Phiên toà xét xử Trịnh Xuân Thanh trong vụ tham ô tài sản tại PVP Land

ANTD.VN - Hơn 8h sáng nay (24-1), phiên tòa xét xử vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong vụ tham ô tài sản tại PVP Land chính thức khai mạc. 

Tại phiên tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh (SN 1966) - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam  (PVC); Đào Duy Phong (SN 1958) - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) và Nguyễn Ngọc Sinh (SN 1972) -  nguyên Tổng Giám đốc PVP Land cùng bị truy tố về tội “Tham ô tài sản”, theo quy định tại Điều 278-BLHS năm 1999.

Tiếp đến là Đinh Mạnh Thắng (SN 1962, em trai ông Đinh La Thăng) - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà; Thái Kiều Hương (SN 1973) - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Vietsan; Lê Hòa Bình (SN 1954) - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1-5 và Công ty CP Minh Ngân; Nguyễn Thị Kim Thoa (SN 1965) - nguyên Kế toán trưởng Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1-5 và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (SN 1972), trú tại phường 10, quận 3, TP HCM cũng bị xét xử về tội danh trên.

HĐXX sơ thẩm vụ án Trịnh Xuân Thanh do Thẩm phán Đặng Thị Thanh Huyền làm chủ tòa

Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 6-2-2018, do Thẩm phán Đặng Thị Thanh Huyền làm chủ tọa. Ngoài ra, HĐXX sơ thẩm ở phiên tòa này còn có Thẩm Ngô Thị Ánh – Phó Chánh tòa Hình sự và 3 vị hội thẩm nhân dân. Về phía cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử có 2 kiểm sát viên làm nhiệm vụ tại phiên tòa.

Đối với các luật sư, thông tin từ HĐXX cho biết có 16 luật sư tham gia phiên tòa. Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh có 6 luật sư bào chữa (là nhóm luật sư từng bào chữa ở vụ án PVN và PVC vừa qua); Đinh Mạnh Thắng có luật sư bào chữa là luật sư Nguyễn Huy Thiệp và luật sư Huỳnh Phương Nam.

Tại phần thủ tục phiên xử, theo báo cáo của thư ký ghi biên bản phiên tòa, bị cáo Lê Hòa Bình – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 105 và Công ty CP  Minh Ngân có đơn xin được xét xử vắng mặt tại phiên tòa. Trước đó, tháng 3-2017, bị cáo này đã bị TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phạt tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước sự vắng mặt của bị cáo Lê Hòa Bình, đại diện VKS cho rằng hồ sơ vụ án đã có đầy đủ lời khai của bị cáo này. Do đó, quá trình xét xử sẽ công bố các lời khai của bị cáo và trong trường hợp nếu thấy thì tiếp tục triệu tập, áp giải Lê Hòa Bình đến phiên tòa. Trên cơ sở đó, đại diện VKS đề nghị vẫn tiến hành phiên xét xử.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tại phiên tòa

Cũng tại phần thủ tục phiên tòa, một số luật sư đề nghị HĐXX tạo điều kiện thuận lợi nhất cho luật sư vì một số người cùng lúc phải tham gia cả phiên tòa Phạm Công danh cùng đồng phạm ở TP HCM. Một số luật sư khác thì đề nghị được tiếp xúc với thân chủ trong thời gian phiên tòa nghỉ giải lao và hàng ngày không làm quá giờ. 

Tính đến thời điểm khai mạc phiên tòa, một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và một luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng cũng tạm thời vắng mặt... Hơn 9h cùng ngày, phiên tòa chuyển sang phần công bố cáo trạng truy tố Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm về tội “Tham ô tài sản”.

Theo đó, tài liệu truy tố thể hiện, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Ngọc Sinh và Đào Duy Phong là những người đại diện phần vốn góp và có trách nhiệm quản lý tài sản là cổ phần của PVP Land tại Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương (Công ty Xuyên Thái Bình Dương). Tuy nhiên vì động cơ vụ lợi, bộ 3 nguyên lãnh đạo PVP Land đã móc ngoặc với các đối tượng liên quan để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Cụ thể, năm 2010, Công ty Xuyên Thái Bình Dương là chủ đầu tư Dự án Nam Đàn PLaza (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), trong đó PVP Land chiếm 12.120.000 cổ phần, tương đương 50,5% vốn góp. Quá trình triển khai dự án này, do gặp khó khăn về tài chính nên PVP Land thoái vốn tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương.

Bị cáo Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) trong phần kiểm tra căn cước

Biết được lý do nêu trên, Công ty CP Minh Ngân do Lê Hòa Bình làm Chủ tịch HĐQT đặt vấn đề mua lại toàn bộ cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Và rồi thông qua một số đối tượng môi giới, trong đó có Đinh Mạnh Thắng, ngày 2-4-2010, Nguyễn Ngọc Sinh với tư cách đại diện PVP Land ký hợp đồng số 66 bán toàn bộ cổ phần cho Công ty CP Minh Ngân với giá 13.578 đồng/cổ phần, tương ứng với 34 triệu đồng/m2 đất, tại Dự án Nam Đàn PLaza.

Trong khi đó, vào thời điểm PVP Land có chủ trương thoái vốn tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương, các bên đã ký hợp đồng thỏa thuận và đặt cọc mua bán Dự án Nam Đàn Plaza với giá 52 triệu đồng/m2… Bằng phương thức này, Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm đã tạo ra số tiền chênh lệch giá lên tới 87 tỉ đồng và gây thất thoát cho Nhà nước 49 tỉ đồng.

Trong số tiền nêu trên, Trịnh Xuân Thanh đã chiếm đoạt 14 tỉ đồng; Đinh Mạnh Thắng hưởng lợi bất chính 5 tỉ đồng; Đào Duy Phong chiếm đoạt 8 tỉ đồng và Nguyễn Ngọc Sinh chiếm đoạt 2 tỉ đồng. Riêng bị can Đặng Sỹ Hùng (cán bộ PVP Land) chiếm hưởng 20 tỉ đồng. Nhưng quá trình điều tra, Đặng Sỹ Hùng chết nên cơ quan tố tụng quyết định đình chỉ bị can.