Sống lại một tấm gương quả cảm

(ANTĐ) - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, ngày 23-9, tại xóm 7, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, UBND xã Xuân Hồng đã tổ chức lễ đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công của Chính phủ truy tặng liệt sĩ Đỗ Bội Quỳnh - nguyên cán bộ Ty Công an Hà Nội từ năm 1947 đến 1949.

Tặng bằng Tổ quốc ghi công cho Liệt sĩ công an Đỗ Bội Quỳnh:

Sống lại một tấm gương quả cảm

(ANTĐ) - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, ngày 23-9, tại xóm 7, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, UBND xã Xuân Hồng đã tổ chức lễ đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công của Chính phủ truy tặng liệt sĩ Đỗ Bội Quỳnh - nguyên cán bộ Ty Công an Hà Nội từ năm 1947 đến 1949.

Liệt sĩ Đỗ Bội Quỳnh, sinh năm 1925, tại xóm 7, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Theo ông Đỗ Thế Viêm, là em họ ông Đỗ Bội Quỳnh, thì ông nội liệt sỹ Đỗ Bội Quỳnh là ông Cả Huỳnh (cùng với các ông Cả Dinh, Cả Trọng là các tướng thân tín của Đề Thám, đã bị Pháp xử chém). Năm 1944, mới 19 tuổi, chàng thanh niên Đỗ Bội Quỳnh tham gia Mặt trận Việt Minh.

Cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra, ông tham gia công tác điệp báo của Công an Hà Nội. Từ những ngày trước Cách mạng Tháng Tám, ông quen biết bà Đặng Thị Phúc, một nữ đồng chí xinh đẹp, lại là đồng hương. Bà Phúc là một trong những người khâu lá cờ đỏ Sao vàng lớn nhất phủ lên Nhà hát Lớn Hà Nội trong cuộc mít tinh ngày 19-8-1945. Hai người yêu nhau nhưng chưa kịp làm lễ cưới, thì ngày 2-9-1949, ông Quỳnh cùng 4 đồng đội được lệnh bí mật rời Hà Nội về trụ sở Ban Điệp báo ở thôn Vân Ông, xã Tảo Dương Văn, huyện ứng Hòa (tỉnh Hà Tây cũ) để chuẩn bị triển khai công tác mới.

Theo tài liệu CATP Hà Nội, từ năm 1947 đến năm 1949, ông Đỗ Bội Quỳnh giữ chức vụ trưởng Công an quận 4 - Ty Công an Hà Nội. Trong cuốn “Lịch sử Công an nhân dân Việt Nam (1945-1954)” do NXB CAND ấn hành năm 1996; có một thông tin rất giá trị là ngày 30-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 149-SL, tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho 3 cá nhân, trong đó có ông Đỗ Bội Quỳnh, tức Nguyễn Văn Đường, nguyên trưởng Công an quận 4 - Ty Công an Hà Nội, vì “đã có tinh thần công tác gan dạ, đã bị địch bắt 1 lần và tra tấn rất dã man, nhưng vẫn giữ vững tinh thần, không hề cung khai điều gì. Sau đó, ông Đỗ Bội Quỳnh đã trốn thoát khỏi tay địch và tiếp tục công tác với tinh thần tích cực”.

Những trang tài liệu quý báu nhắc lại sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Đỗ Bội Quỳnh
Những trang tài liệu quý báu nhắc lại sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Đỗ Bội Quỳnh

Dấu ấn bi tráng trong cuộc đời người chiến sỹ công an Đỗ Bội Quỳnh là ngày 2-9-1949, khoảng 10h sáng. Trong khi đang làm nhiệm vụ, máy bay địch bất ngờ ném bom thôn Vân Ông, trúng nơi đồng chí Đỗ Bội Quỳnh làm việc, khiến đồng chí hy sinh, đồng chí Đỗ Bội Quỳnh được an táng tại nghĩa trang thôn Vân Ông. Quá trình tìm lại những thông tin, nhân chứng biết đến sự hy sinh anh dũng của liệt sỹ Đỗ Bội Quỳnh, cán bộ Phòng Tổ chức cán bộ - CATP đã thu thập được nhiều cứ liệu hết sức giá trị.

