Tháng 5/2020: Hàng loạt quy định quan trọng về giáo dục có hiệu lực thi hành

ANTD.VN -Thí sinh đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi sẽ bị đình chỉ thi, khu vực bảo quản đề thi, bài thi có lực lượng công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày, nội dung, thời lượng chương trình giáo dục tích hợp phải phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh… là những quy định mới về giáo dục có hiệu lực thi hành từ tháng 5/2020.

Thông tư 08/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Theo đó, việc hủy kết quả toàn bộ các bài thi trong kỳ thi là hình thức bổ sung mới đối với thí sinh bị đình chỉ thi khi vi phạm một trong các lỗi:

Đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi môn đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; Mang vật dụng trái phép theo quy định tại Điều 14 Quy chế này vào phòng thi; Đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi;

Ngoài ra, thí sinh viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; Có hành động gây gổ, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác, cũng có thể bị hủy kết quả bài thi.

Cũng theo Thông tư này, khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng Công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và phải đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ. Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, bài thi được lưu tại Điểm thi.

Riêng trong các ngày thi, thời gian trực tại phòng của cán bộ của trường ĐH, CĐ được tính kể từ thời điểm kết thúc công việc buổi thi cuối ngày thi trước đến thời điểm bắt đầu công việc buổi thi thứ nhất của ngày thi sau.

 Việc chấm thi tại mỗi Hội đồng thi được thực hiện tại không quá 2 (hai) khu vực. Nơi chấm thi, chấm kiểm tra bài thi tự luận và nơi bảo quản bài thi tự luận được bố trí gần nhau; bài thi trắc nghiệm được lưu trữ tại phòng xử lý và chấm bài thi trắc nghiệm hoặc được lưu trữ tại phòng chứa bài thi riêng biệt, tùy theo điều kiện thực tế của đơn vị. Thông tư 08/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 8/5.

Thông tư 04/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ, từ 5/5, việc tích hợp chương trình giáo dục khi liên kết phải thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và các điều kiện:

Bảo đảm tính khoa học, hợp lý, khả thi và phù hợp điều kiện thực hiện tại Việt Nam. Nội dung, thời lượng chương trình giáo dục tích hợp phải phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam; không có định kiến xã hội về giới, sắc tộc, tôn giáo, địa vị xã hội.

Chương trình giáo dục tích hợp phải có định hướng về phương pháp, hình thức giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Chương trình giáo dục tích hợp phải có quy định điều kiện thực hiện: tổ chức và quản lý thực hiện chương trình; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục.

Thông tư 07/2020/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 5/5 quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Theo đó, cụm từ “trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên” được thay bằng cụm từ “trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non”. Ngoài ra, tại phần đối tượng áp dụng, Thông tư này không còn quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng đối với giáo viên cấp Tiểu học, THCS, THPT.

Việc sửa đổi trên nhằm thống nhất với quy định mới tại Luật Giáo dục 2019 về chuẩn trình độ giáo viên. Cụ thể là giáo viên Tiểu học, THCS, THPT đều phải có bằng Đại học.