Rắc rối quanh một vụ lừa đảo

(ANTĐ) - Bị VKSND TP Hà Nội cáo buộc và truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139-BLHS, nhưng Trần Minh Anh lại cho rằng mình bị oan. Vụ án được đưa ra xét xử công khai nhưng đã trả lại hồ sơ ngay sau đó.

Rắc rối quanh một vụ lừa đảo

(ANTĐ) - Bị VKSND TP Hà Nội cáo buộc và truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139-BLHS, nhưng Trần Minh Anh lại cho rằng mình bị oan. Vụ án được đưa ra xét xử công khai nhưng đã trả lại hồ sơ ngay sau đó.

Bị hại nộp tiền khắc phục hậu quả

Trần Minh Anh tại phiên xử ngày 22-3

Trần Minh Anh tại phiên xử ngày 22-3

Theo tài liệu truy tố, ngày 22-1-2007, Trần Minh Anh (SN 1961, trú ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình) cùng mẹ vợ là bà Bùi Thị Minh đến Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt Hà Nội (Công ty Chứng khoán Bảo Việt) để mở tài khoản giao dịch chứng khoán. Khi nhận được hồ sơ, Trần Minh Anh đã trực tiếp viết nội dung, đồng thời ký và viết họ tên bà Minh vào mục chủ sở hữu trong hợp đồng mở tài khoản. Cùng ngày, Công ty Chứng khoán Bảo Việt đã cấp cho bà Minh tài khoản giao dịch mang số hiệu: 001C109937. Ngay hôm sau, bà Minh cùng Trần Minh Anh đến ngân hàng gửi hơn 3 tỷ đồng vào tài khoản giao dịch chứng khoán của mình. Bà Minh sau đó vào TP Hồ Chí Minh sống với con trai.

Sự việc bắt đầu phức tạp khi Trần Minh Anh liên tục đến gặp nhân viên của Công ty Chứng khoán Bảo Việt để làm thủ tục rút hơn 2,1 tỷ đồng trong tài khoản mang tên bà Minh mà không hề có giấy ủy quyền hay sự đồng ý của chủ sở hữu. Từ 16-7 đến 30-1-2008, Trần Minh Anh tiếp tục đến Công ty Chứng khoán Bảo Việt để rút hơn 1,3 tỷ đồng nữa từ tài khoản của bà Minh với bộ hồ sơ ủy quyền do đối tượng lập khống từ trước. Tổng cộng Trần Minh Anh đã thực hiện 19 lần rút tiền từ tài khoản mang tên bà Minh với số tiền hơn 3,4 tỷ đồng và đã chuyển hơn 1,6 tỷ đồng vào tài khoản của mình cùng mở tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt. Số tiền còn lại, Trần Minh Anh khai đã trả nợ cho chị Trần Kim Ngân (vợ đối tượng) và tiêu xài hết.

Ngày 6-3-2008, bà Minh đến Công ty Chứng khoán Bảo Việt rút tiền thì được thông báo số tiền trong tài khoản chỉ còn lại hơn 9,1 triệu đồng. Bà Minh liền làm đơn tố cáo Trần Minh Anh đã lợi dụng sơ hở của nhân viên Công ty Chứng khoán Bảo Việt và sự thiếu hiểu biết của bà để chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng.

Cũng theo cáo trạng, trong quá trình điều tra vụ án những nhân viên của Công ty Chứng khoán Bảo Việt liên quan đã tự nguyện nộp 1,5 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, điều lạ là sau khi bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tài liệu truy tố lại xác định Công ty Chứng khoán Bảo Việt mới chính là bị hại trong vụ án này. Trong khi đó, tại phiên tòa hôm qua (22-3), các nhân viên của Công ty Chứng khoán Bảo Việt đều khẳng định đã làm đúng quy trình, quy định và việc nộp 1,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả là chủ trương của doanh nghiệp, không phải họ tự nộp như cáo trạng thể hiện (!?).           

Có không hành vi lừa đảo?

Trong phần xét hỏi tại phiên tòa, Trần Minh Anh một mực cho rằng mình bị oan vì tiền hơn 3 tỷ đồng mà bị cáo cùng mẹ vợ gửi vào tài khoản giao dịch mở tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt là của bị cáo cùng vợ làm ăn ở bên Đức mà có từ trước gửi về do bà Minh nhận hộ. Việc bị cáo dùng tên của mẹ vợ để mở tài khoản mua bán chứng khoán đã được bàn bạc với chị Trần Kim Ngân từ trước và bà Minh là người biết rõ.

Mặt khác, trong quá trình bị cáo lập tài khoản và rút tiền từ tài khoản mang tên mẹ vợ, bà Minh đều có mặt chứng kiến. Do đó, bị cáo không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo buộc. Lý giải về hành vi đứng ra lập và ký, viết họ tên của bà Minh vào mục chủ tài khoản, bị cáo cho rằng công ty chứng khoán không cho phép một người đứng tên chủ sở hữu hai tài khoản để giao dịch.

Trả lời câu hỏi của HĐXX, nếu số tiền trong tài khoản mang tên bà Minh là của hai vợ chồng thì vì sao bị cáo không tự đứng tên người nộp tiền vào tài khoản của mẹ vợ? Trần Minh Anh trình bày vì khi đó mới về nước nên không tin tưởng ngân hàng, do đó mới để bà Minh đứng tên người gửi.

Trước đó, CQĐT đã xác định ngày 23-7-2007, chị Trần Kim Ngân hiện sống tại Đức đã gửi trả nợ bà Minh 175.870EURO qua Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Sau khi quy đổi ra tiền VNĐ và nhận tiền từ ngân hàng này, Trần Minh Anh đã đưa mẹ vợ đến Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam để gửi vào tài khoản giao dịch chứng khoán tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt.

CQĐT cũng đã làm rõ giữa Trần Minh Anh và chị Trần Kim Ngân (SN 1962) tổ chức lễ cưới từ năm 1988 nhưng không đăng ký kết hôn và có một con chung. Năm 1992, cả hai cùng sang Đức sinh sống. Sau khi Trần Minh Anh bị trục xuất về nước, ngày 24-2-2007, chị Ngân về Việt Nam đăng ký kết hôn với bị cáo tại Sở Tư pháp Hà Nội.

Từ những lời khai trên của Trần Minh Anh và khá nhiều tình tiết trong hồ sơ vụ án chưa được làm sáng tỏ, đặc biệt là sự vắng mặt của bà Minh tại phiên tòa này nên HĐXX quyết định trả hồ sơ để tiếp tục điều tra bổ sung. Tham gia tố tụng tại phiên tòa, một luật sư cho rằng mấu chốt của vụ án là phải xác định rõ nguồn gốc khối tài sản trong tài khoản của bà Minh và điều đó chỉ có thể thông qua đối chất cũng như một số biện pháp điều tra cơ bản khác.

Minh Long