Tái xuất trò lừa "kẻ bán – người mua" khiến nạn nhân cảm thấy "như bị đánh thuốc mê"

ANTD.VN - Vừa hôm trước có người tới đặt vấn đề làm đại lý bán hàng, hôm sau đã có vị “khách sộp” tới hỏi mua số lượng lớn, chiêu lừa “kẻ bán – người mua” này tuy không mới nhưng vẫn khiến mọi người dễ mắc bẫy, vì cách tiếp cận tinh vi, đánh trúng tâm lý nạn nhân. Thậm chí, những kẻ lừa đảo còn khéo léo tới mức người bị lừa cảm thấy “như bị đánh thuốc mê” sau khi nhìn lại sự việc đã qua.

Ngày 12-9-2018, PV Báo ANTĐ đã gặp chị Đào T. (SN 1974, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) để ghi nhận sự việc lừa đảo mà chị T. là nạn nhân.

Chủ cửa hàng kinh doanh thời trang ở khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình) nói trên cho biết, vào khoảng ngày 22-8-2018, một nam thanh niên ăn mặc lịch sự đã tới cửa hàng của chị để đặt vấn đề “xin đặt một kệ kính để bán khăn”.

Mẫu khăn "thương hiệu, có giá bán 240.000 đồng/chiếc" thực chất là chỉ chiếc khăn trắng mỏng manh, không thương hiệu, và có giá rất rẻ ngoài chợ

“Anh ta nói sẵn sàng trả 1,5 triệu đồng/tháng để đặt kệ kính bán khăn của một hãng thương hiệu. Khi tôi chưa đồng ý, anh này xin dán tấm áp-phích lên cửa kính và nói, nếu có ai đặt hàng thì gọi cho anh ta, và tôi sẽ nhận được 20% tiền bán khăn. Giá mỗi chiếc khăn là 240.000 đồng. Vì chỉ dán áp-phích nên tôi chấp nhận và cũng không nghĩ gì nhiều”, chị T. kể lại.

Ngày hôm sau (23-8), khoảng 9h30, một phụ nữ đi vào cửa hàng của chị T. để mua chiếc váy. Sau khi mua bán xong xuôi, vị khách này còn nán lại trò chuyện với thái độ cởi mở, thân thiện, để hỏi han công việc, gia đình… của chủ hàng, đồng thời tự giới thiệu mình là kế toán của một khách sạn lớn ở Hà Nội.

Đối tượng nữ bị chị T tố đã lừa đảo sau khi gây dựng được lòng tin và đặt hàng số lượng lớn

Được một lúc, vị khách đứng dậy ra về, và đến chỗ cửa thì nhìn thấy tấm áp-phích.

“Người đó nói rằng rất hay mua loại khăn này cho khách sạn, nên bảo tôi bán cho lô khăn 50 chiếc, với giá 240.000 đồng/chiếc. Tôi nói rằng cửa hàng không có, đó là mối của một đại lý hôm trước dán lên, và định sẽ gọi cho bên kia để 2 đầu mối ngồi với nhau”, chị T. cho hay.

Tuy nhiên, vị khách “sộp” đưa ra nhiều lý do như tới giờ ăn trưa, hẹn với nhóm bạn… nên không thể chờ mang khăn tới, và hẹn lại với chị T. rằng 13h30 sẽ quay lại lấy. Khi chị T. gọi cho nam thanh niên hẹn giao hàng lúc 13h30, người này lại nêu lý do công ty tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập, nên không thể giao lúc đó, mà chỉ có thể giao luôn sau 15-30 phút.

Nhận ra rằng mình sẽ phải trả tiền trước cho người giao hàng nên chị T. đề nghị khách đặt cọc, song người này chỉ đưa 100.000 đồng và nói rằng “biết nhau rồi, nói chuyện mãi nãy giờ quá hiểu nhau rồi”, sau đó rời đi.

Khoảng 20 phút sau, một phụ nữ khác mặc áo chống nắng “trông rất thiếu chuyên nghiệp” đi xe ôm tới giao hàng cho chị T., mang theo bọc khăn to, bên ngoài là các lớp nilon đen dán kỹ lưỡng.

Nạn nhân T. chỉ vào số khăn "trị giá" 10 triệu đồng mà chị bị lừa đảo

Với lô 50 chiếc khăn này, chị T. được yêu cầu thanh toán số tiền 10 triệu đồng, và nếu đúng theo kế hoạch, sau khi bán cho vị khách đặt hàng với giá 240.000 đồng/chiếc (12 triệu đồng/50 chiếc), chị T. sẽ được lãi 2 triệu đồng.

“Điều kỳ lạ là bình thường, tôi kiểm tra hàng hóa rất kỹ. Lần này, tôi định tháo ra xem thì người giao bảo hàng đảm bảo, thương hiệu chuẩn, và cho số điện thoại để sau này thừa thiếu ra sao thì tính. Nên tôi chỉ chọc ra để nhìn rồi giao tiền. Sau đó, khi nghĩ lại, tôi không hiểu tại sao bản thân lại dễ tin, dễ nghe theo lời của họ như vậy”, chị T. bày tỏ.

Dưới đây là video clip lời kể của nạn nhân Đào T. về vụ lừa đảo tinh vi "như đánh thuốc mê":

Sau đó, chị T. gọi điện cho vị khách đặt hàng, thì… không liên lạc được. Số điện thoại của nam thanh niên “đại lý” cũng ở trong tình trạng tương tự. Lúc bấy giờ, chị T. mới hiểu rằng mình đã bị lừa.

Chiêu lừa "kẻ bán - người mua" tuy không mới nhưng vẫn khiến nhiều người mắc bẫy

Khi mở túi khăn ra, nạn nhân mới thấy đó chỉ là những chiếc khăn màu trắng loại rẻ tiền, không có thông tin thương hiệu, nhãn mác nào.

“Bị mất 10 triệu đồng đó không phải cú sốc lớn với tôi, nhất là khi tôi vẫn nghĩ của đi thay người trong tháng cô hồn. Tuy nhiên, sau khi bị lừa, đến buổi chiều, tôi cảm thấy hoa mày chóng mặt, đầu đau, rất khó chịu. Đến hôm sau, những cảm giác đó tự hết. Tôi không biết liệu những kẻ lừa đảo có dùng loại chất hóa học nào để khiến mình dễ nghe theo lời chúng hay không nữa”, chị T. kể về tình trạng sức khỏe không tốt sau khi bị lừa đảo.

Thủ đoạn lừa đảo nói trên giống hệt với vụ việc xảy ra hồi cuối tháng 10-2017 mà Báo ANTĐ từng phản ánh. Khi đó, cũng có một nhóm 3 đối tượng tới cửa hàng số 91, ngõ 207, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, và đặt vấn đề mua bán khăn. Nạn nhân thậm chí đã cầm lái đèo kẻ lừa đảo về tận nhà và lấy 30 triệu đồng để giao cho chúng. Sau đó, nạn nhân cho rằng "như bị đánh thuốc mê" nên mới hành động thiếu cẩn trọng như vậy.