Ông Lưu Thiện Lý - Chủ nhiệm khách sạn du lịch Thắng Lợi kể: “Năm 1949, tôi công tác tại Phòng Điệp báo - Ty Công an Hà Nội, đồng thời là Bí thư Chi bộ, có biết đồng chí Đỗ Bội Quỳnh, tức Nguyễn Văn Đường, thời gian này là cán bộ nghiên cứu và đảng viên công tác tại Văn phòng Ty Công an Hà Nội lúc đó đóng tại thôn Văn Ông, xã Tảo Dương Văn, huyện ứng Hòa, Hà Tây. Ngày 2-9-1949, những cán bộ và nhân viên của văn phòng không có gia đình đều được giao nhiệm vụ tập trung tại thôn Văn Ông để bảo vệ cơ quan.

10h sáng cùng ngày, máy bay địch đến oanh tạc và 5 đồng chí đã hy sinh, trong đó có ông Đỗ Bội Quỳnh”. Một người đồng đội và cũng là nhân chứng chứng kiến sự hy sinh của liệt sỹ Đỗ Bội Quỳnh là Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND. Giai đoạn từ năm 1948-1958, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh công tác tại Công an Hà Nội. Khi đồng chí Minh về Ban Điệp báo thì ông Đỗ Bội Quỳnh đã là lãnh đạo Công an cấp quận, huyện.

Khoảng tháng 9-1949, do yêu cầu đẩy mạnh công tác điệp báo trong nội thành Hà Nội, cấp trên gọi 5 cán bộ điệp báo về cơ quan họp bàn công tác, trong đó có ông Đỗ Bội Quỳnh. Cơ quan điệp báo khi đó đóng ở nhà dân, tại thôn Văn Ông. Khoảng 10, 11h sáng 2-9, máy bay của Pháp đến thả một chùm bom đúng vào địa điểm tổ điệp báo trú ngụ. Cả 5 cán bộ đều hy sinh. Mảnh bom còn văng cả sang căn nhà nơi Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh đang làm việc, phạt đứt bàn tay trái con ông chủ nhà. Cơ quan đã tổ chức thu thập thi hài ông Đỗ Bội Quỳnh cùng 4 người đồng đội và chôn tại nghĩa trang xã Tảo Dương Văn.

Sau khi 5 cán bộ Công an Hà Nội anh dũng hy sinh, do yêu cầu bí mật nên tổ chức chưa làm thủ tục báo tử về các gia đình. Hòa bình lập lại, nhiều đồng đội cùng công tác với đồng chí Đỗ Bội Quỳnh cũng đã hy sinh, nên việc xác định tung tích đồng chí Quỳnh gặp nhiều khó khăn.

Đồng chí Nguyễn Tài - nguyên Trưởng ty Công an Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), ngoài việc xác nhận đồng chí Đỗ Bội Quỳnh công tác và hy sinh như nêu ở trên, còn nhớ lại: “Sau kháng chiến chống Pháp, bộ phận phụ trách chính sách của Công an Hà Nội có nhiều thay đổi nên thiếu sót không kịp làm đủ các thủ tục để Nhà nước công nhận liệt sỹ cho 5 đồng chí đã hy sinh tính mạng mình cho dân tộc, mặc dù chúng tôi đã báo cáo và được Chính phủ truy tặng Huân chương Kháng chiến cho những chiến sỹ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ kể trên”.

Đến nay, sau gần 60 năm, nhờ sự tích cực của đồng đội, gia đình, sự giúp đỡ của CATP Hà Nội, đồng chí Đỗ Bội Quỳnh đã được Nhà nước công nhận là liệt sĩ, được Chính phủ tặng thưởng Bằng Tổ quốc ghi công.

 Hà Minh