Từ thông tin Báo ANTĐ phanh phui đường dây lừa đảo qua mạng:
Phát hiện thêm hai “đầu mối” mới
(ANTĐ) - Quá trình thâm nhập vào các kênh lừa đảo “Colonyinvest.net”, “Money100.us”, PV ANTĐ phát hiện thông tin bất ngờ, ngay tại Hà Nội cũng đang có một số công ty đăng ký kinh doanh, có trụ sở, hoạt động theo hình thức lừa đảo trên. Thông tin này đã được PV chuyển đến cơ quan CSĐT CATP Hà Nội. Trong các ngày 9, 12-11, Vũ Đức Thọ (SN 1984), quê Hưng Hà, Thái Bình; và Uông Thị Đông (SN 1980), quê Cốc Lếu, Lào Cai, giám đốc 2 doanh nghiệp “lừa” đã được triệu tập đến cơ quan Công an.
Lộ diện
Sáng 12-11, PV ANTĐ đã cùng tổ công tác Đội 5 - Phòng PC15 - CATP Hà Nội đến làm việc tại Công ty CP đầu tư thương mại Trí Việt. Công ty này thuê trụ sở trên tầng 8 một khu chung cư cao cấp ở đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân. Hơn 1 tháng nay, Công ty CP Đầu tư thương mại Trí Việt “hút” khá đông người dân đến tìm hiểu, thông qua những lời giới thiệu trên trang Web “Vip-viet.com”, về khoản lãi suất 2,3-2,5%/ngày cho mức đầu tư - gửi tiền từ tối thiểu 30USD trở lên.
Ngoài lãi suất cực cao trên, người chơi còn được hưởng hoa hồng nếu giới thiệu thêm “nhà đầu tư” mới cho “Vip-viet.com”. Đây thực chất là hình thức huy động ngoại tệ có bản chất lừa đảo giống như các đường dây “Colonyinvest.net”, “Money100.us”... đã bị sập trong thời gian qua.
Tuy nhiên, Công ty Trí Việt vẫn tồn tại và phát triển được nhờ có địa chỉ cụ thể tại Việt Nam, và các “nhà đầu tư” khi đến đây đều thấy giấy phép hoạt động do Sở KH&ĐT thành phố Hà Nội cấp cho doanh nghiệp này.
10h15, thời điểm tổ công tác Đội 5 có mặt tại Công ty Trí Việt, đã chứng kiến một khung cảnh tấp nập với hơn 30 người đang rôm rả trao đổi, giải đáp với nội dung xoay quanh các khoản lãi, hoa hồng từ việc tham gia vào “Vip-viet.com”. Phát hiện thấy sự có mặt của cơ quan chức năng, một số “nhà đầu tư” và những kẻ môi giới lẳng lặng bỏ về.
Các “nhà đầu tư” đang được nhân viên Công ty Trí Việt quảng cáo |
Tranh thủ phỏng vấn 2 “nhà đầu tư”, PV ANTĐ được biết, họ có nghe thông tin về những đường dây lừa đảo qua mạng Internet, tuy nhiên vẫn “tín nhiệm” Công ty Trí Việt vì thấy doanh nghiệp này có trụ sở đàng hoàng và có chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Giám đốc công ty Vũ Đức Thọ đã xuất trình đăng ký kinh doanh với gần 20 ngành, nghề, nhưng không có dòng nào đề cập đến việc cho phép Công ty Trí Việt được huy động ngoại tệ dưới bất cứ hình thức nào. Đây cũng chính là sai phạm đầu tiên được giám đốc Vũ Đức Thọ thừa nhận.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, các “nhà đầu tư” khi tiếp xúc với nhân viên của Công ty Trí Việt đều được nghe giới thiệu, mục đích huy động ngoại tệ để đầu tư vào bất động sản, làng sinh thái... Chính vì vậy, dù mới đi vào hoạt động từ 6-10-2007 với trang web “Vip-viet.com”, Công ty Trí Việt đã có hơn 3 vạn lượt người truy cập.
Trưa 12-11, truy cập vào trang web này, tổ công tác Đội 5 ghi nhận trong hơn 1 tháng hoạt động, Công ty Trí Việt đã thu tiền của 2.211 người, với mức thấp nhất là 30USD/người, và cao nhất là 1.000 USD/người. Các dự án đầu tư của Công ty Trí Việt thực chất ra sao? Giám đốc Vũ Đức Thọ thừa nhận, công ty của anh ta có dự án đầu tư bất động sản ở Nhổn, dự án làng sinh thái ở Sơn Tây, song đến giờ, tất cả mới chỉ là... ý tưởng.
