Tân sinh viên nạn nhân của "con ma" đa cấp

ANTĐ - Nhiều hoài bão, nhiệt huyết nhưng lại thiếu kinh nghiệm sống, cả tin, những sinh viên mới vào trường đang trở thành con mồi béo bở để các đối tượng bán hàng đa cấp nhắm tới, “nhồi sọ” và dẫn dắt theo con đường đa cấp lừa đảo. Khi đã mắc bẫy, rơi vào cảnh nợ nần, không còn cách nào khác nhiều em phải bỏ học kiếm tiền trả nợ, hoặc tiếp tục đi lừa người khác. Tệ nạn bán hàng đa cấp lừa đảo, vì thế đang âm thầm gặm nhấm giảng đường đại học.
Tân sinh viên nạn nhân của "con ma" đa cấp ảnh 1

Con mồi dễ dụ

Tân sinh viên mới lên thành phố nhập học là đối tượng chính mà những kẻ lừa đảo bán hàng đa cấp nhắm đến. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu làm thêm để kiếm thêm thu nhập nên đã nhanh chóng sập bẫy khi nghe những lời đường mật về một công việc nhàn hạ mà kiếm được hàng trăm triệu mỗi năm. 

H.G (quê TP Nam Định, tỉnh Nam Định) mới nhập học trường ĐH Dân lập Thăng Long chưa lâu. Một lần trên đường đi học, G gặp 3 thanh niên ăn mặc chỉnh tề đứng ở cổng trường. 3 thanh niên nhanh chóng tiếp cận G, hỏi tên, tuổi, xin số điện thoại và mời G đến một chương trình giao lưu sinh viên giữa các trường.

“Vì em không có phương tiện đi lại nên những người này còn cho người đón đến địa điểm tổ chức giao lưu. Đó là một cơ sở ở phường Định Công, nơi làm việc xập xệ nhưng ai cũng mặc vest chỉnh tề. Khi em đến đã có rất nhiều bạn sinh viên học năm thứ nhất như em. Mỗi sinh viên sẽ có một người “kèm cặp”. Họ cho chúng em xem một loạt ảnh về thành tích, hoạt động, sản phẩm của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy, sau đó dẫn chúng em vào một phòng chiếu, cho xem clip và giới thiệu rất nhiều về công ty”.

Vì đã nghe nói về thủ đoạn bán hàng đa cấp lừa đảo nên G tỏ vẻ không mấy hứng thú, có chút hoài nghi. Lập tức người “kèm cặp” G liền dẫn một phụ nữ trẻ cùng quê ra nói chuyện cùng cô. Sau khi nói về kinh nghiệm từ chính bản thân mình, những viễn cảnh “trên mây” của công việc sắp làm, người phụ nữ này khuyến khích G: “Em nên đi làm kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ, bố mẹ sẽ rất tự hào và bất ngờ về em”. Cuối cùng, G cũng bị những lời đường mật này thuyết phục.

Người này không quên dặn G “không nên cho gia đình hay bất kỳ ai biết, vì họ sẽ ngăn cản mình”. Do là sinh viên không có tiền nên G liền được dẫn đến một cửa hiệu cầm đồ gần trường ĐH Kinh tế quốc dân để cầm Chứng minh thư nhân dân lấy số tiền 7 triệu đồng để nộp vào công ty đa cấp. Khi số tiền lãi mỗi ngày một nhân lên, những kẻ dẫn dắt G tham gia con đường này liên tục giục G vay tiền để trả nợ và tìm thêm nhiều bạn khác tham gia để được “lên cấp”, sẽ có nhiều tiền. Biết mình bị lừa, sau nhiều ngày hoang mang, G đã quyết định nói chuyện với người thân để được giúp đỡ.

