Khởi nguồn một chuyên án
Theo Thượng tá Tào Ngọc Hải, Phó trưởng Phòng An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư, trước tình hình đó, đơn vị đã phối hợp với các ngân hàng tăng cường biện pháp phòng ngừa. Khi phát hiện thấy CMND của người đến rút tiền có dấu hiệu nghi vấn như bị làm giả hoặc tài khoản mới mở nhưng có số lượng tiền giao dịch lớn thì cần báo ngay cho cơ quan công an.
Với công tác phòng ngừa, cảnh báo hiệu quả đó, ngày 16-11-2015, Ngân hàng X có trụ sở ở phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng thấy một nam thanh niên sử dụng CMND có dấu hiệu nghi vấn đến rút số tiền 700 triệu đồng từ một tài khoản mới mở đã thông báo với trinh sát địa bàn. Thượng úy Lê Văn Ước, Phó đội trưởng Đội An ninh ngân hàng và chống tội phạm tiền giả cho biết: Khi kiểm tra, nam thanh niên có tên trên CMND là Nguyễn Tuấn Anh, anh ta còn 2 chiếc CMND vẫn dán ảnh mình nhưng lại mang tên người khác. Khi được hỏi ai là người gửi tiền, gửi tiền từ đâu và gửi tiền với mục đích gì, thì anh ta luống cuống không trả lời được.
Sau đó thanh niên này thú nhận tên thật là Hoàng Anh Quang, được cậu ruột là Nguyễn Hồng Hải đưa cho CMND giả để mở tài khoản, rút tiền tại ngân hàng. Vụ này nếu thành công, Quang được hưởng 7 triệu đồng. Quang cũng cho biết, Hải đã đưa mình đến đây và đang chờ ở bên ngoài. Cùng lúc này CAQ 3, CATP Hồ Chí Minh cũng thông báo hiện đang tiếp nhận một vụ việc mà đối tượng lừa đảo giả danh công an, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng ở Hà Nội.
Bắt giữ “cáo già”
Từ lời khai của Quang, các trinh sát triển khai phương án truy bắt đối tượng Nguyễn Hồng Hải. Tuy nhiên đây là một “con cáo già” có thừa thủ đoạn. Dù khi nhận được điện báo của nhân viên Ngân hàng X, các trinh sát đều hóa trang để mật phục, nhưng thấy cháu mình lâu không ra, Hải đứng bên ngoài đã có chút nghi ngờ. Khi Quang liên lạc lại, Hải đã điều cháu ruột đi qua nhiều địa chỉ khác nhau để kiểm tra. Khi đến số 8 phố Hàng Cháo, Hải biết mình bị lộ nên đã bỏ trốn.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ngày 19-11-2015, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng CSHS lập Chuyên án 011P đấu tranh với ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó giao lực lượng CSHS là chủ công, Phòng An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư và Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ tiếp tục phối hợp. Gần 2 tuần theo dấu Nguyễn Hồng Hải, vụ án tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt. Thậm chí đã có lúc Ban chuyên án còn phải quyết định thả Hoàng Anh Quang do đối tượng chỉ là chân rết cuối cùng trong cả đường dây. Nếu khởi tố Quang rất có thể sẽ “rút dây động rừng”, chuyên án có thể rơi vào bế tắc.
