Quy định mới nhất về biện pháp áp dụng đối với bị cáo cố tình không đến hầu tòa

ANTD.VN -Như Báo ANTĐ đã đưa tin, mới đây TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Tuyết (SN 1978, ở phường Mỹ Đình I, quận Nam Từ Liêm) và Trần Gia Hòa (SN 1977, ở phường Văn Quán, quận Hà Đông về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại. Song tại phiên toà, mặc dù các bị hại có mặt đủ nhưng hai bị cáo không đến hầu toà nên phiên toà phải tạm hoãn.

Liên quan đến chế tài xử lý bị cáo có hành vi cố tình không đến tham dự phiên toà, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 61 Bộ luật TTHS 2015 quy định, bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này.

Ngoài các quyền theo luật định, bị cáo có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã; Chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án.

Như vậy, theo quy định trên, bị cáo phải có mặt tại tòa theo giấy triệu tập của tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án. Nếu bị cáo cố tình vắng mặt sẽ bị dẫn giải.

Điều 4 Bộ luật TTHS 2015 quy định, dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hoặc người bị hại từ chối giám định.

Trong trường hợp bị cáo mắc bệnh hiểm nghèo, HĐXX tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Người mắc bệnh hiểm nghèo có thể hiểu là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng (ung thư, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS) và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế coi là bệnh hiểm nghèo. Việc xác định người mắc bệnh hiểm nghèo phải theo kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên.

Nếu bị cáo không thể tham gia phiên toà do tình trạng sức khoẻ, HĐXX có thể quyết định tạm ngừng phiên toà. Việc tạm ngừng chỉ được thực hiện nếu người tham gia tố tụng có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 5 ngày, kể từ ngày tạm ngừng.

Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa. Theo Điều 297 Bộ luật TTHS 2015, thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, toà án có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được HĐXX chấp nhận; nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.