Sốc về một bảo mẫu ngược đãi trẻ em

(ANTĐ) - Ngày 24-11, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã chính thức vào cuộc để điều tra về một clip gây sốc phát tán trên mạng Internet trong 2 ngày gần đây với những hình ảnh gây phẫn nộ dư luận khi một bảo mẫu hành hành hạ cháu gái chưa tròn 3 tuổi.

Sốc về một bảo mẫu ngược đãi trẻ em

(ANTĐ) - Ngày 24-11, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã chính thức vào cuộc để điều tra về một clip gây sốc phát tán trên mạng Internet trong 2 ngày gần đây với những hình ảnh gây phẫn nộ dư luận khi một bảo mẫu hành hành hạ cháu gái chưa tròn 3 tuổi.

Bà Trần Thị Phụng bình thản trao đổi thông tin với báo chí trong sáng 24-11 và nơi xảy ra hành vi ngược đãi trẻ em
Bà Trần Thị Phụng bình thản trao đổi thông tin với báo chí trong sáng 24-11 và nơi xảy ra hành vi ngược đãi trẻ em

Tắm cho trẻ bằng chân

Theo thông tin ban đầu, clip gây sốc nói trên chính thức được phát tán trên mạng Youtube vào đêm 23-11 có thời lượng khoảng 1 phút 16 giây miêu tả cảnh tượng một người phụ nữ, được cho là bảo mẫu, đang tắm cho một đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi với hành vi đầy bạo lực cạnh 3 lu nước lớn.

Mở đầu đoạn clip này tả cảnh người phụ nữ dùng chân phải đạp bé gái xuống nền nhà, tay vừa xối nước và chân thì lại kỳ cọ mạnh vào chân, lưng… của cơ thể cháu bé.

Đặc biệt nhân vật chính của đoạn clip tiếp tục túm tóc giật ngược đầu cháu bé ra sau để dùng một gáo nhôm tạt thẳng nước vào mặt đứa trẻ. Dù đứa trẻ không thể chịu đựng phải giẫy giụa nhưng người đàn bà vẫn múc từng thau nước lớn xối thẳng vào mặt, đưa vào tận miệng…

Có lúc đứa bé đã phải choáng váng, cố gượng đứng dậy níu vào chân người đàn bà, lê từng bước trên nền nhà nhưng không thể thoát khỏi những gáo nước hung tợn của người đàn bà.

Vừa hành hạ cháu bé, người đàn bà nói trên luôn miệng tung ra những lời chửi bới. Và cuối cùng là người đàn bà bỏ đi, để lại đứa bé đứng trên nền nhà, cạnh những lu nước với tâm trạng lo sợ, chân không đứng vững…

Theo thông tin ban đầu, đoạn clip được ghi lại bởi một công nhân đang sinh sống và làm việc tại một công ty có trụ sở ở xã Thuận Giao, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Được biết do sống cạnh một cơ sở nuôi dạy trẻ tư nhân, hàng ngày chứng kiến cảnh tượng bạo hành như nói trên, không kiềm chế được cảm xúc nên công nhân này đã sử dụng ĐTDĐ để quay lại đưa lên mạng Internet với ý định nhờ thông tin các mạng xã hội và báo chí mà cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm khắc người bảo mẫu nhẫn tâm.

Bình thản thừa nhận

Theo tìm hiểu của phóng viên ANTĐ và thông tin từ các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương thì nhân vật chính trong đoạn clip chính là bảo mẫu Trần Thị Phụng (SN 1958), trú tại địa chỉ 2/91 tổ 14, ấp Bình Thuận, xã Thuận Giao, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Cháu bé bị hành hạ dã man có tên là Ngân (3 tuổi), con của một cặp vợ chồng công nhân đang sinh sống và làm việc tại huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Cháu Ngân đã được nuôi giữ tại nhà bà Phụng khoảng gần 3 năm nay.

Ngay trong sáng 24-11 đoàn công tác của tỉnh Bình Dương gồm: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Công an huyện Thuận An… đã  kiểm tra đột xuất cơ sở giữ trẻ của bà Phụng, đồng thời xác minh những cảnh trong đoạn clip trên mạng Internet nói trên.

