Lật tẩy thủ đoạn của loại tội phạm…không bao giờ giáp mặt nạn nhân (3):

Sử dụng phần mềm giả và những chiêu lừa tiền tỷ

ANTD.VN - Thời gian qua, không ít trường hợp đối tượng gọi điện thoại tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát thông báo tới người dân rằng họ có liên quan đến vụ án nghiêm trọng và yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra. Do cả tin lại thiếu hiểu biết, nhiều người đã trở thành nạn nhân. 

Hai đối tượng Chang Khai Yeu và Hsieh Ming Hsin (người  Đài Loan -Trung Quốc) câu kết với một số đối tượng người Việt Nam giả danh cơ quan pháp luật chiếm đoạt tài sản

Thủ đoạn phạm tội không mới, nhưng liên tục có người mắc bẫy lừa, kể cả ở những địa bàn trung tâm, vốn được tiếp xúc nhiều với thông tin. Gần đây nhất, tại Hà Nội, một phụ nữ ở quận Hai Bà Trưng đã bị chiếm đoạt 2 tỷ đồng.

“Chiêu” nộp tiền để chứng minh vô tội

Theo đơn trình báo của chị Lan Anh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), sáng 9-5, chị nhận được điện thoại của một nam giới tự giới thiệu là cán bộ điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh. Người này nói số thuê bao điện thoại của chị đang dính líu tới đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia. Và để chứng minh vô tội, chị Lan Anh phải chuyển 2 tỷ đồng cho CQĐT. Nếu sau khi được chứng minh không liên quan đến đường dây ma túy, chị Lan Anh sẽ nhận lại đủ số tiền. 

Do mất bình tĩnh trước thông tin mà người lạ trao đổi qua điện thoại, chị Lan Anh đã mang 2 cuốn sổ tiết kiệm, tổng trị giá 2 tỷ đồng ra ngân hàng rút rồi chuyển ngay vào tài khoản số 1009645834 mang tên Chu Thị Thanh Hương. Chuyển tiền xong, chị Lan Anh cảm thấy điều bất thường, gọi điện đến Công an phường sở tại nhờ tư vấn thì mới biết mình bị lừa. 

Theo lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, đa phần các vụ án với thủ đoạn lừa đảo như trên đều do đối tượng người nước ngoài chủ mưu, với sự tham gia hỗ trợ của đối tượng trong nước, có vai trò mở tài khoản ngân hàng phục vụ việc giao dịch tiền.

Tuy nhiên, dường như chính vì cách thức kiếm tiền bất chính quá dễ này mà tội phạm “nội” cũng liều lĩnh thực hiện. Điển hình là ổ nhóm của Vũ Văn Đại (SN 1991), ở Lục Ngạn, Bắc Giang; Nguyễn Trọng Đức, trú tại Tân Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; Nguyễn Xuân Độ, trú tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; Trần Nguyên Bình và Trần Xuân Hòa, cùng trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Sự việc phát lộ từ trình báo của bà Lương Thị P. (SN 1952), trú tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, về việc bị  đối tượng gọi điện thoại giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 2,4 tỷ đồng. Qua xác minh các tài khoản ngân hàng TechcomBank mà bà P. chuyển tiền vào, cơ quan chức năng phát hiện các tài khoản trên đều do đối tượng dùng chứng minh nhân dân giả để đăng ký, gây khó khăn trong công tác điều tra. 

Cơ quan tố tụng xác định, khoảng tháng 4-2014, thông qua mạng internet, Đại nhận làm phiên dịch cho 2 đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) tại Hà Nội. Quá trình đi phiên dịch, 2 đối tượng này thuê Đại mở tài khoản ngân hàng với giá hơn 3 triệu đồng/tài khoản, mục đích bán lại cho các doanh nghiệp Đài Loan hoạt động tại Việt Nam nhằm trốn thuế. Đầu tháng   5-2014, Đại thuê Đức mở thẻ ngân hàng thanh toán quốc tế với giá 2 triệu đồng/thẻ và hướng dẫn các bước mở thẻ cho Đức. Tiếp đó, cặp đôi tìm mua CMND ở các cửa hàng cầm đồ, thay thế ảnh để đi làm thẻ. 

