Phúc thẩm vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm gây thất thoát 800 tỷ đồng

ANTD.VN - Ngày 19-6, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã khai mở phiên tòa phúc thẩm vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm, xoay quanh hành vi gây thất thoát 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).

Theo đó, phiên tòa phúc thẩm được mở theo đơn kháng cáo của 7/7 bị cáo trong vụ án. Đó là bị cáo Đinh La Thăng (SN 1960) – nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN); Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) -  nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN; Vũ Khánh Trường (SN 1954) -  nguyên thành viên HĐTV PVN.

Tiếp đến là Nguyễn Thanh Liêm (SN 1955) - nguyên thành viên HĐTV PVN; Phan Đình Đức (SN 1960) - thành viên HĐTV PVN; Ninh Văn Quỳnh (SN 1958) - nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN và bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (SN 1955) - nguyên Thành viên HĐTV PVN.

Trước đó, tại phiên tòa cuối tháng 3 - 2018, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cùng tội danh, Ninh Văn Quỳnh bị tuyên phạt 7 năm tù và 16 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp cả 2 tội danh, Ninh Văn Quỳnh phải chấp hành mức án chung là 23 năm tù.

Bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án.

Giữ  vai trò giúp sức cho nguyên Chủ tịch PVN, bị cáo Vũ Khánh Trường bị tuyên phạt 5 năm tù; bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên phạt 30 tháng tù; bị cáo Nguyễn Xuân Thắng bị áp dụng 22 tháng tù; bị cáo Nguyễn Thanh Liêm bị tuyên phạt 20 tháng cải tạo không giam giữ và bị cáo Phan Đình Đức bị tuyên phạt 15 tháng cải tạo không giam giữ.

Bên cạnh các hình phạt nêu trên, HĐXX sơ thẩm còn tuyên buộc bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng. Các bị cáo còn lại lần lượt phải bồi thường từ 15 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Sau bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, tất cả các bị cáo đều lần lượt có đơn kháng cáo. Cụ thể, bị cáo Đinh La Thăng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Nguyên Chủ tịch PVN cho rằng bản án sơ thẩm đã không xem xét đến bối cảnh PVN quyết định đầu tư vào Oceanbank chỉ là phương án giải quyết hệ lụy của việc không được thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt.

Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng bản thân đã rời khỏi PVN từ đầu tháng 8-2011 để nhận trách nhiệm mới nên bị cáo không thể chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra đối với PVN ở thời gian sau đó.

Đối với các đồng phạm trong vụ án của nguyên Chủ tịch PVN, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn mong tòa cấp phúc thẩm xem xét về mặt nhận thức chủ quan, về nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh thực hiện hành vi góp 100 tỷ đồng (trong tổng số 800 tỷ đồng) vào Oceanbank. 

Từ đó, Nguyễn Xuân Sơn mong tòa phúc thẩm cho bị cáo được miễn trách nhiệm dân sự là bồi thường 15 tỷ đồng như quyết định của bản án sơ thẩm. Bên cạnh đó, Nguyễn Xuân Sơn còn đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét chấp nhận lời khai của bị cáo, buộc Ninh Văn Quỳnh phải chịu trách nhiệm về số tiền 180 tỷ đồng mà bị cáo này đã chuyển cựu Kế toán trưởng PVN để chăm sóc khách hàng, chứ không phải 20 tỷ đồng cho cá nhân bị cáo Quỳnh.

Các bị cáo còn lại thì có đơn kháng cáo đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét lại hành vi phạm tội của bản thân là chỉ giữ vai trò mờ nhạt, đồng thời xin giảm nhẹ hình phạt và xin không phải bồi thường về dân sự…

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm cơ bản vẫn giữ nguyên các nội dung kháng cáo như đơn gửi tòa phúc thẩm trước đó. Riêng bị cáo Nguyễn Xuân Sơn xin rút toàn bộ kháng cáo, chấp nhận hình phạt 30 tháng tù cũng như phán quyết liên quan của tòa sơ thẩm.

Tuy nhiên, nguyên Phó tổng giám đốc PVN đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét để xác định Nguyễn Xuân Sơn là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới vụ án. Lý do là trong quá trình giải quyết vụ án này, bị cáo Sơn luôn có lời khai đã đưa cho Ninh Văn Quỳnh (với tư cách người của PVN) số tiền đặc biệt lớn nhằm mục đích chăm sóc khách hàng.     

Trong khi đó, HĐXX phúc thẩm gồm 3 thành viên là Thẩm phán Nguyễn Vinh Quang (chủ tọa phiên tòa), Bùi Xuân Trọng và Nguyễn Phương Hạnh. Đại diện VKS thực hành quyền công tố tại phiên xử là Kiểm sát viên Lê Quang Minh và Phạm Ngọc Vỹ. Những người tiến hành tố tụng này sẽ lần lượt xem xét lại hành vi phạm tội của nguyên Chủ tịch PVN và đồng phạm.

Phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm còn có 14 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án này. Trong số đó, chỉ riêng nguyên Chủ tịch PVP đã có 4 luật sư bào chữa.

Tại phần thủ tục phiên xử, một số luật sư đề nghị HĐXX triệu tập thêm đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Công Thương và đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hải Dương. Ngoài ra, một số luật sư khác cũng đề nghị HĐXX về vấn đề chứng cứ, tài liệu mới và sức khỏe của bị cáo Nguyễn Thanh Liêm.

Sau khi hội ý, TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định tiếp tục xét xử vụ án. Đối với các ý kiến, vấn đề mà bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đề nghị cùng các luật sư nêu ra tại phiên tòa, HĐXX sẽ xem xét và quyết định trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm.    

Cũng tại phiên tòa, nhằm làm rõ hành vi cố ý làm trái quy định Nhà nước khi dùng 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Oceanbank của bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm, HĐXX phúc thẩm cũng đã triệu tập bị án Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương tới phiên tòa với tư cách nhân chứng.