng quay lại để lừa cả người thân, họ hàng bán sang Trung Quốc.

Tội phạm còn tìm những phụ nữ có con nhỏ hoặc đang mang thai nhưng hoàn cảnh éo le, khó khăn về kinh tế để môi giới cho, nhận con nuôi hoặc cho con sau khi sinh để bán các cháu nhỏ sang Trung Quốc; làm quen với những phụ nữ có con nhỏ, lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt con và dùng giấy tờ giả mạo để đem bán các cháu. Tội phạm dạng này còn tìm đến các trung tâm bảo trợ xã hội, hoặc các chùa nuôi dưỡng trẻ mồ côi, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý của những nơi này để hoạt động mua bán trẻ em.  

Trước tình hình hoạt động phức tạp của tội phạm mua bán người, CATP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an các quận, huyện, thị xã tổ chức đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người. 5 năm trở lại đây, các lực lượng chức năng của CATP Hà Nội đã điều tra khám phá 50 vụ, bắt 113 đối tượng mua bán người, mở rộng điều tra 25 vụ.

Mặt khác, CATP đã thành lập Đội công tác đặc biệt để đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người và phân công từng tổ công tác chuyên trách trong các lĩnh vực thu thập, thống kê các số liệu và đánh giá tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn Hà Nội; đồng thời tiếp nhận, xác minh các nguồn tin tố giác về tội phạm mua bán người để triệt phá và truy tố trước pháp luật.

Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng Phòng CSHS - CATP Hà Nội: Tăng cường hợp tác quốc tế phòng chống mua bán người

Cần tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế, tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng ở các khu vực biên giới, các nhà ga, bến xe, nhằm phát hiện đối tượng mua bán người và những trường hợp có nghi vấn để ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội, giải cứu nạn nhân ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Mặt khác, tăng cường hợp tác với công an các nước trong khu vực, nhất là các nước Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Lào... để phối hợp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người.

Công an các địa phương chủ động tham mưu cho chính quyền chỉ đạo, huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này; đồng thời sớm phát hiện những đối tượng có dấu hiệu nghi vấn để tổ chức đấu tranh ngăn chặn ngay từ đầu. Ngoài ra, cần tăng cường trao đổi thông tin về tình hình, đối tượng, thủ đoạn của tội phạm và các vấn đề liên quan giữa các đơn vị, địa phương để phối hợp có hiệu quả trong phòng chống tội phạm mua bán người.