Tài liệu, sổ sách mà Vũ Đức Thọ xuất trình cho thấy, Công ty Trí Việt chưa mở tài khoản tại ngân hàng, chưa mở sổ sách kế toán, chưa mua hoá đơn GTGT. Mọi giao dịch, quản lý của Công ty Trí Việt đều thông qua tài khoản cá nhân của Giám đốc Vũ Đức Thọ.
Lừa đảo dây chuyền
Theo tìm hiểu của PV ANTĐ, Công ty Trí Việt và Giám đốc Vũ Đức Thọ không phải là người “khai sinh” ra thủ đoạn lập công ty để huy động ngoại tệ tại Hà Nội. Trước đây, Thọ và Uông Thị Đông - Giám đốc Công ty Thời Đại là nhân viên của một công ty hoạt động trên lĩnh vực Internet. Sau thời gian hợp tác, Đông và Thọ đứng ra lập công ty huy động trái phép ngoại tệ qua mạng Internet do Đông làm Giám đốc; Vũ Đức Thọ góp vốn vài chục triệu đồng để làm cổ đông.
Được gần 1 năm, cảm thấy chán vị trí cổ đông, Vũ Đức Thọ làm thủ tục lập Công ty Trí Việt. Trang web “Vip-viet.com” được Thọ thuê một lập trình viên dựng lên theo ý đồ của anh ta. Danh xưng giám đốc, lại hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, nhưng cả Thọ lẫn Đông, ngoài tâm lý “thèm tiền”, đều không có căn bản kiến thức về kinh tế.
Vũ Đức Thọ tốt nghiệp trường Truyền hình, còn Uông Thị Đông vốn chuyên ngành hội họa của trường Cao đẳng Nhạc họa. So với Vũ Đức Thọ - Giám đốc Uông Thị Đông dày dạn “kinh nghiệm” hơn. Theo như giới thiệu trên trang web “thoidaiwto.com” của Công ty Thời Đại, doanh nghiệp này “mong muốn tạo ra cầu nối đa chiều với người tiêu dùng, đồng thời cung cấp dịch vụ cho mọi thành viên tham gia”.
Uông Thị Đông và Công ty Thời Đại đưa ra mức đầu tư duy nhất 40 USD/người, và các “nhà đầu tư” đều được lập tài khoản ở ngân hàng. Chính điều này đã tạo được niềm tin cho họ, cũng như khi xảy ra rủi ro, nguy cơ bị các “nhà đầu tư” tố cáo sẽ không cao như các kênh huy động hàng trăm, hàng nghìn USD.
Sơ bộ, các điều tra viên Phòng PC 15 xác định, Công ty Thời Đại đã thu của 432 người, với số tiền hơn 17.000 USD. Tuy nhiên thời điểm kiểm tra, két sắt của Công ty Thời Đại trống rỗng. Sổ sách của công ty không hạch toán số tiền thu được, cũng như không được kê khai để nộp thuế. Ngay cả kế toán, thủ quỹ của Công ty Thời Đại cũng chưa hề có. Vậy mà mới đây, Công ty Thời đại đã làm thủ tục nâng vốn điều lệ từ 1 tỷ lên 10 tỷ đồng.
Cùng với việc triệu tập, gọi hỏi 2 vị giám đốc “kinh doanh... lừa đảo” Uông Thị Đông và Vũ Đức Thọ, Cơ quan điều tra CATP Hà Nội đã yêu cầu 2 công ty trên chấm dứt việc thu tiền của các “nhà đầu tư”, bắt đầu từ 12-11. Toàn bộ sổ sách, giấy tờ, máy tính của 2 công ty này đang được tạm giữ để xem xét, xử lý.
Hoàng Quân
Các đối tượng mới nộp lại CQĐT hơn 3 tỷ đồng Nguồn tin từ CQĐT Bộ Công an ngày 12-11 cho biết, sau khi thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng “đầu dây” dưới hình thức huy động ngoại tệ trái phép qua mạng Internet, một số đối tượng đã nộp lại CQĐT số tiền, tài sản hơn 3 tỷ đồng. Cụ thể, “đầu dây” Nguyễn Dạ Thu (SN 1966), trú tại phường 3, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh đã nộp 500 triệu đồng. Đối tượng Nguyễn Cát Biển (SN 1979), nhà ở phường 2, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh nộp 150 triệu đồng tiền mặt và 135 triệu đồng bằng cổ phiếu. Số tiền Biển kiếm được trong thời gian qua là 1,2 tỷ đồng; anh ta đã mua một lô đất tại Đồng Nai, trị giá 750 triệu đồng, mua cổ phiếu hết 135 triệu đồng. “Đầu dây” Trần Tiểu Linh (SN 1968), trú tại phường 8, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh, giao nộp 8 cuốn sổ tiết kiệm tại nhiều ngân hàng, tổng cộng 2.285.000.000 đồng. Khoảng 600 triệu đồng đã bị Linh dùng để đầu tư chứng khoán. Hà Minh |