Quyết liệt chống ma túy trên tuyến biên giới Việt - Trung

(ANTĐ) - Việt Nam và Trung Quốc có biên giới đường bộ dài 1.470 km thuộc địa bàn 7 tỉnh là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trong những năm qua tình hình hoạt động của tội phạm về ma túy ở các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Hoạt động phạm tội ma túy tập trung nhiều ở các tỉnh Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lào Cai... Các nhóm đối tượng người Trung Quốc cấu kết với các đối tượng người Việt Nam buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới.

Quyết liệt chống ma túy trên tuyến biên giới Việt - Trung

(ANTĐ) - Việt Nam và Trung Quốc có biên giới đường bộ dài 1.470 km thuộc địa bàn 7 tỉnh là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trong những năm qua tình hình hoạt động của tội phạm về ma túy ở các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Hoạt động phạm tội ma túy tập trung nhiều ở các tỉnh Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lào Cai... Các nhóm đối tượng người Trung Quốc cấu kết với các đối tượng người Việt Nam buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới.

Lực lượng Công an Việt Nam và Trung Quốc gặp gỡ, trao đổi thông tin về phòng chống ma túy
Lực lượng Công an Việt Nam và Trung Quốc gặp gỡ, trao đổi thông tin về phòng chống ma túy

Trong đó có một số đường dây, tổ chức tội phạm đã hoạt động nhiều năm, vận chuyển trót lọt số lượng lớn heroin, thuốc phiện và hàng trăm nghìn viên ma túy tổng hợp vào Việt Nam. Cá biệt có vụ vận chuyển với số lượng lớn, có vụ vận chuyển qua đường sắt tới 24,5 kg heroin.

Chỉ tính riêng 5 năm qua, các lực lượng chức năng 7 tỉnh biên giới của Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ 7.421 vụ, 10.151 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ hơn 337 kg heroin; 175 kg thuốc phiện, gần 150.000 viên, 4 kg, 2.500 ống, 32 ml ma túy tổng hợp; 8,8 tấn nhựa cần sa, 1,15 kg cần sa khô; 915 viên, 8.700 ống tân dược gây nghiện.

Bọn tội phạm về ma túy triệt để lợi dụng chính sách mở cửa kinh tế thông thoáng để hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới. Tội phạm ma túy hoạt động không theo truyền thống mà chúng đã nâng tầm cao hơn với thủ đoạn tinh vi, mang tính quốc tế và có sự cấu kết chặt chẽ giữa những đối tượng trong nước và đối tượng nước ngoài.

Tuyến biên giới Việt - Trung vẫn được xác định là tuyến trọng điểm về tội phạm ma túy, tập trung nhiều ở các tỉnh Quảng Ninh, Lai Châu, Lạng Sơn, Cao Bằng.

Trong những năm qua các lực lượng chức năng (Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan) đã phát hiện, bóc gỡ được nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy với khối lượng lớn, có sự cấu kết chặt chẽ đối tượng trong tỉnh với tỉnh ngoài, nước ngoài, với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhất là trong thông tin liên lạc, giao nhận tiền - hàng... Heroin được vận chuyển từ tuyến trong (chủ yếu là từ tuyến Tây Bắc) qua Quảng Ninh để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ; các loại ma túy tổng hợp từ Trung Quốc qua Quảng Ninh rồi được chuyển tiếp vào sâu trong nội địa.

Tỷ lệ các vụ án về ma túy liên quan đến ma túy tổng hợp có xu hướng tăng. Trong các vụ án mua bán, vận chuyển ma túy có yếu tố nước ngoài, các đối tượng chủ yếu là người Trung Quốc và Việt Nam thường xuyên sang Trung Quốc làm ăn, lợi dụng việc đi lại qua biên giới để vận chuyển ma túy.

Điển hình là vụ Công an tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và các lực lượng chức năng phá Chuyên án 408-P, bắt giữ 5 đối tượng người nước ngoài (4 đối tượng người Trung Quốc, 1 đối tượng người Indonesia).

Theo điều tra của cơ quan công an, các đối tượng đã triệt để lợi dụng phương thức vận chuyển hàng tạm nhập tái xuất để đưa 2 container chứa 8,8 tấn nhựa cần sa được ngụy trang trong các thùng đựng quần bò vận chuyển bằng đường biển nhập về Việt Nam và đưa ra nước ngoài.

Tuy nhiên, hiện nay cơ sở pháp lý có liên quan đến hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ở các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc chưa hoàn thiện, chưa có Hiệp định dẫn độ tội phạm, Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù.

Đối với các hiệp định, thỏa thuận về kiểm soát ma túy ký giữa cấp Chính phủ, Bộ Công an cả từ hai phía, việc triển khai xuống cấp tỉnh, huyện và cơ sở còn chậm, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên cấp huyện và cơ sở thực hiện chưa được đầy đủ.

Các tỉnh giáp biên của mỗi nước chưa xây dựng được cơ chế phối hợp phòng ngừa, đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới, do vậy hiệu quả còn thấp, việc qua lại còn khó khăn về thủ tục ngoại giao.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới này sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường khi bọn tội phạm sẽ sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội tinh vi, xảo quyệt và manh động hơn. Chúng sẽ triệt để lợi dụng sơ hở của các cơ quan chức năng để thực hiện hành vi phạm tội, tính có tổ chức và xuyên đa quốc gia ngày càng rõ hơn.

Do vậy, cuộc chiến chống ma túy trên tuyến biên giới Việt - Trung sẽ còn rất căng thẳng, quyết liệt, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng và những biện pháp mạnh, hữu hiệu của các cơ quan chức năng.

Phạm Vũ