Tiếp diễn phiên xử ổ nhóm kinh doanh đa cấp “bậy”:

Thao thao bất tuyệt rồi đòi trả tự do để tiếp tục thực hiện ước mơ

ANTĐ - Ở ngày thứ 5 xét xử Lâm Phúc Hùng cùng đồng bọn trong vụ án kinh doanh đa cấp “bậy” vào hôm nay (22-7), các luật sư đã lần lượt đưa ra quan điểm bào chữa. Dù mỗi luật sư đều có cái nhìn riêng về hành vi tội phạm của từng bị cáo, song tựu chung lại họ cùng cho rằng các bị cáo không phạm tội như truy tố. 

Luật sư cho rằng bị cáo không phạm tội

Mở đầu phần bào chữa, luật sư Đỗ Văn Hiền – Công ty Luật Đỗ Thành Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội), bào chữa cho Lâm Phúc Hùng tỏ rõ quan điểm không đồng tình với bản cáo trạng truy tố các bị cáo. Bởi vị luật sư này cho rằng hồ sơ vụ án cũng như quá trình xét hỏi đã không chứng minh được hành vi phạm tội của cả 9 bị cáo nói chung và của bị cáo Hùng nói riêng.

Cụ thể, luật sư này nhìn nhận gói “sản phẩm du lịch” 4 ngày 3 đêm, tại các khách sạn từ 3 sao đến 5 sao hoặc các khu Resorts trên thế giới là có thật. Cùng với đó, Công ty Diamond Holyday Travel Hoa Kỳ (bán “gói sản phẩm du lịch”) thông qua hệ thống DHT cũng như người quản lý tên Andy Hsu không phải là lừa đảo và hiện vẫn hoạt động bình thường.

Trong phần tranh luận, bị cáo Bắc (đứng) đề nghị tòa trả tự do ngay để tiếp tục ước mơ

“Điều này đã được khẳng định tại văn bản trả lời của Bộ Công Thương vào ngày 27-10-2010, khi cung cấp thông tin về doanh nhân ở Hòa Kỳ. Quá trình giải quyết vụ án, bản cáo trạng cùng vị Kiểm sát viên đã không nêu phần đặc điểm phương thức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài mà chỉ trích dẫn một phần thông tin về doanh nghiệp” – vị luật bào chữa cho tội trạng của Lâm Phúc Hùng bày tỏ.

“Chốt” lại phần bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư Hiền cùng cộng sự đề nghị HĐXX sơ thẩm tuyên bố cựu Tổng giám đốc DHV không phạm tội như nội dung bản cáo trạng quy kết, đồng thời trả lại sự trong sạch cho Lâm Phúc Hùng cũng như các bị cáo trong vụ án.

Đòi trả tự do để lập quỹ từ thiện

Đối với Phạm Hồng Thanh, “nhân vật” được xếp ở vị trí thứ 3 trong vụ án, nữ luật sư bào chữa cho bị cáo này đã tập trung phân tích về các khái niệm cũng như quy định của pháp luật về tiền điện tử và tiền “ảo”. Trên cơ sở đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Thanh cho rằng hành lang pháp lý đối với tiền điện tử của Việt Nam chưa có và chưa đầy đủ. Trong khi ấy, tính thanh khoản của tiền điện tử đã trở nên khá phổ biến trong một số giao dịch trên thế giới.

Gỡ tội cho thân chủ của mình, nữ luật sư tiếp tục nhìn nhận quá trình hợp tác với bị cáo Hùng cung ứng “gói sản phẩm du lịch” của DHT, bị cáo Thanh đã làm việc rất nhiệt tình, trung thực và thậm chí là rất đam mê. Về động cơ và cả thực tiễn, bị cáo Thanh không hề có suy nghĩ chiếm đoạt tiền hay làm phương hại đến kinh tế, tiền bạc của bất cứ ai.

Dù vậy, nhìn nhận về hậu quả của vụ án nữ luật sư bào chữa cho Thanh chỉ ra bị cáo đã có lỗi khi không quán xuyết hết công việc của mình. Hơn thế, nhiều khách hàng ở tuyến dưới Thanh chỉ vì quyền lợi riêng tư của cá nhân nên đã quảng cáo sai sự thực và lôi kéo nhiều người thiếu hiểu biết cùng gia nhập vào hệ thống DHT.

Sau cùng, luật sư bào chữa cho bị cáo Thanh kết luận, thân chủ của mình đã làm thương mại điện tử khi chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch. Tội phạm của bị cáo Thanh hôm nay có phần mang tính “tại nạn”. Từ đó, vị luật sư này đề nghị các bị hại trong vụ án cần đề nghị HĐXX xem xét để giảm nhẹ tội cho các bị cáo.

Cũng trong ngày tranh luận đầu tiên của phiên xét xử Lâm Phúc Hùng cùng đồng phạm, bị cáo gây chú ý nhất là Nguyễn Thị Phương Bắc – cựu Giám đốc Công ty CP Thương mại và du lịch Thưởng Hải (Công ty du lịch Thượng Hải). Theo cáo buộc, từ năm 2010 đến tháng 12-2011, Hùng, Bắc cùng các bị cáo liên quan đã bán được tổng số 3.577 mã khách hàng ở hệ thống DHT Phương Bắc và thu về số tiền hơn 25,2 tỷ đồng. Trong đó, Bắc được xác định là đã hưởng lợi hơn 6,3 tỷ đồng.

Nhưng khi tự bào chữa cho bản thân, bị cáo Bắc liên tục nhắc đi nhắc lại điệp khúc: “Bị cáo có đầy đủ tài liệu để chứng minh bị cáo không phạm tội như kết luận điều tra và cáo trạng xác định”. Dù vậy, trong gần nửa giờ bị cáo “diễn thuyết”, HĐXX sơ thẩm cứ nghe ngóng và chờ đợi mãi mà vẫn không thấy cựu Giám đốc Công ty du lịch Thượng Hải đưa ra chứng cứ, tài liệu gì.

Và sau một hồi lan man, khiến chủ tọa phiên tòa Lê Thị Hợp phải nhiều lần nhắc nhở đi vào trọng tâm vụ án, bị cáo Nguyễn Thị Phương Bắc tự kết luận hành vi của mình không cấu thành phạm tội, theo Điều 226b-BLHS. Từ đó, cựu Giám đốc Công ty du lịch Thượng Hải đề nghị tòa án trả tự do ngay cho bị cáo để Bắc tiếp tục thực hiện ước mơ thành lập một quỹ từ thiện nhân đạo chuyên hỗ trợ người nghèo.

Ngay trước đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Bắc cũng đã đưa ra hàng loạt lập luận cho rằng thân chủ của ông vô tội. Vì rằng Lâm Phúc Hùng cũng như các bị cáo trong vụ án cũng chỉ là những khách hàng của DHT như hàng vạn khách hàng khác. Còn đối với các tổ chức, pháp nhân của Hùng và Bắc cũng chỉ là “trung gian” bán gói “sản phẩm du lịch” cho DHT mà thôi.

Kết lại phần bào chữa cho bị cáo Bắc, luật sư đề nghị tòa án xem xét  kỹ vai trò của các bị cáo cũng như hoạt động của DHV và DHV Phương Bắc. Bởi sản phẩm mà các bị cáo quảng bá và bán cho khách hàng không phải do chính các bị cáo làm ra mà nó là sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài. “Vụ án này rất khác với vụ án đa cấp Liên kết Việt hoặc vụ án MB24” – luật sư bào chữa cho cựu Giám đốc Công ty du lịch Thượng Hải “chốt” lại.