Tất yếu nguy hại

(ANTĐ) - Vụ hỏa hoạn tại phòng 504, nhà K18 tập thể Bách Khoa, sau những bàng hoàng, may mắn vì 5 người trong nhà thoát khỏi vòng vây của “bà hỏa” bộc lộ những nghi ngại lớn.

Tất yếu nguy hại

(ANTĐ) - Vụ hỏa hoạn tại phòng 504, nhà K18 tập thể Bách Khoa, sau những bàng hoàng, may mắn vì 5 người trong nhà thoát khỏi vòng vây của “bà hỏa” bộc lộ những nghi ngại lớn.

Từ chủ hộ đến những người hàng xóm xung quanh, hơn 10 năm sống trong khu tập thể chưa từng một lần chứng kiến, tham gia công tác diễn tập phòng cháy chữa cháy. Ai cũng hiểu một điều, dạng khu tập thể lâu năm như vậy thường không có tên trong cả danh sách những đợt kiểm tra định kỳ, đột xuất của cơ quan chức năng, chứ đừng nói đến “chuyện lớn” như diễn tập chữa cháy. Điều bất cập lớn thứ hai ở những khu nhà cũ như K18, là không có lực lượng chữa cháy cơ sở.

Hỏa hoạn, bao giờ yếu tố “phòng” cũng cần thiết, quan trọng hơn “chữa”. Ngoài ra khi tình huống xấu xảy đến, nếu lực lượng chữa cháy tại chỗ hoạt động hiệu quả, thì thiệt hại do cháy sẽ giảm. Thực tế, giả định “nếu” đã không có ở nhà K18 Bách Khoa. Tổ dân phố, hàng xóm và cả những khu tập thể liền kề đều “chịu trận” trước lửa. Vì không có lực lượng chữa cháy tại chỗ nên bình bọt phải “mượn” của CAP cách đó vài trăm mét; không có lực lượng chữa cháy tại chỗ nên không ai biết tắt nguồn điện, không ai biết phá cửa cứu người…

“2 không” trên cộng với việc thiết kế nhà ở kiểu “chuồng cọp” bằng lưới sắt hoặc bê tông cốt thép của người dân đang biến những khu nhà tập thể cũ thành cái bẫy nếu xảy ra hỏa hoạn. Chính quyền cơ sở gần như không thể can thiệp và không có biện pháp nào “cấm” được kiểu kiến trúc này. “70% số vụ cháy mỗi năm xảy ra tại các hộ dân”, trong con số thống kê này của Phòng CS PCCC, không ít vụ cháy đã và sẽ chắc chắn còn xuất hiện ở những khu nhà cũ “2 không” như K18 Bách Khoa.

Trung Dân