Phiếu nhận tiền ký khống và hành vi chiếm đoạt tiền xây trụ sở cơ quan

ANTD.VN - Hoàng Đình Q (SN 1972) là Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện, được ủy quyền làm chủ đầu tư ký hợp đồng sửa chữa trụ sở cơ quan với ông Nguyễn Thành N (SN 1975) là Giám đốc Công ty TNHH xây dựng với trị giá 520 triệu đồng...

Công ty của ông N đã tiến hành thi công sửa chữa trụ sở Chi cục thuế và hoàn thành hợp đồng trước 15 ngày. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông N đã làm giấy xin tạm ứng tiền của Chi cục thuế huyện tất cả 4 lần với tổng số tiền là 520 triệu đồng và đã được cho tạm ứng 3 lần với số tiền là 400 triệu đồng. Lần cuối, ông N đề nghị được thanh toán nốt số tiền 120 triệu đồng. Trước đó, Hoàng Đình Q đã gọi ông N lên phòng làm việc và bảo ông viết giấy biên nhận, ký vào phiếu chi với số tiền là 120 triệu đồng thì sẽ nhận được số tiền trên. Sau khi có giấy biên nhận kèm chữ ký của ông N, thủ quỹ và kế toán của Chi cục thuế huyện đã lên phòng làm việc giao số tiền này cho Hoàng Đình Q. Tuy nhiên, Q đã không thanh toán số tiền trên cho ông N. Sau đó ông N đã nhiều lần đòi tiền, nhưng đều được Q trả lời là đã thanh toán đủ 120 triệu đồng. Trước tình hình này, ông N đành tố cáo sự việc với cơ quan pháp luật. Qua điều tra xác định Hoàng Đình Q thừa nhận do N đã ký khống vào phiếu nhận tiền nên Q đã nảy sinh ý định chiếm đoạt 120 triệu đồng. 

Vấn đề đặt ra trong vụ việc này là Hoàng Đình Q đã phạm tội gì?

Phiếu nhận tiền ký khống và hành vi chiếm đoạt tiền xây trụ sở cơ quan ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”

Chủ thể trong tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là chủ thể đặc biệt, đó là những người có chức vụ, quyền hạn. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn lừa dối người khác, chiếm đoạt tài sản của họ là trường hợp người phạm tội thể hiện những nội dung không đúng sự thật với người khác nhưng vì tin vào người có chức vụ, quyền hạn mà họ không nhận thức ra được đó là gian dối và để cho người phạm tội chiếm đoạt tài sản. Trong tình huống nêu trên, Hoàng Đình Q đã gọi ông Nguyễn Thành N lên phòng làm việc nói rằng có tiền thanh toán rồi và bảo ông N viết giấy biên nhận, ký vào phiếu chi với số tiền là 120 triệu đồng thì sẽ nhận được đủ tiền. Hành vi trên của Hoàng Đình Q thể hiện nội dung không đúng sự thật với ông N, nhưng vì ông N tin tưởng Q là Chi Cục trưởng Chi cục thuế (người có chức vụ, quyền hạn) nên đã đồng ý ký cũng như viết giấy biên nhận mà không nhận thức được hành vi trên của Q là gian dối. Sau đó, Q đã chiếm đoạt số tiền 120 triệu đồng. Như vậy, theo tôi Hoàng Đình Q đã phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015.

Phan Hoàng Anh (Lục Ngạn - Bắc Giang)

Phạm tội “Tham ô tài sản” 

Theo tôi trong vụ việc này Hoàng Đình Q đã phạm tội tham ô tài sản. Tham ô tài sản được hiểu là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trong những trường hợp luật định. Dấu hiệu của tội phạm này như sau: Người phạm tội đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý, tức là chiếm giữ tài sản để sử dụng, định đoạt cho riêng mình, làm mất đi một khối lượng tài sản nhất định của Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức mà người đó quản lý. Chủ thể của tội phạm thuộc chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý tài sản. Trong vụ việc này, Hoàng Đình Q đã có hành vi chiếm đoạt 120 triệu đồng là số tiền mà chính Q có trách nhiệm quản lý (để giao lại cho Nguyễn Thành N). Hành vi của Hoàng Đình Q đã có dấu hiệu của tội tham ô tài sản. Do vậy, theo tôi có đủ cơ sở để cho rằng Hoàng Đình Q đã phạm tội tham ô tài sản theo Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Vũ Quốc Đạt (Bỉm Sơn - Thanh Hoá)

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Theo tôi, trong vụ việc này hành vi Hoàng Đình Q đã có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi hoàn thành hợp đồng sửa chữa trụ sở cơ quan với Chi cục thuế huyện, tôi cho rằng số tiền 120 triệu đồng là tài sản của ông Nguyễn Thành N. Việc Hoàng Đình Q lừa ông N viết giấy biên nhận và ký vào phiếu chi, nhưng sau đó lại không giao cho ông N số tiền 120 triệu đồng như đã thoả thuận là hành vi lừa đảo. Do đó theo tôi cần phải xử lý nghiêm hành vi của Hoàng Đình Q.

