Vụ đập phá xe buýt tại Bến xe Lương Yên:
Tiềm ẩn nhiều phức tạp
(ANTĐ) - Như ANTĐ đưa tin, trưa 20-4, trong khu vực Bến xe Lương Yên xảy ra việc một số nhân viên hãng xe buýt Tân Đạt hành hung 4 người của hãng xe buýt Phượng Hoàng và đập vỡ kính xe. Theo tìm hiểu của PV ANTĐ, hoạt động vận tải xe buýt tuyến Hà Nội - Lương Yên giữa 2 doanh nghiệp này có nhiều tiềm ẩn phức tạp.
>>> Lái xe buýt “dằn mặt” đồng nghiệp
Vừa vi phạm vừa... tố cáo
Cho đến ngày 23-4, CAQ Hai Bà Trưng bước đầu đã xác định và ra quyết định tạm giữ 6 nhân viên hãng xe buýt Tân Đạt thuộc Trung tâm Tân Đạt do liên quan đến vụ việc trưa 20-4.
Tình tiết sự việc này được xác định như sau: khoảng 5h ngày 20-4, anh Vũ Văn Khiêm, SN 1976, lái xe Công ty xe buýt Phượng Hoàng điều khiển xe mang BKS: 89K-6219 xuất phát từ Hưng Yên về Bến xe Lương Yên.
Khi đón khách tại điểm dừng đỗ xe buýt thuộc khu vực chợ Gạo, Kim Động, Hưng Yên thì gặp xe buýt BKS: 29X-2255, thuộc Trung tâm Tân Đạt, chạy tuyến Lương Yên - Hưng Yên, do anh Âu Quang Minh, SN 1976, điều khiển cũng vào đón khách.
Hai bên cùng giành khách nên đã xảy ra cãi vã. Khoảng 11h cùng ngày, khi anh Khiêm chạy chuyến thứ 2 từ Hưng Yên đi Hà Nội, đến địa phận huyện Kim Động lại gặp xe của anh Minh. Theo tường trình của anh Khiêm, anh bị lái xe Minh cầm tuýp sắt đuổi đánh nhưng không bị thương tích gì.
Khi xe anh Khiêm về đỗ ở Bến xe Lương Yên, trên xe lúc này có 3 phụ xe khác, thì bị anh Minh cùng một nhóm người mặc đồng phục hãng Tân Đạt và mặc thường phục, bất ngờ dùng tay chân đấm đá.
Hậu quả, cả 4 người của hãng xe Phượng Hoàng đều bị thương, trong đó anh Khiêm bị nặng nhất, “chấn thương mặt, ngực, rách da vùng tai trái, mắt trái tụ kết mạc, khạc ra máu” (theo kết quả khám thương sơ bộ ngày 20-4 anh Khiêm xuất trình với cơ quan công an); cửa kính xe BKS: 89K-6219 bị đập vỡ.
Trên cơ sở trình báo của hãng xe Phượng Hoàng và biên bản hiện trường do BQL Bến xe Lương Yên lập ngay sau khi xảy ra sự việc, ngày 22-4, CAQ Hai Bà Trưng đã tiến hành triệu tập 6 nhân viên hãng xe Tân Đạt đến làm việc, trong đó có Âu Quang Minh.
Cơ quan công an đã kiểm tra thương tích và lập biên bản đối với 6 nhân viên này, xác định không ai bị vết thương nào trên cơ thể. Cả 6 người đều thừa nhận có mặt trên xe của hãng Phượng Hoàng khi xảy ra sự việc trên.
Lái xe Âu Quang Minh không thừa nhận đã gọi đồng nghiệp đến “đánh hội đồng” nhân viên hãng Phượng Hoàng, nhưng thú nhận ngay sau khi xảy ra va chạm với anh Vũ Văn Khiêm ở địa bàn huyện Kim Động, Minh đã thông báo về trung tâm điều độ.
Trao đổi với PV ANTĐ, một cán bộ Đội Điều tra hình sự - CAQ Hai Bà Trưng cho biết, hành vi của một số nhân viên hãng xe Tân Đạt có dấu hiệu vi phạm gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản. Nhưng thật trớ trêu là ngày 21-4, chính lái xe Âu Quang Minh đã viết đơn tố cáo nhân viên hãng xe Phượng Hoàng.
Buông lỏng quản lý
Theo tìm hiểu của PV, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải buýt tuyến Hà Nội - Hưng Yên không phải mới nảy sinh. Tại Bến xe Lương Yên hiện có 2 hãng Tân Đạt và Phượng Hoàng khai thác hành trình Hà Nội - Hưng Yên, với thị phần chia đều 50/50. Trung bình cứ 10-15 phút lại có xe buýt của 2 hãng này xuất phát ở 2 đầu bến.
Ông Lê Đình Thiện - Giám đốc Bến xe Lương Yên nhận định: “Việc bố trí 2 doanh nghiệp vận tải cùng khai thác tuyến này là hợp lý, nhằm tạo sự cạnh tranh với tiêu chí phục vụ khách hàng là hàng đầu”.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc cạnh tranh của 2 doanh nghiệp này đang có xu hướng thiếu lành mạnh. Thời gian xe “nằm” bến của 2 doanh nghiệp rất ít, mà chủ yếu trên đường. Xuất bến, xe nào cũng tìm cách để đón được nhiều khách.
Khoảng thời gian cách nhau 10-15 phút để mỗi xe rời bến chỉ là lý thuyết; còn khi chạy trên đường, xe nào cũng cố tình chạy chậm, đỗ lâu để kéo khách. Thậm chí còn có tình trạng bố trí cản đường nhau để xe kia “vớt” được khách.
Ông Lê Đình Thiện cho biết, BQL bến đã phát hiện và nhiều lần lập biên bản vi phạm của một số xe hãng Tân Đạt không vào Bến xe Lương Yên đón khách theo biểu đồ chạy xe đã được phân công mà cố tình đón, trả khách trên đường Nguyễn Khoái, gây bức xúc cho doanh nghiệp cùng tham gia khai thác tuyến. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến quan hệ căng thẳng giữa 2 hãng xe.
Vụ việc xảy ra trưa 20-4 thực sự là giọt nước làm tràn ly, nhưng nó cũng là cơ hội tốt để Sở GTCC Hà Nội, Hưng Yên, 2 doanh nghiệp Tân Đạt, Phượng Hoàng, đánh giá và xốc lại công tác quản lý. Sự việc trưa 20-4, những mâu thuẫn tiềm ẩn trên hành trình buýt Hà Nội - Hưng Yên, suy cho cùng, không thể thiếu trách nhiệm của 2 hãng Tân Đạt và Phượng Hoàng.
Hoàng Quân