Sự lỏng lẻo đến vô cảm

(ANTĐ) - Những ngày qua, thông tin về việc những cây gỗ quý liên tiếp bị chặt hạ trên địa bàn Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Người dân bất bình khi biết được, chỉ trong 2 tháng trở lại đây, có đến 80 cây gỗ sưa – một trong những loại gỗ quý hiếm, nằm trong nhóm A1 của Sách đỏ Việt Nam đã chỉ còn trơ gốc.

Sự lỏng lẻo đến vô cảm

(ANTĐ) - Những ngày qua, thông tin về việc những cây gỗ quý liên tiếp bị chặt hạ trên địa bàn Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Người dân bất bình khi biết được, chỉ trong 2 tháng trở lại đây, có đến 80 cây gỗ sưa – một trong những loại gỗ quý hiếm, nằm trong nhóm A1 của Sách đỏ Việt Nam đã chỉ còn trơ gốc.

Còn bất bình hơn khi biết rằng cây quý là vậy, nhưng khi xử lý sai phạm, các cơ quan quản lý chỉ “xử” như các trường hợp chặt trộm cây xanh thông thường khác. Lý giải điều này, một quan chức trong ngành Giao thông công chính thành phố cho rằng, chế tài xử phạt cho việc chặt phá cây xanh còn quá nhẹ, chưa có tính răn đe, do đó chưa ngăn ngừa được tình trạng trên.

Tuy nhiên, đó chỉ là một lý do rất nhỏ. Bởi thực tế là, vụ chặt “trộm” cây sưa tại Công viên Đống Đa gần đây đã phản ánh một “lỗ hổng” lớn trong công tác quản lý. Người có trách nhiệm giữ cây lại có thể nhận một khoản tiền cho kẻ khác phá cây. Vậy cây quý tồn tại bằng cách nào?

Nếu chỉ là lý do chế tài xử phạt nhẹ đã gây ra những khó khăn cho công tác quản lý thì sẽ là quá khó khi chính những người quản lý lại tiếp tay cho việc chặt phá cây.

Một điều lạ nữa và dư luận đang cần một sự lý giải từ phía các cơ quan chức năng khi có đến gần trăm cây quý bị chặt hạ, người ta mới phát hiện ra và ngăn chặn. Một sự lỏng lẻo, vô cảm đáng trách, đáng lên án.

Được biết, những kẻ tiếp tay chặt phá cây quý tại Công viên Đống Đa đã bị cơ quan công an khởi tố bị can để xử lý trước pháp luật. Tuy nhiên, “thân phận” của 80 cây gỗ sưa kia cũng cần được làm rõ và xử lý những kẻ thiếu trách nhiệm. Đó là điều người dân mong mỏi!

Bảo Trọng