Cũng giống như G, cô sinh viên năm thứ 2 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền C.O (quê Nghệ An) cũng đã từng trở thành nạn nhân của công ty bán hàng đa cấp có lên Liên minh tiêu dùng. O kể: “Hồi đó là dịp Noel, em mới bước chân vào cổng trường đại học nên rất muốn đi làm thêm để có tiền phụ giúp bố mẹ. Em lên mạng tìm kiếm và thấy công việc chuyển quà Noel phù hợp với mình nên đăng ký xin làm. Sau khi đăng ký, ngày hôm sau, em được đưa đến một cơ sở trên đường Hoàng Quốc Việt. Tại đây e gặp hàng trăm bạn sinh viên cũng có mong muốn tìm việc như mình. Có một anh được giới thiệu là giám đốc công ty lên thuyết trình về những kỹ năng mềm, phương pháp lôi kéo đám đông và cho chúng em học thuộc một bản đề án kinh doanh”. 

Cuối cùng, O cũng nhanh chóng bị thuyết phục và được dẫn đến một hiệu cầm đồ trên đường Trần Quốc Hoàn, “cắm” thẻ sinh viên và CMTND để lấy 9 triệu đồng. Số tiền này dùng để nộp vào công ty, mua sản phẩm để trở thành thành viên. Ngay ngày hôm sau khi được nhiều người cảnh báo về việc bị lừa đảo, O đã lên công ty xin rút lại hồ sơ nhưng bị từ chối. Sau cùng không còn cách nào khác, O phải nói chuyện với gia đình để xin số tiền 9 triệu đồng ra trả nợ, một số tiền không hề nhỏ với một gia đình nông nghiệp như gia đình em.

Trong quá trình tìm hiểu về tệ nạn bán hàng đa cấp đang nhắm vào sinh viên, chúng tôi gặp một nhân vật đã từng có nhiều năm “bươn chải” với công việc này, và từ bài học của mình, nay chính anh đã quay lại giúp đỡ những bạn sinh viên trót dính vào “bẫy” đa cấp. Đó là anh Kiều Tuyên Huấn (hiện đang sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Anh Huấn cho biết, trước đây mình đã từng làm việc cho Công ty Thiên Ngọc Minh Uy, đã từng kiếm được những đồng tiền từ việc dụ dỗ các em sinh viên tham gia vào mạng lưới này.

Tuy nhiên những đồng tiền kiếm được cũng đi liền với sự day dứt trong lương tâm khi nhìn thấy những giọt nước mắt bất lực của các bạn trẻ chưa kịp va vấp với cuộc sống đã vấp ngay phải cú lừa. Sau khi nghỉ việc ở công ty này, anh Huấn đã quyết định dành hẳn 1 tháng và chi ra số tiền 1 triệu đồng để in và đi phát tờ rơi cảnh báo các em sinh viên về các công ty bán hàng đa cấp. Hiện giờ anh Huấn đang làm việc cho một công ty vệ sĩ, nhưng khi có những trường hợp sinh viên cần giúp đỡ đòi lại tiền của các công ty bán hàng đa cấp, anh sẵn sàng giúp đỡ từ kinh nghiệm của chính bản thân mình. Riêng cơ sở tại Hoàng Quốc Việt của Liên minh tiêu dùng, anh Huấn đã cùng với trên 20 sinh viên đến đây đòi lại tiền.

Bi kịch vì sập bẫy đa cấp

Câu chuyện Nguyễn Thị H - sinh viên năm 2 của một trường ĐH trên địa bàn quận Cầu Giấy vẫn là một bài học cảnh tỉnh cho những bạn sinh viên muốn làm giàu bằng con đường bán hàng đa cấp. Sau khi bị dụ dỗ bán hàng đa cấp, H đã vay nặng lãi số tiền 24 triệu đồng để có tiền mua sản phẩm thực phẩm chức năng tại Công ty CP Liên minh tiêu dùng có trụ sở trên đường Hoàng Quốc Việt (quận Bắc Từ Liêm). H được tư vấn cách thức kinh doanh rằng nếu giới thiệu được nhiều người tham gia vào mạng lưới của công ty này thì sẽ được nhiều hoa hồng. 

Thế nhưng H chỉ lôi kéo được 2 người tham gia mạng lưới, được gần 700.000 đồng. Trong khi đó số tiền vay 24 triệu đồng lãi mẹ đẻ lãi con, H bị chủ nợ đòi gắt gao. Không có cách nào khác, H đành vẽ ra kịch bản bị người nghiện ma túy bắt cóc và nhắn tin tống tiền bố mẹ để lấy tiền trả nợ tín dụng đen. Nhưng màn kịch của H nhanh chóng bị công an điều tra làm rõ. Kết quả là H không chỉ muối mặt với bạn bè, người thân mà cô còn bị đình chỉ học tập.