Kết luận ban đầu của các cơ quan chức năng, cơ sở giữ trẻ của bà Phụng không có giấp phép của cơ quan có thẩm quyền cấp, khi đoàn các cơ quan chức năng có mặt để làm việc, thì tại nhà bà Phụng vẫn đang nhận giữ 6 đứa trẻ từ 1 - 3 tuổi. Cơ quan chức năng cũng xác định, đoạn clip đã được quay ngay tại cơ sở giữ trẻ “chui” của bà Phụng.

Điều đáng nói là làm việc với cơ quan chức năng, bà Phụng vẫn bình thản và cố tình biện bạch “khi tôi tắm thì bé Ngân cứ vùng vằng, không chịu đứng yên nên tôi phải làm như vậy”.

Ngay trong sáng 24-11 các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã lập biên bản ban đầu về vụ việc liên quan đến clip cũng như hoạt động nhận giữ trẻ “chui” tại đây. Đến trưa cùng ngày, bà Phụng được đoàn công tác mời về trụ sở Công an xã Thuận Giao để tiếp tục làm việc.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Thuận Giao, huyện Thuận An xác nhận: “Tôi rất sốc khi xem đoạn clip và theo tôi hành vi của bà Phụng cần phải bị xử lý thích đáng theo pháp luật để làm gương trong xã hội”.

Cũng theo ông Trung thì cơ sở giữ trẻ chui của bà Phụng đã bị chính quyền địa phương nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở cảnh cáo nhưng sau đó người phụ nữ này vẫn tái diễn vi phạm cho đến nay. Hiện vụ việc đã được Công an xã Thuận Giao chuyển giao cho Công huyện Thuận An điều tra làm rõ.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị: Phải xử lý nghiêm minh

Trao đổi với phóng viên về vụ việc cháu bé tại Bình Dương bị hành hạ, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai cho rằng, đây là hành vi hành hạ trẻ em hết sức dã man và cần phải lên án kịch liệt. “Vụ việc phải được xử lý thật nghiêm minh. Thật khó hiểu khi đã có nhiều vụ ngược đãi, hành hạ trẻ em được đưa ra xét xử nhưng hiện tượng xấu này vẫn tồn tại” - bà Trương Thị Mai nói. Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, hiện nay, đã có đủ chế tài xử lý đối với hành vi ngược đãi trẻ em, kể cả xử lý hình sự. Nếu một luật xử chưa đủ, có thể áp cùng lúc nhiều luật để có sự răn đe.

Cũng liên quan tới vụ việc, ĐBQH tỉnh Bình Dương, ông Mai Hữu Tín khẳng định: “Không thể chấp nhận được hành vi ngược đãi cháu bé vừa được phát hiện tại Bình Dương. Việc ngược đãi trẻ em cần phải xử nghiêm bằng Luật Hình sự để những hình ảnh này không còn tái diễn”. Ông Mai Hữu Tín cho rằng, để giải quyết căn bản vấn đề này, cần có sự vào cuộc và tham gia từ phía xã hội, chính quyền địa phương, doanh nghiệp sử dụng người lao động và chính các gia đình có cháu nhỏ. ĐBQH tỉnh Bình Dương nhìn nhận, từ những vụ việc ngược đãi, hành hạ trẻ em rất đau xót vừa qua, Nhà nước cần phải tính đến chăm lo tốt hơn cho giáo dục bậc mầm non ở các địa phương, khu công nghiệp.

“Các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, chủ đầu tư các khu công nghiệp và chính quyền địa phương cần vào cuộc để giúp đỡ các gia đình ở các khu công nghiệp, vùng ven, không nên để họ đơn thân lo chỗ giữ trẻ nhỏ. Cùng với đó, cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đạo đức đối với các điểm giữ trẻ, cũng như mọi gia đình, ngõ xóm để có trách nhiệm đấu tranh, loại trừ những nơi giữ trẻ không tốt. Điểm quan trọng là cần có quy định cụ thể về việc mở các điểm giữ trẻ tư nhân và chính quyền phải giám sát thường xuyên” - ông Mai Hữu Tín nói.

Ngọc Khánh (Ghi)

Anh Duy