Sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Thưa luật sư, hiện nay quy định xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán rượu giả như thế nào? Nguyễn Quang Thuận (Hoài Đức, Hà Nội)

Luật sư Đặng Thành Chung trả lời:

Theo quy định tại Điều 11, 12, 13 và 14 Nghị định 185/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng và sản xuất, buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, tùy vào hành vi, tính chất, mức độ, mức xử phạt như sau:

- Đối với hành vi buôn bản hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

- Đối với hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng: phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

- Đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa: phạt tiền từ 200.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

- Đối với hành vi sản xuất hàng giả mạo hàng hóa, bao bì hàng hóa: phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng.

Riêng đối với hàng giả là rượu, mức phạt tiền sẽ gấp đôi theo quy định trên. Ngoài phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện, công cụ vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn; đình chỉ hoạt động có thời hạn… và các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy hàng giả công dụng, không có giá trị sử dụng; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm đối với hàng giả mạo hàng hóa, bao bì hàng hóa; buộc nộp lại số lợi bất chính…

Mặt khác, cá nhân, pháp nhân có hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 193 BLHS về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân đối với cá nhân, bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.