Đỗ Thị Thu Trang (Cầu Giấy - Hà Nội)

Bình luận của luật sư

Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tội tham ô tài sản có nhiều dấu hiệu đặc trưng giống nhau vì đều có hành vi chuyển dịch tài sản bất hợp pháp thành tài sản của mình, về chủ thể đều là người có chức vụ, quyền hạn nhất định, nên trong thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử hay bị nhầm lẫn giữa 2 tội danh này. Tuy nhiên, về dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của hai tội này đều có dấu hiệu khác nhau như:

Tội tham ô tài sản dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý và hành vi chiếm đoạt tài sản đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội. Hành vi chiếm đoạt tài sản là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp tài sản từ chủ sở hữu thành tài sản của mình hoặc của người khác mà mình quan tâm. Hành vi chuyển dịch bất hợp pháp tài sản có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Thủ quỹ tự lấy tiền trong két sắt, thủ kho tự lấy tài sản trong kho mang đi bán hoặc như chủ tài khoản lệnh cho thủ quỹ mang tiền cho mình, kế toán lập phiếu thu, phiếu chi, chuyển khoản nhằm chiếm đoạt tiền theo lệnh của người chủ tài khoản.

Đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn đó để chiếm đoạt tài sản của người khác. Bởi vì người phạm tội lạm dụng chức vụ và quyền hạn là hành vi vượt quá quyền hạn của mình, làm trái công vụ để chiếm đoạt tài sản của người khác. Vì vậy, khi xác định một người có lạm dụng chức vụ, quyền hạn hay không, trước hết chúng ta phải căn cứ vào chức vụ của người phạm tội đang giữ và theo pháp luật thì người phạm tội có những chức vụ, quyền hạn như thế nào. Việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của người khác có thể thực hiện dưới nhiều hình thức và bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, chẳng hạn như uy hiếp tinh thần, cưỡng bức, lừa dối hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản…

Như vậy, dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội tham ô tài sản phải là người trực tiếp quản lý tài sản hoặc chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Còn tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm là hành vi vượt quá quyền hạn của mình hoặc làm trái công vụ để chiếm đoạt tài sản. Tài sản ở đây là tài sản của người khác chứ không phải là tài sản do người phạm tội quản lý hoặc trực tiếp do người phạm tội quản lý, về thủ đoạn người phạm tội thường là uy hiếp tinh thần, hoặc lừa dối, cưỡng bức người khác để chiếm đoạt tài sản.

Trở lại nội dung vụ việc, Hoàng Đình Q đã yêu cầu Nguyễn Thành N viết giấy biên nhận và ký vào phiếu chi tiền thì sẽ được thanh toán số tiền 120 triệu đồng còn lại. Vì tin tưởng Q là Chi cục trưởng Chi cục thuế, nên ông N đã viết giấy biên nhận và ký phiếu chi. Nhưng sau khi nhận được số tiền từ thủ quỹ và kế toán của Chi cục thuế huyện thì Hoàng Đình Q không giao lại cho Nguyễn Thành N. Do đó, xét cả về hành vi và đối tượng tác động của tội phạm thì Hoàng Đình Q không phạm tội tham ô tài sản theo Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 mà thỏa mãn dấu hiệu hiệu của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015. Bởi có thể thấy trong tổng số tiền 520 triệu đồng để sửa chữa trụ sở, Hoàng Đình Q chỉ là người được ủy quyền ký hợp đồng có nghĩa là Q chỉ là người được ủy quyền quản lý số tiền 520 triệu đồng để thanh toán cho ông N khi ông ta đã thực hiện xong hợp đồng sửa chữa trụ sở. Về nguyên tắc trong hợp đồng sửa chữa bao giờ cũng quy định các điều khoản như: Khối lượng công việc, thời hạn thi công, hình thức thanh toán; có nghĩa là hợp đồng giữa Q và N là hợp đồng dân sự. Khi công ty của ông N làm được khối lượng công việc đến đâu thì sẽ được thanh toán số tiền tương ứng với khối lượng đã thi công. Do vậy, số tiền 520 triệu đồng theo hợp đồng giữa Q và N thì số tiền này là của N được toàn quyền sở hữu sau khi N thực hiện xong hợp đồng đã ký kết. Trừ trường hợp N không thực hiện đúng theo nội dung hợp đồng còn Q chỉ là người được ủy quyền quản lý số tiền 520 triệu đồng cho N để tránh tình trạng N không thực hiện đúng theo nội dung hợp đồng. 

Khi N đề nghị Q được thanh toán nốt số tiền còn lại là 120 triệu đồng theo như hợp đồng đã ký kết, Q đã có một loạt hành vi gian dối N để chiếm đoạt số tiền 120 triệu đồng như: mời N lên phòng làm việc và nói dối rằng đã có tiền thanh toán và bảo N viết giấy biên nhận và ký vào phiếu chi thì sẽ được nhận số tiền 120 triệu đồng. Về nghiệp vụ kế toán thì trước lúc chi tiền để thanh toán cho N, Hoàng Đình Q phải chỉ đạo kế toán lập phiếu chi sau đó Q mới ký phiếu chi rồi thủ quỹ mới được xuất tiền và khi giao tiền cho N thì N mới phải viết giấy biên nhận và ký vào phiếu chi. Như vậy, nếu Q làm đúng quy trình nghiệp vụ kế toán thì thời điểm số tiền 120 triệu đồng thủ quỹ xuất ra không còn là sự quản lý của Q nữa. Nhưng Q đã lập thủ tục khống trước đó như làm sẵn giấy biên nhận và phiếu chi để cho N ký. Đây là thủ đoạn gian dối của Q nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền 120 triệu đồng của N. Do vậy, thời điểm Q nhận số tiền 120 triệu đồng thì không còn phải là người quản lý trực tiếp mà số tiền này thuộc sở hữu của N nên Q không phạm tội tham ô tài sản mà hành vi của Q đã vượt quá thẩm quyền để chiếm đoạt số tiền 120 triệu đồng. Đây là dấu hiệu của tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. 

Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng luật sư Sơn Phạm)