"Siêu lừa" Huyền Như chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng như thế nào?

ANTD.VN - Chiều 8-2, phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như - cựu  Phó Trưởng phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương, Chi nhánh TP HCM ((Vietinbank HCM) và đồng phạm tiếp diễn với phần thẩm vấn.

Trước đó, cáo trạng truy tố các bị cáo xác định, khoảng tháng 5-2011, Huỳnh Thị Huyền Như được một nhân viên Ngân hàng TMCP Phương Đông giới thiệu  gặp Nguyễn Thị Nga (nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội) vì chị này biết một số doanh nghiệp ở Hà Nội đang có nguồn tiền muốn gửi.

Cùng thời điểm, Như trao đổi với Võ Anh Tuấn (khi đó là Phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè), đồng thời rủ bị cáo này ra Hà Nội gặp gỡ một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty Thương mại CP Đầu tư Hưng Yên (Công ty Hưng Yên). Tại cuộc gặp với Nguyễn Thị Nga, Như nói Vietinbank Nhà Bè đang có nhu cầu huy động vốn.

Sau đó, Như thỏa thuận với chị Nga về số tiền gửi cũng như lãi suất từ 18% đến 22%/năm, tùy theo số tiền và thời gian gửi. Thực hiện giao dịch, “siêu lừa” Huyền Như yêu cầu cung cấp hồ sơ các công ty gửi tiền để mở tài khoản tại Vietinbank TP HCM. Có được hồ sơ mở tài khoản, Như lấy mẫu dấu của các doanh nghiệp khắc dấu giả và lập chứng từ giả để chiếm đoạt tiền của các bị hại.

"Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm tại phiên tòa

Đối với Công ty Hưng Yên, “siêu lừa” Huyền Như đã yêu cầu chị Nga soạn thảo hợp đồng và chuyển trước cho Như xem. Nhận được hợp đồng, Như chuyển cho Võ Anh Tuấn nhờ xem giúp. Thực hiện các hợp đồng tiền gửi, Như ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn (Phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè) và đóng dấu giả, rồi chuyển cho Nga để Công ty Hưng Yên chuyển tiền theo hợp đồng.

Với thủ đoạn nêu trên, từ tháng 5 đến tháng 9-2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả 8 hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng với Công ty Hưng Yên, giả chữ ký của giám đốc, phó giám đốc Vietinbank Nhà Bè để huy động của doanh nghiệp này tổng số tiền 537 tỉ đồng.

Khi tiền của Công ty Hưng Yên chuyển vào tài khoản của Vietinbank, Như đã làm giả 14 lệnh chi, ký giả chữ ký của Giám đốc Công ty Hưng Yên trên các lệnh chi đó để chuyển 537 tỉ đồng từ tài khoản doanh nghiệp đến tài khoản của các doanh nghiệp, cá nhân do “siêu lừa” tạo lập hoặc mượn tài khoản người khác.

Quá trình giải quyết vụ án, Huỳnh Thị Huyền Như mới trả được tiền gốc và lãi cho Công ty Hưng Yên hơn 336 tỉ đồng và còn chiếm đoạt hơn 200 tỉ đồng. Ở hành vi phạm tội này, Võ Anh Tuấn được xác định là đã giúp sức cho Huỳnh Thị Huyền Như, đồng thời được hưởng lợi cá nhân 10 tỉ đồng.

Cũng với thủ đoạn tương tự như trên, từ tháng 5 đến 9-2011, Huỳnh Thị Huyền Như còn lừa đảo chiếm đoạt hơn 170 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư và Thương mại An Lộc; 380 tỷ đồng của Công ty Chứng khoán Phương Đông; hơn 124 tỷ đồng của Công ty CP Bảo hiểm Toàn cầu và hơn 209 tỷ đồng của Công ty CP Chứng khoán Saigonbank-Berjaya.

Trả lời các câu hỏi của HĐXX, “siêu lừa” Huyền Như xác nhận cáo trạng truy tố là đúng nhưng không nhớ rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền ở Công ty Hưng Yên. Như khai quá trình thỏa thuận huy động vốn, bị cáo lấy tên là Quyên và khi ra Hà Nội có bị cáo Tuấn đi cùng.

Bị cáo Như thừa nhận, khi huy động tiền của Công ty Hưng Yên có trao đổi với bị cáo Tuấn và khi gặp đại diện bên gửi tiền, bị cáo nhận là nhân viên Vietinbank Nhà Bè nhưng thực tế không làm việc ở đó.

Trình bày thể cách thức chiếm đoạt tiền, “siêu lừa” Huyền Như khai bị cáo làm giả hợp đồng tiền gửi của Vietinbank Nhà Bè và ký giả chữ ký chữ ký của giám đốc, phó giám đốc chi nhánh ngân hàng này. Tiếp đến, khi tiền vào tài khoản Vietinbank HCM, bị cáo làm lệnh chi giả và ký giả chữ ký chủ tài khoản chuyển tiền sang các tài khoản khác để trả nợ.

Đến lượt phải trả lời các câu hỏi của tòa án, Võ Anh Tuấn cũng xác nhận cáo trạng truy tố bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò giúp sức cho bị cáo Như là đúng. Tuy nhiên, về lời khai của “siêu lừa” thì có một số chỗ chưa chính xác.

Đó là khi cùng Như ra tới Hà Nội thì mới biết Công ty Hưng Yên là như thế nào. Ngoài ra, Tuấn khai không hề bàn bạc gì với Như và cũng không biết “siêu lừa” làm giả các hợp đồng tiền gửi. Về số tiền 10 tỉ đồng bị quy buộc hưởng lợi cá nhân, bị cáo Tuấn cho rằng đó tiền để đầu tư xây dựng Nhà máy gạo An Giang.