Phúc thẩm vụ án "siêu lừa" Huyền Như: Luật sư tiếp tục tranh luận

ANTD.VN - Sáng 29-5, phiên xét xử phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như – cựu Quyền Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ (Vietinbank TP HCM) và đồng phạm, xoay quanh hành vi lừa đảo 5 doanh nghiệp hơn 1.085 tỉ đồng tiếp diễn phần tranh luận.

Bị cáo Như không là đại diện của ngân hàng

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), luật sư Trương Thị Hòa nói: “Qua phần thẩm vấn, tranh luận và hồ sơ vụ án cho thấy, các công ty yêu cầu Vietinbank phải bồi thường thiệt hại. Và hiện nay có 4 công ty kháng cáo”.

Tập trung tranh luận đối với kháng cáo, quan điểm của Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, nữ luật sư này khẳng định, Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu) yêu cầu Vietinbank phải chịu trách nhiệm liên đới với các bị cáo bồi thường cho doanh nghiệp này với tổng số tiền 149,8 tỷ đồng là không có cơ sở.

Theo luật sư Hòa, các căn cứ pháp lý mà Công ty Toàn Cầu viện dẫn tại đơn kháng cáo là không thể chấp nhận vì không phù hợp với sự thật cũng như các tình tiết khách quan của vụ án. Bởi Điều 87 - Bộ luật Dân sự đã quy định rất rõ về quyền dân sự của pháp nhân.

Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tại phiên tòa phúc thẩm. 

Cụ thể, Huỳnh Thị Huyền Như không phải là người đại diện theo pháp luật và cũng không phải là người đại diện theo uỷ quyền của Vietinbank. Do đó, việc Công ty Toàn Cầu yêu cầu Vietinbank phải liên đới bồi thường thiệt hại là không có cơ sở.

Chứng minh cho quan điểm của mình, luật sư Hòa phân tích, Bộ luật Dân sự đã quy định rõ, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra khi nhận nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên ở vụ án này, rõ ràng là Vietinbank không chỉ đạo bị cáo Như thực hiện huy động lãi suất vượt trần.

Trong khi ấy, bị cáo Như lại thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đó là hành vi bất hợp pháp. Vì thế Vietinbank không thể phải chịu trách nhiệm về hành vi trái pháp luật mà bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như gây ra với tư cách cá nhân.

Về hành vi trái pháp luật mang tư cách cá nhân, luật sư Hòa chỉ rõ, hồ sơ vụ án cho thấy Công ty Toàn Cầu bị mất tiền là một chuỗi hành vi gian dối của bị cáo Như. “Tội lừa đảo là tội có ý thức, có sự cố ý và chuẩn bị, thủ đoạn tinh vi và trải qua nhiều giai đoạn. Ý thức lừa đảo của Như đã rất rõ ràng. Không có một nội dung nào trong hồ sơ vụ án thể hiện Như có thức chiếm đoạt tiền của Vietinbank” – nữ luật sư khẳng định.

Theo luật sư Hòa, chuỗi hành vi gian dối của bị cáo Như bắt đầu từ cuộc gặp gỡ tại quán café Highlands. Để chiếm đoạt được tiền, bị cáo Như đã có được từ sự cả tin của Công ty Toàn Cầu và đó là lỗi của doanh nghiệp trong việc quản lý tiền bạc.

Hồ sơ vụ án và lời khai của Huyền Như cho thấy, bị cáo này đã dùng nhiều thủ đoạn gian dối, bẫy lãi suất, con dấu giả, chữ ký giả... Trước sự giả mạo tài liệu như vậy, nếu người tham gia giao dịch quan tâm thì sẽ không bị lừa đảo. “Chính Công ty Toàn Cầu đã bỏ qua các quy định của pháp luật để tránh lừa đảo” – luật sư Trương Thị Hòa đánh giá.

Án sơ thẩm đã có hiệu lừa về tội danh

Là một trong các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Vietinbank, luật sư Trương Xuân Tám cũng khẳng định: “Tham dự phiên tòa, lắng nghe ý kiến Viện kiểm sát, luật sư đồng nghiệp, tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Luật sư Hòa”.

Luật sư Nguyễn Thị Bắc phát biểu tranh luận tại phiên tòa.

Tập trung tranh luận trước các yêu cầu của Công ty Chứng khoán Phương Đông (Công ty Phương Đông), luật sư Tám nêu quan điểm, nội dung kháng cáo của nguyên đơn dân sự này có phần không phù hợp. Bởi Công ty Phương Đông là nguyên đơn dân sự trong vụ án. Trong khi đó, pháp luật quy định nguyên đơn dân sự chỉ được kháng cáo về trách nhiệm bồi thường thiệt hại chứ không được kháng cáo về tội danh và hình phạt.

“Theo Điều 345 - Bộ luật Tố tụng Hình sự thì Bản án số 56 ngày 9-2-2018, cho đến nay về phần tội danh, bị cáo Như kháng cáo và không bị kháng nghị. Như vậy là về mặt tội danh, tội phạm đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, việc Công ty Phương Đông vẫn lặp lại yêu cầu xem xét tội danh của bị cáo Như là không có căn cứ, trái pháp luật” – luật sư Tám phân tích.

Nhìn nhận về vụ án, luật sư Tám cho rằng, Tòa án TP HCM đã điều tra 3 lần, làm rõ được ý thức chủ quan của bị cáo Như và những người liên quan. Đây là vụ án hình sự, không phải vụ án dân sự. Về hành vi lừa đảo của Như với Công ty Phương Đông có 8 dấu hiệu.

“Ý đồ lừa đảo của Như đã thể hiện rất rõ ngay từ đầu nhưng đại diện Công ty Phương Đông lại nói rằng không hề biết Lê Thị Thanh Phương là ai. Trong hồ sơ vụ án, ai cũng biết Thanh Phương là Giám đốc Khối Nguồn vốn của TpBank, là người trực tiếp soạn hợp đồng. Như cũng khai huy động vốn để phục vụ mục đích trả nợ. Lãi ngoài này còn thấp hơn lãi vay xã hội đen” – luật sư Tám viện dẫn.

Là một trong bốn luật sư tham gia tranh luận để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Vietinbank, luật sư Nguyễn Thị Bắc nêu quan điểm, bản án hình sự sơ thẩm của TAND TP HCM nhận định, Huỳnh Thị Huyền Như đã thực hiện các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt trót lọt 1.085 tỷ của 5 công ty. Từ đó đã tuyên bố bị cáo Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Về dân sự, cấp sơ thẩm cũng tuyên buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt.

Theo luật sư Bắc, tội danh mà cấp tòa sơ thẩm đã tuyên đối với Huỳnh Thị Huyền Như không bị kháng nghị và bị cáo không kháng cáo. Do đó, căn cứ vào Điều 343 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì phần về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Như đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Phân tích về tính toàn diện, khách quan của vụ án, luật sư Bắc cho rằng đây là vụ án hình sự, trong đó có nội dung về dân sự phát sinh kèm theo chứ không phải vụ án dân sự thuần túy. Do vậy, giữa nội dung về hình sự và nội dung về dân sự có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, nội dung về hình sự là cơ sở của nội dung về dân sự.

Trên cơ sở đó mà cấp tòa sơ đã tuyên Huỳnh Thị Huyền Như phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho 5 công ty, trong đó có 4 công ty có kháng cáo. “Quyết định về bồi thường thiệt hại này là hoàn toàn đúng vì dựa trên tội danh đối với Huỳnh Thị Huyền Như” – luật sư Nguyễn Thị Bắc khẳng định.