Sau vụ sát hại nam sinh chạy "xe ôm" Grab để cướp tài sản: Cách nào bảo vệ lái "xe ôm", taxi công nghệ?

ANTD.VN - Vừa qua, vụ án 2 đối tượng ở Yên Bái sát hại nam sinh chạy "xe ôm" Grab để cướp tài sản tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã khiến dư luận phẫn nộ. Sau vụ án này, một câu hỏi được đặt ra: Liệu những người làm nghề lái xe ("xe ôm", taxi) phải làm gì để bảo vệ an toàn cho tính mạng và tài sản của họ?

Liên tiếp các vụ cướp nhắm vào lái "xe ôm", taxi

Cuối tháng 1, đầu tháng 2-2019, Nguyễn Cảnh An (SN 16-8-1999, trú tại xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) thủ một con dao gọt hoa quả, thuê xe taxi chở từ bến xe Mỹ Đình về cổng phụ của SVĐ Quốc gia Mỹ Đình, với mục đích cướp tài sản. Tới nơi, An đã rút dao cứa cổ khiến lái xe taxi tử vong. Gây án xong, do quá sợ hãi nên đối tượng này bỏ chạy mà không kịp lấy gì.

Nguyễn Cảnh An đã gây ra vụ giết người, cướp tài sản gây xôn xao dư luận hồi đầu năm 2019

Vụ án này từng khiến dư luận xôn xao và đã được các lực lượng của CATP Hà Nội nhanh chóng khám phá. Đến tháng 4-2019, ông Nguyễn Trọng Đến (67 tuổi, trú tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) nhận lời chở Cao Văn Tình (27 tuổi, trú tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Tình là đối tượng nghiện ma túy, thiếu tiền đã nảy sinh ý định cướp nhắm vào các lái "xe ôm".

Khi ông Đến chở Tình tới điểm khách yêu cầu, đối tượng này đã dùng gậy gỗ và đá để đánh lái "xe ôm", cướp xe máy rồi mang đi bán.

Cuối tháng 9-2019, lái xe taxi có tên Hoàng Hoa (42 tuổi) chở 2 nam thành niên từ TP Biên Hòa (Đồng Nai) về Bình Dương.  Đến thị xã Tân Uyên, lợi dụng đoạn đường vắng vẻ, 2 hành khách đã nhoài người lên, kề dao vào cổ lái xe dọa cướp tiền. Nhờ nhanh tay chụp lưỡi dao rồi đạp cửa xe taxi, chạy vào nhà dân kêu cứu nên anh Hoa mới bảo toàn được mạng sống, chỉ bị thương tích...

Trong vòng đầu tháng 9-2019, trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) xảy ra một số vụ cướp với tình tiết manh động: Nhóm cướp gồm 3 đối tượng ở độ tuổi 15, 16 đã chở nhau đi tìm "con mồi" là các lái "xe ôm" lúc rạng sáng. Sau đó, chúng dẫn lái xe về khu vực Tân Mai, rồi dùng dao phóng lợn hàn tuýp sắt để đánh, đe dọa và cướp tiền của nạn nhân.

Nhóm cướp nhí chuyên nhắm tới "con mồi" là các lái "xe ôm" ban đêm, dùng hung khí để đánh, đe dọa nạn nhân

Ngày 28-9-2019, Đinh Văn Giáp (SN 1995) và Đinh Văn Trường (SN 2000) - cùng trú tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái - đã lừa nam sinh viên Nguyễn Cao S (SN 2001,  trú tại tỉnh  Thanh Hóa) chở về khu vực bãi đất trống ở phố Tân Phong, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm.

Hai đối tượng Giáp (trái) và Trường tỏ ra ngoan cố, tinh vi cố tình khai sai sự thật khi bị bắt giữ

Tại đây, Giáp đã dùng dao nhọn đâm nhiều nhát vào phía sau của lái xe, khiến nạn nhân thiệt mạng, rồi 2 tên Giáp và Trường cùng lấy chiếc xe máy đi về quê, coi như không có chuyện gì xảy ra. Sau chưa đầy 48 giờ, Đội CSHS (CAQ Bắc Từ Liêm) phối hợp với Đội Điều tra Trọng án (Phòng CSHS, CATP Hà Nội) đã bắt giữ 2 đối tượng trên.

Giải pháp nào đảm bảo an toàn cho lái xe?

Sau hàng loạt vụ cướp nhắm vào các lái "xe ôm", taxi, dư luận đã đặt ra câu hỏi: Liệu những người làm nghề lái xe ("xe ôm", taxi) phải làm gì để bảo vệ an toàn cho tính mạng và tài sản của họ?

Sau vụ Nguyễn Cảnh An cứa cổ lái xe taxi ở cổng phụ SVĐ Quốc gia Mỹ Đình, đã có người sáng tạo ra chiếc tấm chắn bằng nhựa cứng, lắp ngăn cách lái xe với hành khách. Song giải pháp này chỉ mang tính tạm thời, chưa thực sự hữu dụng và không thể áp dụng đối với lái "xe ôm".

Khi ra tay tàn độc, Nguyễn Cảnh An đã tính toán kỹ để không cho lái xe cơ hội chống trả. Đối tượng này đã bị tòa án tuyên phạt án tử hình

Một số ý kiến cho rằng, có thể trang bị cho người làm nghề lái xe vận tải hành khách như "xe ôm", taxi những công cụ hỗ trợ để bảo vệ bản thân. Song luồng ý kiến này nhanh chóng bị phản biện, vì ranh giới giữa "tự vệ" với "tấn công" rất mong manh. Sau một số vụ việc lái xe bị tố có hành vi bạo lực với khách, việc trang bị như vậy rất rủi ro.

Đáng chú ý, một ý kiến được đăng tải công khai trên Facebook về giải pháp an toàn cho lái xe đã nhận được nhiều sự hưởng ứng. Đó là đề xuất các hãng cung cấp dịch vụ vận tải công nghệ, taxi... mở chế độ "chụp ảnh khách trước khi lên xe", gửi về trung tâm. Việc chụp ảnh này được thực hiện công khai, để khách biết.

Đinh Văn Giáp là đối tượng lêu lổng, từng có tiền án về tội buôn bán người

Ở vụ án đau lòng vừa qua, nam sinh chạy "xe ôm" Grab đã chụp hình ảnh 2 vị khách "bất thường" để gửi cho người thân trước khi bắt đầu cuốc xe, nhờ vậy, lực lượng công an có thể truy tìm nghi can hiệu quả hơn.

Đáng tiếc là lái "xe ôm" này đã không chụp công khai, bởi nếu 2 đối tượng khả nghi khi đó biết được việc chúng bị chụp hình và gửi đi, khả năng gây án sẽ thấp hơn nhiều.

Nếu giải pháp này được hiện thực hóa, vấn đề lớn nhất là các hãng xe phải cam kết bảo mật thông tin khách hàng, không để lộ hình ảnh chân dung và lộ trình của họ ra bên ngoài.

Những kẻ cướp đều khai chúng hành động xuất phát từ suy nghĩ rất đơn giản: Không có tiền thì... đi cướp (?!)

Cùng với đó, mỗi lái xe cũng cần giữ sự tỉnh táo, cảnh giác khi khách đặt tới những địa điểm vắng vào lúc đêm muộn, hoặc đặt tới điểm đông người, nhưng sau đó lại lấy lý do gì đó để "điều" vào ngõ tối, sâu, cánh đồng vắng ít người qua lại để gây án.