Cũng là nạn nhân của công ty Liên minh tiêu dùng Việt, đầu năm 2015, một nữ sinh trường ĐH Thương mại sau khi sập bẫy lừa vay “tín dụng đen” để tham gia kinh doanh tại công ty này đã uống thuốc ngủ tự tử nhưng may mắn được phát hiện, cấp cứu kịp thời. Hàng loạt sinh viên khác cũng sập bẫy, người nhẹ thì mất tiền, có người phải nghỉ học, thậm chí bị người thân “từ mặt” vì bán hàng đa cấp.

Trao đổi với PV Báo An ninh Thủ đô, Thượng tá Nguyễn Đức Minh, Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy cho biết hiện nay, sinh viên đang là đối tượng mà các công ty đa cấp nhắm tới. Bản thân các sinh viên vì nhẹ dạ, hám lợi mong muốn có việc làm thêm nên dễ trở thành “mồi” cho các công ty này. Khi sập bẫy, các nạn nhân ngại tố cáo vì sợ, lo ảnh hưởng đến việc học tập hoặc xấu hổ với gia đình, bạn bè.

Vì vậy, ngoài việc ảnh hưởng đến học hành từ sức ép phải kiếm tiền trả nợ, những sinh viên này thường có nhiều hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Đáng lo ngại, hiện nay xuất hiện tình trạng liên kết giữa các cửa hiệu cầm đồ, cầm cố, cho vay theo kiểu “tín dụng đen“ với các công ty đa cấp để dụ dỗ, mồi chài cung cấp “vốn” cho sinh viên, người lao động. Khi đã vay tiền, các nạn nhân buộc phải lôi kéo thêm bạn bè tham gia để có tiền trả nợ, mạng lưới đa cấp vì vậy cũng ngày càng ăn sâu vào giảng đường đại học.

Nhà trường cần cảnh báo sinh viên

Hiện tượng sinh viên tham gia bán hàng đa cấp đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý sinh viên trong các trường đại học. Nhiều trường, số lượng sinh viên tham gia mạng lưới này rất lớn, hầu hết phải cầm cố các giấy tờ tùy thân, thẻ sinh viên, học bạ với lãi suất cao để mua hàng của công ty. Sau khi phát hiện bị lừa, nhiều sinh viên có tâm lý lo lắng, hoảng loạn, ảnh hưởng lớn đến việc học tập. Nhiều em phải vay mượn bạn bè, người thân hay nói dối cha mẹ để xin thêm tiền trả nợ.

Chính vì thế, thời gian gần đây nhiều trường đã có những biện pháp để cảnh báo các em sinh viên về tình trạng này. Ban giám hiệu Trường Đại học Nguyễn Trãi (đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm) đã phải dành nhiều buổi trò chuyện với tân sinh viên để cảnh báo, tuyên truyền về thủ đoạn của công ty đa cấp. Trường Đại học Đại Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) mới đây cũng đã phải ra thông báo cảnh báo sinh viên về “ảo tưởng làm giàu vô lý” khi tham gia bán hàng đa cấp.

Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nơi có khá nhiều sinh viên tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp thì vào đầu năm học, trong các buổi học chính trị đầu khoá nhà trường cũng đã có cảnh báo đến tân sinh viên. Nhà trường đã phổ biến công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chống, tránh bán hàng đa cấp, đồng thời nêu một số ví dụ điển hình cụ thể để sinh viên biết cách phòng tránh. 

Trước những thủ đoạn tinh vi của các công ty bán hàng đa cấp, việc tuyên truyền một cách tích cực đến các em sinh viên là rất cần thiết. Các tổ chức, CLB, hội nhóm sinh viên cũng nên có những tổ chức, hoạt động tập thể, những buổi tuyên truyền nhằm cảnh báo tới các bạn sinh viên, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất.