Phúc thẩm vụ án Đinh La Thăng: Dùng tiền tạm ứng để trả nợ ngân hàng

ANTD.VN - Chiều 7-5, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và đồng phạm, xoay quanh hành  vi cố ý làm trái trong triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tiếp tục phần thẩm vấn.

Là bị cáo đầu tiên bị thẩm vấn, bị cáo Vũ Đức Thuận - cựu TGĐ Công ty CP Xây lắp Dầu khí (PVC) trình bày là giữ nguyên các nội dung kháng cáo khi xin giảm nhẹ hình phạt đối với cả 2 tội danh là “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản”, đồng thời cũng xin được giảm trách nhiệm dân sự.

Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm hồi đầu tháng 1-2018, cựu TGĐ PVC Vũ Đức Thuận bị áp dụng tổng mức án 22 năm tù đối với 2 tội danh bị quy kết… Trước HĐXX phúc thẩm, bị cáo này nói: “Sau khi bị cáo nhận được bản án sơ thẩm về hai tội, bị cáo thấy tòa tuyên như vậy rất nặng, rất nghiêm khắc cả về hình sự lẫn trách nhiệm dân sự”.

Trả lời về từng hành vi theo tội danh, Vũ Đức Thuận thừa nhận bị cáo là người ký Hợp đồng số 33 với PV Power để trở thành tổng thầu trong triển khai thi công Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và sau đó sử dụng sai mục đích số tiền 119 tỉ đồng. Theo cựu TGĐ PVC, bị cáo biết hợp đồng đó không đủ căn cứ pháp lý nhưng vẫn ký.

Bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm tại phiên tòa phúc thẩm.

Cụ thể là hợp đồng không có điều 14, không có phụ lục, không có thiết kế kỹ thuật, hồ sơ yêu cầu và hồ sơ đề xuất. Giải thích lý do biết chưa đủ điều kiện nhưng vẫn ký Hợp đồng số 33, bị cáo Thuận nại ra là ký hợp đồng đó để tạo công ăn việc làm cho cán bộ PVC (hơn 1.000 cán bộ), giúp người lao động có việc làm trong mấy năm trời.

“Ký hợp đồng sẽ được tạm ứng và dùng tạm ứng đó để trả nợ ngân hàng” – bị cáo Thuận xác nhận và cho biết tổng dự toán hợp đồng tạm tính là 1,2 tỉ USD (do hồ sơ chưa đầy đủ nên chưa có đủ cơ sở tính toán chính xác dự toán). Trước khi ký có lấy ý kiến của HĐQT và các thành viên HĐQT đồng ý ký hợp đồng.

Nói về tình hình sản xuất của doanh nghiệp, bị cáo Thuận cho biết khi đó tài chính tương đối khó khăn, PVC đang nợ ngân hàng khoảng 800 tỉ đồng và đã đến hạn phải thanh toán, trả nợ. Vì khi đó, theo nghị quyết HĐQT, PVC phải góp vốn vào các đơn vị thành viên và chuyển tiền cho một số công trình đang thi công.

Tiếp tục phải trả lời câu hỏi của tòa án, bị cáo Thuận xác nhận thời điểm vụ án xảy ra, vốn đầu tư của PVC vượt vốn điều lệ hàng nghìn tỉ đồng; PVN là cổ đông sáng lập PVC; người đại diện của PVN tại PVC là Trịnh Xuân Thanh và việc tạm ứng tiền triển khai dự án là sai.

Giải thích về lý do xin giảm nhẹ hình phạt, cựu TGĐ PVC trình bày, bị cáo là TGĐ, đại diện cho pháp nhân. Khi đó, bị cáo được HĐQT giao ký hợp đồng, nhận tiền tạm ứng để trả nợ ngân hàng và góp vốn vào các công ty thành viên. Bản thân bị cáo “không được hưởng lợi gì”.

Bị đại diện VKS truy hỏi về lý do xin giảm nhẹ, Vũ Đức Thuận nói chỉ đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại, xin xem xét giảm nhẹ đáng kể hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm được trở về với gia đình và xã hội, trở thành người có ích. “Giờ bị cáo đã 50 tuổi, chấp hành xong bản án 22 năm tù, khi về bị cáo cũng hơn 70 tuổi rồi” – cựu TGĐ PVC khẩn khoản.

Đến lượt được trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Ngọc Quý (cựu Phó Chủ tịch PVC) cũng xin tòa xem xét giảm hình phạt vì năng lực tài chính, quản lý hạn chế và thời điểm đó đã xin nghỉ nhưng không được chấp nhận. Theo bị cáo Quý, cả quá trình làm việc bị cáo không tham nhũng mà chỉ là người làm công hưởng lương thôi và chỉ “vô tình” ký vào những văn bản được Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo.

Bị VKS hỏi chi tiết, bị cáo Quý cho biết khi được nhận tiền tạm ứng thì chỉ biết là PVN chỉ định thầu đối với PVC nên rất phấn khởi. Hậu quả sau này bị cáo mới biết và khi được ký hợp đồng chỉ nghĩ sẽ làm ăn có lãi.

Mong muốn được giảm tội, cựu Phó Chủ tịch PVC trần tình, bị cáo chỉ cố gắng hoàn thành chức trách được giao. Mỗi văn bản bị cáo ký đều được sự nhất trí của 100% thành viên HĐQT và phải có sự chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh thì bị cáo mới ký. “Bị cáo về hưu 4 năm, khi làm việc với cơ quan điều tra, được phân tích bị cáo mới biết là sai” – bị cáo Nguyễn Ngọc Quý phân bua.

Dù vậy, bị cáo Quý cho rằng bản thân không phạm vào tội “Cố ý làm trái…” mà phạm vào một tội khác. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bị cáo này cũng mong HĐXX xem xét vì không có khả năng để bồi thường... “Bị cáo xin được bán ngôi nhà đang ở, cho vợ con ra ngoài để khắc phục một phần hậu quả” – cựu Phó Chủ tịch PVC nói.

Tương tự, bị cáo tiếp theo trả lời tại tòa là Nguyễn Mạnh Tiến (cựu Phó TGĐ PVC) cũng xin được giảm nhẹ mọi trách nhiệm. Bị cáo Tiến cho biết đã nhắn về gia đình và vợ bị cáo đã nộp 100 triệu đồng và hơn 100 triệu đồng tiền án phí. Trong vụ án này, vai trò của bị cáo rất hạn chế.

Một số bị cáo bị thẩm vấn tiếp theo cũng lần lượt đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét và giảm nhẹ trách nhiệm cả hình sự lẫn dân sự. Lý do các bị cáo này đưa ra là vai trò phạm tội mở nhạt, không nắm được nội dung Hợp đồng số 33 và đã tích cực khắc phục hậu quả.