Một trong những đầu mối cung cấp CMND cho Đức là Đỗ Đình Phương, trú tại Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội. Phương đã bán cho Đức hơn 100 chiếc CMND của những người nộp hồ sơ tìm việc làm. Qua đó, Phương thu của Đức 5 triệu đồng. Với số CMND này, Đại và đồng phạm đã mở 142 tài khoản cùng thẻ ngân hàng.

Cùng thời điểm này, nhóm Đại, Đức biết được thông tin về thủ đoạn nhóm đối tượng người nước ngoài có hành vi gọi điện giả danh công an lừa đảo người Việt Nam chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt. Đại, Đức đã không chuyển thẻ cho các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) mà tự “kiếm ăn”.

Theo đó, nhóm Đại đã sử dụng thủ đoạn gọi điện thoại qua Internet đến số điện thoại máy cố định của người bị hại, xưng là nhân viên của tổng đài VNPT, thông báo số điện thoại của bị hại đang nợ cước với số tiền lớn. Để bị hại tin là thật, đối tượng chuyển máy cho bị hại nói chuyện với “cán bộ công an”, thông báo bị hại có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền, tiêu cực với số tiền rất lớn. 

Tiếp đó, vị “cán bộ công an” yêu cầu các bị hại phải giữ bí mật để phục vụ điều tra và phải nộp tiền về tài khoản để chứng minh sự trong sạch. Nếu “cơ quan công an” xác minh người bị hại không liên quan, số tiền sẽ được trả lại. Tin lời nhóm đối tượng này, đã có 9 nạn nhân chuyển 5 tỷ đồng vào tài khoản do Đại cung cấp. Trong số nạn nhân đáng chú ý, có bà Lương Thị P đã chuyển hơn 2,3 tỷ đồng. 

Cách phân biệt số máy giả mạo

Theo Chỉ huy Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao, thủ đoạn của các đối tượng mạo danh cơ quan chức năng rất tinh vi khi gọi điện trên cơ sở kết nối Internet (thông qua phương thức VOIP) nhằm tránh sự truy xét của cơ quan điều tra. Nếu bị hại ở miền Bắc thì chúng mạo danh là cán bộ các cơ quan pháp luật ở trong Nam và ngược lại.

Mục đích để gây khó khăn cho việc xác minh. Để nạn nhân tin tưởng, các đối tượng đọc đúng mọi thông tin cá nhân và bảo họ cứ việc xác minh số máy gọi đến qua tổng đài 1080. Khi kiểm tra thì tổng đài xác thực đó đúng là số máy của cơ quan nội chính. Kỳ thực, chúng đã sử dụng phần mềm giả lập số điện thoại giống hệt số máy của các cơ quan chức năng.

Cơ quan công an lưu ý, người dân cần biết là tất cả số điện thoại giả lập theo số máy của cơ quan chức năng đều có thêm dấu (+) trước dãy số, vì chúng được thực hiện qua Internet. Nếu chỉ kiểm tra số máy gọi đến qua tổng đài 1080 sẽ không phát hiện được sự giả mạo này. Đặc biệt, đối tượng lừa đảo thường nhằm gọi điện thoại cho người cao tuổi, phụ nữ…

“Khi có người tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… gọi điện đến hỏi việc thì người dân cần hết sức cảnh giác. Cơ quan công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại. Do đó, cần từ chối làm việc qua điện thoại và yêu cầu họ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ (ghi rõ họ tên, chức vụ cán bộ làm việc, ngày giờ, địa chỉ cơ quan làm việc). Cơ quan công an không có tài khoản mang tên cá nhân, cũng không bao giờ yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh mình vô tội. Cơ quan chức năng khi cần tạm giữ tài sản, tiền phải có quyết định hoặc lập biên bản. Do đó, tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản theo đề nghị của đối tượng”.

Trung tá Đặng Hồng Minh (Cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội)