Sách lậu - xử lý nhiều, vi phạm… không giảm!

(ANTĐ) - Thượng tá Nguyễn Văn Mỹ - Trưởng phòng An ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng, CATP Hà Nội nêu một hiện tượng: “Hàng năm, lực lượng An ninh văn hóa phối hợp cùng cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh với hàng loạt vụ việc vi phạm nghiêm trọng, đề xuất xử lý hình sự - hành chính hàng chục đối tượng, thu giữ hàng chục tấn xuất bản phẩm in sao lậu. Tuy nhiên, địa bàn Hà Nội nói riêng vẫn cực kỳ nóng bỏng nạn sách lậu.

Sách lậu - xử lý nhiều, vi phạm… không giảm!

(ANTĐ) - Thượng tá Nguyễn Văn Mỹ - Trưởng phòng An ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng, CATP Hà Nội nêu một hiện tượng: “Hàng năm, lực lượng An ninh văn hóa phối hợp cùng cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh với hàng loạt vụ việc vi phạm nghiêm trọng, đề xuất xử lý hình sự - hành chính hàng chục đối tượng, thu giữ hàng chục tấn xuất bản phẩm in sao lậu. Tuy nhiên, địa bàn Hà Nội nói riêng vẫn cực kỳ nóng bỏng nạn sách lậu.

CATP Hà Nội đang kiểm tra một cơ sở in sách lậu
CATP Hà Nội đang kiểm tra một cơ sở in sách lậu

Sách lậu không… giảm

Thượng tá Mỹ cho biết, mỗi năm Phòng An ninh văn hóa ghi nhận có hàng trăm bài báo, đơn thư “kêu cứu” về nạn sách lậu. Lại có hàng chục cuộc họp chuyên ngành hoặc liên ngành để bàn biện pháp chống sách lậu. Tuy nhiên, kết quả đấu tranh vẫn còn rất khiêm tốn. Hoạt động sản xuất - phát hành sách lậu vẫn diễn ra khá phổ biến với số lượng lớn, tính chất đối phó tinh vi.

Cứ cuốn nào có dấu hiệu bán chạy đều sớm bị làm lậu. Đường đi của sách lậu thường xuyên nhất giữa Hà Nội với TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; ngoài ra, Hà Nội cũng là điểm trung chuyển sách lậu đi các tỉnh phía Bắc.

Riêng trong tháng 9-2008, trinh sát Đội An ninh văn hóa - CATP Hà Nội phối hợp cùng CAQ Cầu Giấy và CAH Chương Mỹ liên tiếp khám phá 2 đầu mối sách lậu quy mô lớn, thu giữ gần 15 tấn sách lậu với hàng chục đầu sách. “Số lượng sách lậu thu giữ trên lớn nhất từ trước đến nay, nhưng có lẽ chưa thấm vào đâu so với thực trạng thị trường sách lậu đang diễn ra” - một trinh sát Phòng An ninh văn hóa nhận định.

“Mánh” của đầu nậu sách

Không ít cuốn sách đang được bày bán công khai ở “phố sách” Nguyễn Xí là sản phẩm bị làm lậu. Nghe và nhìn số lượng cả chục tấn sách bị cơ quan công an thu giữ, thấy ngợp; nhưng để phát hiện ra xưởng sản xuất sách lậu lại là cả sự kỳ công. Các cơ sở in rất ranh ma, thường tránh khu trung tâm, dạt về các vùng ngoại thành hoặc tỉnh giáp ranh Hà Nội.

Công nghệ in và gia công ngày càng hiện đại nên thời gian sách lậu “nằm” ở các cơ sở sản xuất rất ngắn, khó bị phát hiện. Đáng lo ngại nhất là tâm lý ăn xổi của nhiều cơ sở in ấn, vì ít việc nên họ sẵn sàng in bất cứ cái gì. Như vụ việc tại Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Ngọc Linh, trụ sở xã Xuân Phương, Từ Liêm, bị Phòng An ninh văn hóa xử lý mới đây.

Dù không có giấy phép in ấn xuất bản phẩm nhưng Công ty Ngọc Linh vẫn tham gia in nhiều đầu sách theo đơn đặt hàng của một đầu nậu tư nhân. Tiếp sức cho Công ty Ngọc Linh còn có một cơ sở đóng xén sách tư nhân ở thôn Ngọa Long, vốn không có đăng ký kinh doanh. Cơ quan công an đã tạm giữ khoảng 1,5 tấn ấn phẩm lậu, với sự mạo nhận danh nghĩa các đơn vị xuất bản một cách trắng trợn.

Quá trình mở rộng vụ việc, Phòng An ninh văn hóa lật tẩy được hoạt động tinh vi và nhiều thủ đoạn đối phó của Công ty Ngọc Linh. Cả công ty chỉ có 1 máy in, 4 công nhân, nhưng công suất hoạt động thường tối đa về đêm. Trước 6h sáng hàng ngày, toàn bộ các bản kẽm và sản phẩm đều được thu dọn chuyển sang cất giấu ở địa điểm khác hoặc đưa sang nơi đóng xén.

Nhiều lần các tổ công tác đến kiểm tra nhưng ban ngày đều thấy công ty này hoạt động đúng theo giấy phép được cấp. Còn cơ sở đóng xén thôn Ngọa Long vốn nằm sâu trong làng. Mỗi khi có “hàng” trong nhà, chủ cơ sở đóng kín cửa. Thậm chí nhiều người dân xung quanh đó cũng không biết đến hoạt động vi phạm ngay bên cạnh.

Thiếu, yếu chế tài

Đó là bộc bạch của Thượng tá Nguyễn Văn Mỹ. Phát hiện cơ sở in sách lậu đã khó, công tác xử lý đối tượng sao cho thật triệt để, đủ sức răn đe còn phức tạp hơn. Trở lại vụ in lậu sách tại Công ty Ngọc Linh. Hàng chục đầu sách với hàng nghìn bản in mà cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ, phần lớn đều được in ấn theo đơn đặt hàng của Đỗ Văn Song, SN 1977, quê Hải Hậu, Nam Định. Theo tài liệu của cơ quan công an, Song ra Hà Nội từ năm 2004 nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã trở nên “nổi tiếng” về những hợp đồng in ấn - phát hành sách “lậu”.

Năm 2005, Đỗ Văn Song từng bị trinh sát Phòng An ninh Văn hóa  phát hiện và xử lý trong vụ đặt hàng in lậu cuốn “Mãi mãi tuổi hai mươi”. Song còn câu kết với những đối tượng khác để mở rộng tầm hoạt động. Vụ in lậu cuốn “Mãi mãi tuổi hai mươi”, Song bị cảnh cáo, phạt hành chính. Theo một cán bộ Phòng An ninh Văn hóa, nhiều khả năng, hình thức xử lý đối với Đỗ Văn Song trong vụ việc liên quan đến Công ty Ngọc Linh cũng chỉ dừng ở đó.

Thượng tá Đinh Hữu Tân - Phó trưởng Phòng An ninh văn hóa nêu một bất hợp lý khác trong xử lý những vi phạm in ấn sách lậu, sách nhái. Các đối tượng in lậu thường chủ động đối phó với cơ quan chức năng, như hoạt động ngoài giờ hành chính, đặt xưởng in tại những khu vực khuất nẻo, luôn khóa kín cửa. Nhiều công ty in đặt máy in ở nhà dân và sẵn sàng ký quyết định thành lập chi nhánh khi bị kiểm tra.

Quá trình trinh sát cực kỳ vất vả, nhưng khi đánh trúng điểm in lậu, hình thức xử lý lại chỉ là “phạt tiền từ 10-15 triệu đồng về hành vi in, nhân bản xuất bản phẩm không đủ thủ tục hoặc không có hợp đồng theo quy định”, (điều 22, khoản 4 - a, NĐ 56/CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin). Đây thực sự là chế tài không đủ sức răn đe, và đã được kiến nghị điều chỉnh từ nhiều năm nhưng không cấp có thẩm quyền vẫn chưa hồi âm.

Một thực tế nữa khiến sách lậu lây lan với tốc độ nhanh như hiện nay, đó là công tác đấu tranh, phát hiện sách lậu chủ yếu do lực lượng an ninh văn hóa thực hiện, trong đó chủ công là Phòng An ninh văn hóa. Đã vậy theo quy định, lực lượng an ninh văn hóa không được độc lập kiểm tra mà đều phải phối hợp với cơ quan chức năng khác. “Trong nhiều trường hợp, để đợi đến khi có sự tham gia của lực lượng khác, yếu tố bắt “nóng”, bắt quả tang đã bất thành”, chỉ huy Phòng An ninh văn hóa khẳng định.       

Hoàng Quân