Phúc thẩm vụ thiếu phụ làm sứt mép bàn: Chủ tịch Hội đồng định giá đầu đuôi bất nhất

ANTD.VN - Ngày 25-8, TAND tỉnh Hà Nam mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Lê Thị Trang về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Thế nhưng phiên xử đã phải tạm dừng do xuất hiện nhiều tình tiết bất ngờ… 

Thừa nhận hành vi nhưng vẫn kêu oan

Cụ thể, tại phiên tòa phúc thẩm này, bị cáo Lê Thị Trang (SN 1988, trú tại TP Phủ Lý, Hà Nam) bị đưa ra xem xét về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, theo đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo. Thời điểm phạm tội và cho đến nay, thiếu phụ này vẫn đang phải một mình nuôi con nhỏ. Phía bị hại, bà Nguyễn Thị Thanh Hà (người cùng địa phương) - chủ quán karaoke Thanh Hà cùng một số người liên quan tiếp tục có đơn xin vắng mặt.

Trước đó, ngày 23-6, TAND TP Phủ Lý đã xét xử sơ thẩm, đồng thời tuyên phạt bị cáo Lê Thị Trang 12 tháng tù về tội danh trên. Bản án sơ thẩm cùng lời khai của bị cáo thể hiện, tối 3-2-2017, thiếu phụ đến quán karaoke của bà Hà thì xảy ra xô xát. Nguyên nhân do ngay trước khi đến quán, Trang đã đặt phòng hát karaoke để tiếp đón bạn ở Hà Nội về chơi.

Phiên tòa phúc thẩm xử Lê Thị Trang do Thẩm phán Nguyễn Mạnh Hùng làm chủ tọa 

Khi đến quán karaoke Thanh Hà, yêu cầu của Trang không được đáp ứng. Hỏi chuyện đặt phòng thì từ nhân viên đến chủ quán đều không ai trả lời. Bức xúc Trang xông vào giằng co với nữ chủ quán và sau đó bị một số người con của bà Hà xông vào quây đánh.

Được một người bạn can ngăn, Trang bỏ về nhưng bị gia đình chủ quán karaoke đóng cửa giữ lại. Ngồi ở ghế salon tại quán karaoke, Trang tiếp tục bị 7-8 người xông vào ẩu đả và ấn đầu xuống ghế. Thậm chí, qua hình ảnh camera được công khai tại phiên tòa sơ thẩm, có người còn cầm dao đe dọa.

Bức xúc vì là khách hàng nhưng lại bị đối xử không ra gì, nên trong lúc ngồi ở ghế salon tại quán karaoke, thiếu phụ liền cầm cốc thủy tinh đập 2 phát xuống bàn, khiến chiếc mặt bàn bằng đá của gia đình bà Hà bị sứt mép. Sau đó, Trang được một số người bạn tới quán karaoke đưa về nhà.

Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng xác định, trên một cạnh dài chiếc mặt bàn bằng đá của gia đình bà Hà bị sứt 2 vị trí. Trong đó, vết sứt thứ nhất kích thước 1,5 cm x 1,4 cm và vết thứ hai là 7,9 cm x 1,4 cm. Tổng giá trị thiệt hại chiếc mặt bàn của gia đình bà Hà là hơn 2,8 triệu đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, được hỏi về nội dung kháng cáo kêu oan, thiếu phụ một con giữ nguyên yêu cầu, đồng thời lý giải bị cáo thừa nhận đã thực hiện hành vi dùng cốc thủy tinh đập vào mặt bàn. Nhưng theo bị cáo, việc định giá tài sản không đúng và chiếc mặt bàn đó vẫn được gia đình bà Hà gắn lại sử dụng bình thường.

Tài sản của hộ gia đình không khấu hao?       

Phiên tòa xử phúc thẩm bị cáo Lê Thị Trang bỗng trở nên “nóng” ngay ở phần xét hỏi, khi chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Nguyễn Mạnh Hùng đột ngột truy vấn bị cáo về một việc liên quan đến lỗi lầm của thiếu phụ này trong quá khứ nhưng lại chẳng hề dính líu gì đến vụ án cố ý làm hư hỏng tài sản.

Bất ngờ bị chạm vào nỗi đau, bị cáo Trang liền bật khóc nức nở khiến chủ tọa phiên tòa buộc phải “chữa cháy” bằng việc động viên, đồng thời cho thiếu phụ tạm ngồi để lấy lại bình tĩnh. Về phần mình, nhận thấy nội dung thẩm vấn không phù hợp, luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Trang) cũng đã lập tức lên tiếng.  

