Thay đổi kháng cáo, Hoàng Công Lương được đề nghị giảm án

ANTD.VN - Sau hơn 2 ngày thẩm vấn, sáng 14-6, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình khiến 8 người tử vong chuyển sang phần tranh luận.

Mở đầu phần tranh luận, đại diện VKSND tỉnh Hòa Bình bày tỏ quan điểm về vụ án và kháng cáo của các  bị cáo. Theo đó, đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho rằng, tại phiên tòa phúc thẩm, Hoàng Công Lương đã rút nội dung kháng cáo xin tòa xem xét lại tội “Vô ý làm chết người”. Do vậy, VKS đề nghị HĐXX căn cứ Điều 342 - Bộ luật Tố tụng hình sự nhận định và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng án này của bị cáo Lương.

Về kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo, VKS nhận thấy, sau khi xảy ra sự cố chạy thận khiến chết 8 người, bị cáo Lương đã tích cực tham gia cứu chữa cho các bệnh nhân. Bên cạnh đó, bị cáo Lương có nhân thân tốt, chưa có tiền án hay tiền sự. Bản thân bị cáo là người dân tộc thiểu số, quá trình công tác có nhiều thành tích trong ngành y.

Hoàng Công Lương và các bị cáo liên quan tại phiên tòa phúc thẩm.

VKS cho rằng đó là những tình tiết giảm nhẹ phù hợp quy định tại Bộ luật Hình sự 1999. Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, bị cáo Lương đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và cung cấp chứng cứ mới trong vụ án, đó là khoản tiền 5 triệu đồng hỗ trợ mỗi gia đình có người tử vong, 2 triệu đồng mỗi nạn nhân bị ảnh hưởng sức khỏe.

Vì vậy, VKS nhận thấy có cơ sở để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định cho bị cáo Hoàng Công Lương. Từ đó, kiểm sát viên cho rằng có căn cứ chấp nhận đơn kháng án của bị cáo về xin giảm nhẹ hình phạt.

Về nội dung xin hưởng án treo, đại diện VKS nhận định hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra hậu quả rất lớn (8 người tử vong và 10 người bị ảnh hưởng sức khỏe). Để đảm bảo tính răn đe, kiểm sát viên đề nghị HĐXX không chấp nhận cho bị cáo được hưởng án treo.

Đối với 4 bị cáo còn lại, đại diện cơ quan công tố cho rằng với hậu quả xảy ra, vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo đã gây ra cái chết cho 8 bệnh nhân. VKS nhận thấy không có cơ sở chấp nhận kháng cáo của các bị cáo này.

Tại phiên phúc thẩm, Hoàng Công Lương thay đổi kháng cáo từ xem xét lại tội danh sang xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo. 

Từ những phân tích, nhận định đưa ra, đại diện VKSND tỉnh Hòa Bình đề nghị HĐXX phúc thẩm giảm một phần hình phạt cho bị cáo Hoàng Công Lương, xuống còn từ 36 tháng tù đến 39 tháng tù về tội “Vô ý làm chết người”. Đối với 4 bị cáo còn lại, VKS cho rằng không có cơ sở xem xét nên đề nghị cấp phúc thẩm giữ nguyên các quyết định tại bản án sơ thẩm.

Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Hòa Bình xem xét, buộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn phải bồi thường thiệt hại cho các gia đình có nạn nhân tử vong theo quy định pháp luật.

Trước đó tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 1-2019, TAND TP Hòa Bình đã quyết định tuyên phạt Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, trú tại phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh) 54 tháng tù và Hoàng Công Lương (SN 1986, nguyên Bác sĩ Khoa hồi sức tích cực – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) 42 tháng tù cùng về tội “Vô ý làm chết người”.

Liên quan, Trần Văn Sơn (SN 1990), Trần Văn Thắng (SN 1965), đều trú tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; Hoàng Đình Khiếu (SN 1962) – nguyên Phó Giám đốc BV Hòa Bình và Đỗ Anh Tuấn (SN 1976) – Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn lần lượt bị tuyên phạt từ 30 tháng tù đến 42 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cũng với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Trương Qúy Dương (SN 1962) - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bị áp dụng 30 tháng tù.

Sau phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo nêu trên cho rằng không phạm tội như bản án sơ thẩm quy kết nên lần lượt có đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh, hình phạt và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc xin được hưởng án treo.