Về phần Hải, đối tượng thường xuyên thay đổi số điện thoại, thậm chí còn dặn vợ không được gọi điện cho mình quá 3 giây do sợ bị cơ quan công an theo dõi. Bằng sự quyết liệt và các biện pháp nghiệp vụ, chiều 28-11-2015, trinh sát đã bắt được Hải khi đối tượng đang lẩn trốn trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Tại cơ quan công an, Hải khai nhận cuối tháng 10-2015, bạn cũ của đối tượng là Hồ Ngọc Dương hiện làm ở Ngân hàng A đến gặp và nhờ rút tiền tại một số ngân hàng với tiền công là 5% số tiền rút được. Khi Hải đồng ý, Dương đã yêu cầu cung cấp ảnh để làm CMND giả mở tài khoản và rút tiền. Hải rủ cháu ruột là Hoàng Anh Quang tham gia phi vụ này. Tiếp đó, Quang đã đưa ảnh cho cậu để chuyển cho Dương, sau đó nhận lại CMND với ảnh của mình và mang tên người khác. Đến thời điểm bị bắt, nhóm của Hải đã rút được số tiền 2,711 tỷ đồng tại 5 ngân hàng trên địa bàn Hà Nội. Trước mỗi lần rút, Dương đưa cho Hải, Quang 2 điện thoại có sẵn sim để liên lạc cũng như chỉ định ngân hàng cần rút tiền. Sau khi xong việc, Quang chuyển toàn bộ tiền, điện thoại, CMND giả cho Hải. Hải giữ lại 5% số tiền được hưởng rồi chuyển tiếp cho Dương.
Triệu tập Hồ Ngọc Dương, cơ quan công an phát hiện Dương cũng chỉ là một mắt xích trong đường dây này. Người chỉ đạo Dương là Lê Thị Huyền Trang (SN 1983, trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội). Đầu năm 2015, Dương được cơ quan giao xử lý nợ của khách hàng Lê Thị Huyền Trang. Sau nhiều lần tiếp xúc, cuối tháng 8-2015, Trang đề nghị Dương tham gia vào đường dây rút tiền và sẽ nhận bồi dưỡng bằng 12,5% số tiền rút được. Từ lời khai này, công an tiếp tục triệu tập Lê Thị Huyền Trang và xác định Trang có quan hệ với Lin Ren Feng và Xue Wen (SN 1980, người Trung Quốc). Sau khi bắt giữ được 2 đối tượng này, CATP Hà Nội xác định Xue Wen chính là người cầm đầu nhánh phía Nam của tổ chức lừa đảo và đã bàn giao cho CAQ 3, CATP HCM để tiếp tục điều tra làm rõ.
Thầm lặng một chiến công
Hơn 1 tháng thực hiện, Chuyên án 011P đã thành công, thấm đẫm mồ hôi và công sức của các trinh sát Phòng An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư cũng như các chiến sĩ Cảnh sát Hình sự. “12 ngày truy tìm tung tích Nguyễn Hồng Hải là 12 ngày gian khó nhất. Hải biết mình bị lộ nên tìm đủ mọi cách để trốn tránh. Nhiều khi vừa phát hiện ra manh mối đối tượng, trinh sát đến nơi thì hắn đã tẩu thoát chỉ trước đó ít phút” - Thiếu tá Nguyễn Đức Tuấn, Đội trưởng Đội An ninh Ngân hàng và chống tội phạm tiền giả chia sẻ.
Rồi các trinh sát, cũng được thở phào khi Nguyễn Hồng Hải bị bắt giữ, các đầu mối lần lượt lộ diện. Từ lời khai của các đối tượng, các trinh sát đã xác định được mô hình tổ chức khá đặc biệt của đường dây này. Đó là các đối tượng trong đường dây đều hoạt động đơn tuyến, ví dụ như Quang chỉ biết cậu ruột là Hải chứ không biết đến Dương, Trang hay những người Trung Quốc. Tương tự, Trang chỉ biết những người Trung Quốc và cấp dưới gần nhất của mình là Dương chứ không biết đến Hải hay Quang… Sau khi hoàn thành công việc, mỗi đối tượng trong đường dây tự nhận phần của mình rồi mới chuyển tiền về cho cấp trên.
Khép lại một chuyên án lớn, người dân không còn phải thấp thỏm vì những cú điện thoại giữa đêm khuya đe dọa nộp số tiền lớn để chứng minh mình không phạm pháp. Với sự vào cuộc quyết liệt của các điều tra viên, chiến công triệt phá ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã ghi thêm một chiến công cho Công an Thủ đô.