Bị thẩm vấn cả những điều không liên quan đến vụ án, bị cáo Trang nhiều lần bật khóc

Ngay sau đó, phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa được chuyển sang phía ông Nguyễn Trung Dũng - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch UBND TP Phủ Lý - Chủ tịch Hội đồng định giá (HĐĐG) tài sản trong vụ án. Một trong những cơ sở quan trọng nhất để định tội bị cáo là Bản kết luận định giá tài sản ngày 17-2-2017 của HĐĐG tài sản TP Phủ Lý.

Trước tòa, vị Chủ tịch HĐĐG tài sản TP Phủ Lý - ông Nguyễn Trung Dũng quả quyết, việc định giá tài sản là chiếc mặt bàn đá trong vụ án này đều đã tuân thủ đúng quy trình, quy định của pháp luật về định giá tài sản trong tố tụng hình sự.

Lý giải việc bị cáo thắc mắc chiếc mặt bàn của gia đình bà Hà đã qua sử dụng nhưng lại không được đối trừ khấu hao, ông Dũng khẳng định, việc tính khấu hao chỉ áp dụng với tài sản của cơ quan, tổ chức. Còn tài sản của hộ gia đình, cá nhân thì không được tính điều này. “Chủ quán karaoke khai mua chiếc bàn từ cuối tháng 12-2016, khi sự việc xảy ra là đầu tháng 2-2017 nên tài sản này vẫn là mới” -  ông Dũng nói.

Xác định giá trị tài sản từ phiếu khảo sát “chui”

Về tình tiết chiếc bàn sau khi bị sứt mép vẫn được khắc phục sử dụng, ông Dũng cho biết, HĐĐG giá đã khảo sát tại nhiều cơ sở sản xuất và tất cả đều khẳng định là chiếc mặt bàn bị sứt thì không thể sử dụng lại, phải thay mới hoàn toàn. Tuy nhiên, dẫn chứng các phiếu khảo sát cùng biên bản định giá tài sản, luật sư Thanh chỉ ra rằng đó chỉ là ý kiến chủ quan của thành viên HĐĐG.

Cũng liên quan đến quy trình định giá tài sản, ông Dũng cho rằng đã thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 55/2006/TT-BTC ngày 22-6-2006 của Bộ Tài chính. Nhưng trước tòa, luật sư Thanh đã chứng minh việc tước quyền tham gia phiên họp định giá chiếc mặt bàn đá đối với bị cáo Trang là trái với Nghị định số 26/2005/NĐ-CP của Chính phủ.

Kèm theo đó, vị luật sư viện dẫn: “Người có quyền lợi liên quan đến tài sản định giá được tham gia phiên họp định giá nhưng không có quyền biểu quyết. Do đó, việc loại bỏ bị cáo Trang ra ngoài phiên họp định giá tài sản là trái quy định pháp luật”.

Trước tòa, luật sư Giang Hồng Thanh chỉ ra hàng loạt vấn đề về định giá tài sản

Quá trình vị Chủ tịch HĐĐG bị thẩm thẩm vấn càng lúc càng “nóng” hơn khi luật sư bào chữa cho bị cáo liên tiếp chỉ ra các vi phạm nghiêm trọng trong hồ sơ định giá chiếc mặt bàn sứt mép. Cụ thể, HĐĐG đã lấy 4 phiếu khảo sát về giá trị mặt bàn đá, song điều lạ là 3 phiếu khảo sát thực hiện đúng quy trình lại không được dùng làm căn cứ để định giá tài sản thiệt hại.

Ngược lại, HĐĐG lại sử dụng một phiếu khảo sát của một doanh nghiệp ở Hà Nội (không có chữ ký của người khảo sát) làm cơ sở xác định chiếc mặt bàn ở quán karaoke tương đương hơn 2,8 triệu đồng. Đặc biệt, quá trình trả lời thẩm vấn trước tòa, ông Dũng còn “buột miệng” nói ra, phiếu khảo sát này không phải do thành viên HĐĐG thu thập.   

Diễn biến phiên tòa tiếp tục gây bất ngờ hơn khi ông Dũng khẳng định phiếu kê khai tài sản thiệt hại của người bị hại là do thành viên HĐĐG lập. Thế nhưng đối chiếu chữ viết trên phiếu này với 3 phiếu khảo sát tài sản (cùng một người viết ra) chỉ bằng mắt thường cũng thấy chúng rất khác nhau. Thậm chí phiếu kê khai tài sản của bị hại không hề có chữ ký của thành viên HĐĐG tài sản TP Phủ Lý.

Với những tình tiết bất ngờ nêu trên, sau gần 1 ngày mở tòa, HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Hà Nam đã quyết định tạm dừng phiên xử với lý do để tòa án có thời gian thẩm định lại hồ sơ định giá tài sản gốc. Và phiên xử sẽ được mở lại vào sáng 29-8 tới đây.