Phòng ngừa tội phạm tháng “củ mật”

(ANTĐ) - Thống kê của CATP Hà Nội cho thấy, trong năm 2008, toàn thành phố xảy ra 3.453 vụ trộm cắp tài sản, giảm 407 vụ (10,5%) so với năm 2007. Tuy tình hình trộm cắp tài sản trên địa bàn thành phố đã có chiều hướng giảm, song phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi. Nếu người dân không nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản, chủ quan, mất cảnh giác, sẽ bị kẻ gian lợi dụng sơ hở gây án, nhất là thời điểm tháng “củ mật”…

Phòng ngừa tội phạm tháng “củ mật”

(ANTĐ) - Thống kê của CATP Hà Nội cho thấy, trong năm 2008, toàn thành phố xảy ra 3.453 vụ trộm cắp tài sản, giảm 407 vụ (10,5%) so với năm 2007. Tuy tình hình trộm cắp tài sản trên địa bàn thành phố đã có chiều hướng giảm, song phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi. Nếu người dân không nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản, chủ quan, mất cảnh giác, sẽ bị kẻ gian lợi dụng sơ hở gây án, nhất là thời điểm tháng “củ mật”…

Tang vật và công cụ phá khóa của tội phạm trộm đêm bị CAQ Hoàn Kiếm khám phá
Tang vật và công cụ phá khóa của tội phạm trộm đêm bị CAQ Hoàn Kiếm khám phá

Sử dụng xe taxi đi gây án

Theo các điều tra viên vào những tháng mùa đông, các hộ gia đình thường đóng cửa kín, then cài để tránh giá rét nên bọn tội phạm khó có thể đột nhập theo lối cửa tum, cửa mở ra ban công, hành lang… Tuy nhiên, cũng trong những ngày đông giá, đêm ngủ say trong “chăn ấm, nệm êm” mà nhiều người đã sơ hở, mất cảnh giác, nhất là các hộ gia đình có nhà tầng.

Thường, chủ nhà ngủ trên gác, để tài sản (chủ yếu là xe máy) ở tầng 1. Tuy nhà có khóa trong nhưng kẻ gian vẫn có thể sử dụng kìm cộng lực, mỏ lết bẻ gẫy tai khóa (cửa sắt xếp), hoặc dùng xà beng cạy phá cửa cuốn khung nhôm, cửa gỗ để vào nhà lấy cắp tài sản. Một số vụ mất trộm tài sản trong cơ quan, cơ sở kinh doanh, kẻ gian lợi dụng đêm khuya, không có người trông coi, hoặc bảo vệ cơ quan ngủ say đã dùng đèn khò cắt khóa cửa, phá két sắt để lấy trộm tài sản.

Điển hình như vụ mất trộm tài sản xảy ra vào ban đêm tại một trường THCS ở quận Hoàn Kiếm, mặc dù đã khóa cổng trường nhưng bảo vệ ngủ say, lợi dụng sơ hở này, kẻ gian đã vào bên trong, dùng đèn khò cắt đứt khuy khóa cửa bằng sắt bên ngoài phòng tài vụ. Sau khi vào bên trong, kẻ gian tiếp tục dùng đèn khò đốt cháy khóa két sắt, cắt cánh cửa sắt bên trong và lấy trên 200 triệu đồng tiền học phí của học sinh, tiền xây dựng trường…

Một thủ đoạn mới của bọn tội phạm trộm đêm đã được CAP Trần Hưng Đạo phối hợp với Đội CSĐT tội phạm về TTXH - CAQ Hoàn Kiếm điều tra, làm rõ, bắt giữ 3 đối tượng trong ổ nhóm trộm đêm chuyên sử dụng xe taxi chở nhau đi gây án.

Bọn tội phạm khai nhận sau khi “tăm tia” địa điểm gây án, lợi dụng ban đêm, trời có mưa to, nhà dân hoặc cửa hàng không có người trông coi, chỉ có khóa cửa bên ngoài, hoặc chủ nhà ngủ trên gác… bọn chúng sử dụng các công cụ phá khóa cửa hoặc dùng chìa khóa tự tạo mở khóa, đột nhập trộm cắp tài sản.

