Quan hệ giữa VEC và người tham gia giao thông là quan hệ dân sự nên không có quyền từ chối phục vụ

ANTD.VN -Liên quan đến thông tin Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có thông báo sẽ từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện trên trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, Luật sư Phạm Duy Khương Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nếu sự việc này có thật thì đây được coi là hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng, vi phạm Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Doanh nghiệp không có quyền hạn chế việc đi lại của công dân

Cũng theo Luật sư Phạm Duy Khương, cần phải hiểu rằng việc “từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện” không đơn thuần là một “biện pháp trừng phạt” chỉ riêng đối với 2 phương tiện.

Nếu hành động này được chấp nhận thì có thể là một tiền lệ để trong tương lai doanh nghiệp này sẽ áp dụng với các phương tiện khác. Khi đó, viễn cảnh một doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, có quyền hạn chế quyền được tự do đi lại của công dân - một quyền hiến định có thể xảy ra.

Trong vụ việc này cần xác định rõ ràng và chính xác mối quan hệ giữa những người điều khiển phương tiện giao thông trên các tuyến đường cao tốc (người tham gia giao thông) và đơn vị quản lý tuyến đường là mối quan hệ dân sự hay là hành chính.

“Căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, đây chỉ có thể là một mối quan hệ dân sự, trong đó một bên là đơn vị cung cấp dịch vụ (trực tiếp hoặc theo sự ủy quyền, cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền), một bên là người tham gia giao thông là người sử dụng dịch vụ. Việc giải quyết các mâu thuẫn phát sinh từ mối quan hệ này phải dựa trên các quy định của pháp luật dân sự.

Luật sư Phạm Duy Khương - Đoàn Luật sư Hà Nội

Người tham gia giao thông là cá nhân và không có mục đích kinh doanh khi tham gia giao thông được bảo vệ bởi quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều 10.2 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu rõ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không được “quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 2 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng”.

Do đó, Luật sư Phạm Duy Khương cho rằng, việc một đơn vị quản lý một số tuyến đường bộ từ chối phục vụ vĩnh viễn phương tiện giao thông hoặc người tham gia giao thông cần phải được coi là hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng. Đây là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 10 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy vậy, nếu người tham gia giao thông đã có các hành vi gây thiệt hại cho uy tín, tài sản cho đơn vị quản lý tuyến đường, cố tình không tuân thủ các hướng dẫn của họ nghĩa là đã vi phạm nghĩa vụ của Người tiêu dùng được quy định tại Điều 9.1 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đó là nghĩa vụ thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Có thể khởi kiện ra tòa

"Việc một đơn vị quản lý tuyến đường phải ra một thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn có thể thấy sự nôn nóng và bất lực của đơn vị này cũng như sự lúng túng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giải quyết các vụ việc tụ tập phản đối các trạm thu phí BOT gây mất an toàn giao thông trong thời gian qua" - Luật sư Phạm Duy Khương nhận định.

Sẽ văn minh hơn nếu đơn vị này với tư cách là bên bị thiệt hại do các hành vi có lỗi của người tham gia giao thông khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc ban hành các phán quyết khác.

Khi phán quyết, quyết định này có hiệu lực pháp luật sẽ là căn cứ pháp lý hợp pháp để từ đó đơn vị quản lý tuyến đường có quyền từ chối phục vụ người tham gia giao thông có các hành vi vi phạm.

Bởi, Tòa án có thẩm quyền ban hành các quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm hoặc buộc thực hiện một hành vi nhất định” (Điều 114.12 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015) - từ đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể thực thi nhằm ngăn cản những người tham gia giao thông đang cố ý gây cản trở giao thông, gây thiệt hại về tài sản cho các đơn vị quản lý các tuyến đường giao thông hiện nay.

Về phía người tham gia giao thông, nếu họ có căn cứ cho rằng đơn vị quản lý đường bộ không có quyền thu phí thì có thể khởi kiện hoặc yêu cầu các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện để yêu cầu tòa án có thẩm quyền buộc các đơn vị quản lý đường bộ ngừng thực hiện việc thu phí này - Luật sư Phạm Duy Khương nêu ý kiến.