Phòng ngừa từ xa tội phạm kinh tế có yếu tố nước ngoài

(ANTĐ) - Theo Văn phòng Interpol Việt Nam, trong những năm gần đây, tội phạm kinh tế có yếu tố nước ngoài có nhiều diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất, phương thức hoạt động… gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và tài sản công dân, tạo tâm lý bất ổn cho các nhà đầu tư.

Phòng ngừa từ xa tội phạm kinh tế có yếu tố nước ngoài

(ANTĐ) - Theo Văn phòng Interpol Việt Nam, trong những năm gần đây, tội phạm kinh tế có yếu tố nước ngoài có nhiều diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất, phương thức hoạt động… gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và tài sản công dân, tạo tâm lý bất ổn cho các nhà đầu tư.

Xét hỏi một đối tượng là người nước ngoài vào Việt Nam phạm tội
Xét hỏi một đối tượng là người nước ngoài vào Việt Nam phạm tội

Trong 5 năm qua, công an các đơn vị, địa phương đã khởi tố điều tra gần 200 vụ án về tội phạm kinh tế liên quan đến hơn 320 đối tượng (chiếm 22% tổng số vụ), trong đó nổi lên là các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (chiếm 12% tổng số vụ), đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt thuế VAT, hoạt động tàng trữ lưu hành tiền giả, kể cả ngoại tệ giả.

Qua khảo sát cho thấy, trong những năm gần đây có nhiều công ty nước ngoài đăng ký kinh doanh tại Việt Nam đặc biệt tại các tỉnh thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM… nhưng thực tế không thực hiện theo chức năng đã đăng ký kinh doanh mà có nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật, đặc biệt là lừa đảo đầu tư trực tiếp và trong thực hiện hợp đồng kinh tế, thậm chí trong cả đầu tư lĩnh vực giáo dục. Thủ đoạn của bọn tội phạm này thành lập công ty “bình phong” sau đó thông qua các công ty môi giới để ký hợp đồng cung cấp hàng hóa cho các công ty của Việt Nam.

Sau một vài hợp đồng nhỏ thực hiện tốt để lấy lòng tin của đối tác Việt Nam, các công ty nước ngoài thường đề nghị thực hiện những hợp đồng kinh tế lớn (có giá trị hàng triệu USD), sau đó thực hiện hành vi lừa đảo như nhận tiền nhưng không giao hàng hoặc giao hàng không đúng chủng loại, không đảm bảo chất lượng như trong hợp đồng… Cũng xuất hiện một số vụ việc các đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân bằng thủ đoạn sử dụng USD giả nhuộm màu đen sau đó lừa những người tham lam bằng cách gạ họ đưa tiền mặt để mua bán những chất tẩy những tờ USD nhuộm đen thành USD thật.

Bên cạnh những nhà đầu tư nước ngoài làm ăn có hiệu quả, đã xuất hiện một số tổ chức doanh nghiệp, cá nhân người nước ngoài đầu tư chui trong các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, dịch vụ giải trí để rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng danh nghĩa các tổ chức, tập đoàn tài chính quốc tế để hứa hẹn, ký kết trong việc đầu tư, tư vấn thiết kế với một số dự án lớn với các doanh nghiệp nhưng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt vốn đầu tư hoặc dây dưa, không thực hiện nghĩa vụ thuế. Đã xảy ra một số trường hợp tội phạm lợi dụng chính sách mở cửa của nước ta để buôn lậu bằng cách thẩm lậu nguyên liệu gia công, thành phẩm không qua thuế ngay tại các khu chế xuất trong nước.

Một số tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoặc Việt kiều tham gia vào đường dây hoạt động vận chuyển, mua bán tiền giả, hàng giả… từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại. Bên cạnh đó, qua nắm tình hình cho thấy đã có dấu hiệu các đối tượng tiếp cận một số cán bộ trong cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc thẩm định dự án, phối hợp thực hiện các dự án liên doanh đầu tư với nước ngoài để mua bán, chuyển nhượng định giá đất đai, nhà xưởng… sai gây thất thoát tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến tiến độ của nhiều dự án trọng điểm.

Đặc biệt, trong những năm qua, nổi lên tình trạng một số công ty trong nước cấu kết với các công ty nước ngoài để thực hiện hoạt động mua bán tài chính, lập hợp đồng giả, chứng từ giả để lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT… Trong nhiều vụ án, các đối tượng đã câu kết với nhau để lập các hợp đồng giả với các công ty “ma”, không có thật để rút tiền của Nhà nước. Đặc biệt gần đây thủ đoạn này tiếp tục được sử dụng để thực hiện các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế tiêu thụ đặc biệt từ ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, tại các tỉnh giáp biên, hoạt động buôn lậu thuốc lá, xăng dầu, gian lận thương mại tiếp tục xảy ra vô cùng phức tạp, có vụ rất nghiêm trọng.

Tội phạm lợi dụng công nghệ cao có xu hướng phát triển và ngày càng gây hậu quả nghiêm trọng. Một số tội phạm như trộm cắp cước viễn thông quốc tế, làm giả thẻ tín dụng để rút tiền trong tài khoản cá nhân, đột nhập vào các trang web thương mại điện tử để phá hoại hoặc lấy cắp thông tin khách hàng… Phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội rất tinh vi và luôn có sự cấu kết giữa đối tượng trong nước với đối tượng nước ngoài.

Trong những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng dưới hình thức kêu gọi vốn đầu tư hoặc lừa đảo phí trả trước. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội rất tinh vi và nhằm chủ yếu vào các đối tượng là những người hạn chế hiểu biết về khoa học kỹ thuật để kêu gọi đầu tư hoặc đề nghị trả phí trước sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đã xuất hiện nhiều đối tượng, đường dây tổ chức mại dâm qua Internet, tổ chức cá độ bóng đá xuyên quốc gia qua giao dịch mạng.

Từ thực trạng đó cho thấy các lực lượng nghiệp vụ phải nắm chắc mọi diễn biến của tình hình, các thủ đoạn của tội phạm để có kế hoạch, biện pháp phòng ngừa từ xa và đấu tranh có hiệu quả. Việc xử lý với các tội phạm này cũng cần kịp thời, nghiêm minh để không chỉ có tính răn đe mà còn góp phần tạo sự ổn định cho sự phát triển của các thành phần kinh tế.

Hoàng Đoàn