Phiên tòa xử bác sĩ Hoàng Công Lương: Xuất hiện chứng cứ mới phiên tòa lần 2 quay lại phần xét hỏi

ANTD.VN - Ngày 29-5, phiên tòa xét xử 3 bị cáo trong vụ sự cố y khoa khiến 9 bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tử vong. Điều đáng nói, trước những tình tiết mới, HĐXX lần thứ 2 phải tiếp tục quay trở lại phần xét hỏi khi đang ở phần tranh tụng...

Do xuất hiện chứng cứ mới, HĐXX lần hai đã quay lại phần xét hỏi

Tại phiên tòa ngày 29-5, Luật sư Ngô Thị Thu Hằng (bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương) đã cung cấp cho HĐXX đoạn ghi âm thể hiện việc ngụy tạo hồ sơ sau khi xảy ra sự cố khiến 9 người chạy thận tử vong.

Xuất hiện tình tiết mới

Theo luật sự Hằng, đây là đoạn băng ghi lại nội dung cuộc nói chuyện giữa ông Hoàng Công Tình (Phó Khoa hồi sức tích cực) và ông Đinh Tiến Công (Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực) của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Tại phiên tòa, nói về nội dung của đoạn ghi âm này, ông Hoàng Công Tình cho biết, vào ngày 5-7-2017, hôm đó ông Tình vào trại giam đón bác sĩ Hoàng Công Lương được cho tại ngoại. Trên đường về, bác sĩ Lương đã hỏi ông Tình về cuốn sổ giao ban có ghi nội dung giao nhiệm vụ cho Lương phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo.

Về đến nhà, ông Tình đã gọi điện hỏi ông Đinh Tiến Công hỏi về cuốn sổ bởi ông Công là Thư ký ghi nội dung các cuộc họp thời điểm năm 2015, 2016 với mục đích muốn lưu lại để mở cho bác sĩ Lương nghe. Vì trước đó, bác sĩ Lương đã thắc mắc về nội dung giao nhiệm vụ thể hiện trong cuốn sổ giao ban.

"Sau này, cáo trạng nêu bác sĩ Lương phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo nên tôi nghĩ cuộc ghi âm đó có thể chứng minh việc Lương không được giao nhiệm vụ phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo và là chứng cứ để HĐXX xem xét, chính vì thế tôi đã lập vi bằng và giao cho các luật sư" ông Tình nói trước HĐXX.

Trước tình tiết này, Thẩm phán Nghiêm Hoài Anh đã đặt câu hỏi với ông Hoàng Công Tình về việc trong các biên bản họp khoa năm 2015 và 2016 có biên bản giao bị cáo Hoàng Công Lương phụ trách Đơn nguyên thận đều được ông ký xác nhận?

Ông Tỉnh khẳng định, các cuộc họp trên chỉ có nội dung bình xét, phân loại cán bộ, không có phân công nhiệm vụ. Nội dung phân công bị cáo Lương được ghi vào năm 2017, tức là thời điểm sau khi xảy ra sự cố chạy thận.

Theo ông Tình, trong các năm 2015, 2016, ông đã ký xuống mép dưới của biên bản để có chỗ ghi nội dung bình xét một vài cán bộ bận làm việc, không thể họp cùng mọi người. Ông Tình cũng phủ nhận việc có bàn bạc với Trưởng Khoa Hồi sức tích cực về việc ghi thêm nội dung phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Lương vào sổ giao ban của khoa.

Nhằm làm sáng tỏ tình tiết này, HĐXX đã yêu cầu ông Đinh Tiến Công đối chất với những gì ông Tình trình bày trước tòa. Trả lời HĐXX, ông Đinh Tiến Công đã thừa nhận việc ghi thêm nội dung phân công nhiệm vụ bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo (Khoa Hồi sức tích cực) sau khi đã xảy ra sự cố.

Luật sư Hương cho rằng Công ty Thiên Sơn không phải bồi thường dân sự cho 9 gia đình nạn nhân mà trách nhiệm này thuộc về Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình

Cùng với ông Tình, tại phiên tòa ngày 29-5, bà Đinh Thị Tới - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) cũng cho biết, thời điểm năm 2015, không có quyết định nào giao bác sĩ Lương phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo. Phòng tổ chức... không ban hành, lưu giữ bất cứ quyết định nào.

"Nóng" chuyện bồi thường

Tại phiên xử diễn ra chiều cùng ngày, Luật sư Nguyễn Danh Huế (đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) cho rằng, mức giá chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là 7,7 USD/ca, đắt gấp đôi so với mức giá chạy thận tại Hà Nội. Đáng nói, trong chi phí này, Công ty Thiên Sơn hưởng 90% doanh thu chạy thận vì là đơn vị trang bị máy.

Về vấn đề này, tại phiên tòa diễn ra vào sáng 29-5, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương (đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Sơn) cho rằng,  cần làm rõ hơn về việc thuê máy, giá thuê máy là 7,7 USD cho tất cả các hợp đồng. Toàn bộ bệnh nhân chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình được bảo hiểm trả tiền, không phải bệnh nhân trả cho Bệnh viện hay cho Công ty Thiên Sơn.

Đáp lại lời bào chữa trên, luật sư Huế cho rằng dù bảo hiểm y tế hay bệnh nhân trả tiền, mức giá trên là giá “trên trời”, và việc “kê” giá cao lên như vậy càng chứng tỏ Thiên Sơn đã hưởng số tiền rất lớn, trong khi quỹ bảo hiểm đang gặp khó khăn.

Hành vi này của Thiên Sơn, theo lời luật sư Huế, cần phải khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Thiên Sơn) về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Bác quan điểm của luật sư Hương, đại diện Viện kiểm sát cho rằng Công ty Thiên Sơn phải liên đới và bồi thường dân sự cho các nạn nhân trong vụ việc này

Tiếp tục bảo vệ cho Công ty Thiên Sơn, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương cho biết mức giá chạy thận cao hay thấp phụ thuộc vào hợp đồng giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn về mặt vật tư, dịch truyền phục vụ chạy thận, chứ không phải công ty đến bệnh viện để thu tiền.

Liên quan đến vấn đề bồi thường cho các nạn nhân tử vong trong vụ việc này, tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát  bảo lưu quan điểm cho rằng Thiên Sơn phải liên đới cùng với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình bồi thường cho gia đình các nạn nhân. Còn luật sư của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình thì đề nghị HĐXX tuyên phía Thiên Sơn phải có trách nhiệm bồi thường thay cho bệnh viện.

Thế nhưng luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương đã không chấp nhận yêu cầu của luật sư Huế cũng như của Viện kiểm sát: “Tôi không đồng ý vì bệnh viện tự ý đưa nước đang sửa chữa, đang thực hiện hợp đồng vào chạy thận là ngoài mong muốn của Thiên Sơn và Công ty không thể ngăn cản nổi. Với quan hệ bồi thường ngoài hợp đồng, bệnh viện cho rằng Thiên Sơn phải liên đới bồi thường là không đúng”.

Đối đáp với luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, Kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng cho rằng, trách nhiệm dân sự thuộc Bệnh viện và Thiên Sơn phải liên đới bồi thường. Bởi ngay tại tòa, 2 bên đều thừa nhận có ký hợp đồng, có giao dịch và bị cáo Bùi Mạnh Quốc thực hiện hợp đồng với tư cách người của Thiên Sơn.

Tuy nhiên, liên quan đến việc bồi thường thì các luật sư đại diện cho 9 gia đình nạn nhân đồng quan điểm yêu cầu Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là đơn vị duy nhất phải bồi thường.