Phúc thẩm vụ hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng: Hàng loạt bị cáo xin nhẹ tội vì sức khỏe yếu

ANTD.VN - Ngày 5-5, phiên tòa xét xử phúc thẩm hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Phan Văn Vũ cùng 17 bị cáo liên quan trong vụ án thâu tóm nhà đất công sản và vi phạm quản lý đất đai bước vào phần thẩm vấn.

Theo đó, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội đã bước đầu xem xét kháng cáo của các bị cáo giữ vai trò đồng phạm bị kết tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Với tội danh bị quy kết tại cấp sơ thẩm, phần lớn các bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt và bổ sung thêm các tình tiết giảm nhẹ như gia đình có công với cách mạng, bản thân có nhiều thành tích trong công tác, phạm tội lần đầu và ít nghiêm trọng…

Cụ thể, bị cáo Lê Anh Tuấn (Chủ tịch Công ty Cung ứng Tàu biển Đà Nẵng) bị cấp sơ thẩm xử phạt 18 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Sau đó, bị cáo này kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt.

Các bị cáo trong vụ án tại phiên tòa phúc thẩm.

Liên quan đến dự án 20 Bạch Đằng, theo lời khai bị cáo Tuấn tại phiên phúc thẩm, năm 2008, doanh nghiệp làm đơn xin chuyển quyền sử dụng đất, không phải mua nhà công sản. Thực tế, bị cáo ký 2 công văn gửi cho UBND TP Đà Nẵng, trong đó có 1 công văn xin chuyển quyền sử dụng đất, xin giảm hệ số sinh lợi, giá đất là do cấp thẩm quyền đưa xuống và khi thấy giá đắt nên doanh nghiệp xin giảm giá.

Theo bản án sơ thẩm, sau khi UBND TP Đà Nẵng đồng ý có chủ trương bán nhà, đất công sản nêu trên, Lê Anh Tuấn đã nộp tiền đặt cọc để mua nhà với số tiền 2 tỉ đồng. Thông qua mối quan hệ quen biết với Lê Anh Tuấn, Phan Văn Anh Vũ biết được Công ty CP Cung ứng Tàu biển Đà Nẵng được UBND thành phố đồng ý bán nhà, đất công sản số 20 Bạch Đằng không qua đấu giá (đối tượng được mua theo Nghị định số 61/CP ngày 5-71994 của Chính phủ).

Phan Văn Anh Vũ đã chỉ đạo bị cáo Nguyễn Quang Thành (em vợ Vũ) gặp Lê Anh Tuấn để thỏa thuận nội dung Công ty CP Cung ứng Tàu biển đứng ra làm các thủ tục mua nhà, đất này, sau đó chuyển nhượng lại cho Vũ. Vũ sẽ hoàn trả số tiền 2 tỉ đồng nộp tiền đặt cọc do doanh nghiệp đã nộp và thanh toán tiền mua nhà theo giá phê duyệt của UBND TP Đà Nẵng.

Về phần mình, sau khi bị Tòa cấp sơ thẩm kết án 18 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc (cựu Giám đốc Công ty công nghệ phẩm Đà Nẵng) đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Lộc bị kết tội vì liên quan đến hành vi ký tờ trình gửi UBND TP Đà Nẵng về việc xin chuyển quyền sử dụng nhà, đất số 37 Pasteur. Khi Phan Văn Anh Vũ biết được chủ trương của UBND TP Đà Nẵng trong việc bán nhà, đất công sản trên cho Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng (đơn vị đang thuê theo Nghị định 61/CP ngày 5.7.1994) nên đã gặp Huỳnh Tấn Lộc để thỏa thuận.

Theo nội dung thỏa thuận được ghi nhận trong bản án sơ thẩm, Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng đứng ra làm các thủ tục để được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt bán nhà, đất số 37 Pasteur, giảm 10% tiền sử dụng đất; giảm hệ số sinh lợi và chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất từ Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng sang cho Phan Văn Anh Vũ.

Toàn bộ số tiền phải nộp mua nhà, đất theo giá phê duyệt của UBND thành phố sẽ do Vũ nộp. Đổi lại Vũ sẽ trả tiền “hoa hồng” cho Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng bằng 1/2 số tiền trong việc được xét giảm 10% tiền sử dụng đất.

Làm rõ hơn chi tiết này, bị cáo Lộc khai nhận ông Nguyễn Bá Thanh (khi đó là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) có điện thoại bảo bán đất cho Vũ. Lúc sau, bị cáo Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) có điện thoại và nói ý kiến đó là của Bí thư Nguyễn Bá Thanh. “Do cấp trên điện thoại, bị cáo mới quen biết Vũ nhưng không có sự hứa hẹn nào giữa 2 người” – bị cáo trình bày.

Trả lời thẩm vấn HĐXX, bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn (cựu Giám đốc Sở Xây dựng) cho biết giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Quá trình trả lời thẩm vấn, bị cáo Tuấn đề nghị HĐXX xem xét lại phần thiệt hại mà bản án sơ thẩm cho rằng là thiệt hại.

Cựu Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng khẳng định bản thân và những bị cáo ở đây không ai tư lợi cá nhân, tất cả vì sự phát triển của Đà Nẵng. “Tiền mà chúng tôi bán các bất động sản được đầu tư vào xây dựng thành phố ngay lập tức. Lúc đó Đà Nẵng mới thành lập, chưa có kinh phí để phát triển” – bị cáo Tuấn phân trần.

Quá trình trả lời thẩm vấn, bị cáo này mong Tòa, Viện vận dụng những tình tiết giảm nhẹ để bị cáo sớm trở lại là công dân tốt, tiếp tục đóng góp cho thành phố. Bị cáo Tuấn cũng cho biết, hiện sức khỏe không tốt, bị mắc bệnh tim và một số bệnh khác, đang phải tạm trú tại Hà Nội để trị bệnh.

Tương tự, bị cáo Đào Tấn Bằng (cựu Phó Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng) cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Bằng khẳng định không tham mưu đề xuất việc giao đất và trong quá trình làm, bản thân thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.

Trình bày trước tòa, bị cáo Bằng xin HĐXX cho được cải tạo tại địa phương vì có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa được cấp sơ thẩm xem xét. Đó là phạm tội lần đầu, phạm tội ít nghiêm trọng, quá tình công tác qua nhiều chức vụ có đóng góp cho địa phương, gia đình có công với cách mạng…

Đến lượt mình, bị cáo Trần Văn Toán (cựu Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường) trình bày bản thân kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo. Căn cứ xin giảm nhẹ mà bị cáo này đưa ra là quá trình công tác được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Và hiện tại, sức khỏe của ông ta không tốt…