Bọn chúng phân công đồng bọn “đóng vai” lái xe taxi chờ khách để canh gác bên ngoài. Nếu phát hiện có lực lượng công an tuần tra, tên canh gác báo cho đồng bọn bên trong ngừng hoạt động; còn người dân qua đường cũng cho rằng đó là lái xe taxi chờ khách mà không chút nghi ngờ…

Bằng thủ đoạn trên, bọn tội phạm đã gây ra 5 vụ trộm cắp tài sản nhà dân và 6 vụ trộm cắp xe máy trên địa bàn các quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình; trong đó có vụ trộm tài sản xảy ra ở phố Hàng Chiếu vào lúc 2h, sau khi phá khóa cửa, bọn chúng đã bê két sắt bên trong có 90 triệu đồng cùng một số đồ trang sức và tài sản lên xe ôtô.

CAQ Hoàn Kiếm đấu tranh với tội phạm trộm cắp tài sản
CAQ Hoàn Kiếm đấu tranh với tội phạm trộm cắp tài sản

Phương thức mới của tội phạm trộm cắp xe máy

Mới đây, Đội CSĐT tội phạm về TTXH CAQ Hoàng Mai đã khám phá ổ nhóm chuyên trộm cắp, tiêu thụ các loại xe máy tay ga đắt tiền như SH, PS, Spacy… Liên quan đến ổ nhóm trên, CAQ Hoàn Kiếm cũng đã phát hiện, bắt giữ một đối tượng trong nhóm tội phạm này. Theo tài liệu cơ quan công an thu thập, đây là ổ nhóm tội phạm hoạt động liên tỉnh, cấu kết với nhau hình thành một đường dây trộm cắp, tiêu thụ xe gian khép kín bằng thủ đoạn rất tinh vi.

Khi gây án, bọn tội phạm thường ăn mặc rất lịch sự, đèo nhau bằng xe máy đắt tiền như SH, PS; hoặc đi ôtô lượn quanh các đường phố để “ngụy trang”. Khi phát hiện xe máy trên vỉa hè không có người trông coi, không có khóa bảo hiểm chống mất cắp, bọn tội phạm sử dụng vam phá khóa, lấy cắp xe và phóng thẳng ra tỉnh ngoài, đục phá số máy, số khung, dùng giấy tờ giả để tiêu thụ…

Biện pháp phòng ngừa

Tháng “củ mật” là thời điểm bọn tội phạm tăng cường hoạt động, lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người dân để trộm cắp tài sản. Bên cạnh công tác tuần tra, canh gác của cơ quan công an, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống tội phạm, thực hiện các biện pháp phòng ngừa; nhất là đối với các hộ gia đình có tài sản giá trị, các cửa hàng kinh doanh nên lắp đặt hệ thống báo động hoặc camera giám sát quanh khu nhà.

Khóa cửa phải chắc chắn, khóa từ bên trong; không nên sử dụng khóa treo móc vào tai khóa bên ngoài bởi đối tượng có thể dễ dàng dùng kìm bẻ gẫy tai khóa.

Nếu tài sản lớn, phải có két sắt bảo vệ và để ở nơi kín đáo. Cần lưu ý những mối quan hệ của người thân trong gia đình, đề phòng trường hợp đối tượng xấu lợi dụng quen biết để trộm cắp tài sản. Thực hiện nghiêm túc việc khai báo tạm trú khi có khách hoặc người nhà tạm trú qua đêm.

Đối với tài sản xe máy luôn là “mục tiêu” tấn công của tội phạm trộm cắp, chủ xe máy phải tuân thủ những biện pháp khuyến cáo mà cơ quan công an đã phổ biến. Xe phải có khóa cổ, khóa càng, khóa chíp điện tử và phải sử dụng khi dựng xe ở vỉa hè, nơi công cộng, nhưng vẫn phải lưu ý trông coi, không nên “phó mặc” cho khóa bảo hiểm…

Trung Hiếu