Pháp luật quy định trường hợp cần khai quật, khám nghiệm tử thi trong điều tra án hình sự

ANTD.VN -Liên quan đến việc khai quật, khám nghiệm tử thi trong các vụ án hình sự, những ngày qua, nhiều bạn đọc gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ đặt câu hỏi: “Những trường hợp nào cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tiến hành khai quật, khám nghiệm tử thi, vấn đề này được quy định ra sao trong pháp luật hình sự”?

Khi vụ án có tình tiết mới hoặc lời khai về đồng phạm, tội phạm khác

Về nội dung trên, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, khám nghiệm tử thi là một phương thức phẫu thuật chuyên môn cao nhằm xét nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân cái chết và đánh giá xem có sự tồn tại của bệnh tật hay chấn thương nào trong tử thi hay không. Thông thường, CQĐT chỉ khai quật tử thi để tái khám nghiệm khi vụ án có tình tiết mới hoặc lời khai về đồng phạm, tội phạm khác.

Điều 202 Bộ luật TTHS 2015 quy định, việc khám nghiệm tử thi do giám định viên pháp y tiến hành dưới sự chủ trì của Điều tra viên (ĐTV) và phải có người chứng kiến.

Trước khi khám nghiệm tử thi, ĐTV phải thông báo cho VKSND cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử kiểm sát viên tham gia việc khám nghiệm tử thi. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm tử thi. Giám định viên kỹ thuật hình sự có thể được mời tham gia khám nghiệm tử thi để phát hiện, thu thập dấu vết phục vụ việc giám định.

Công tác khám nghiệm được quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt

Khi khám nghiệm tử thi phải tiến hành chụp ảnh, mô tả dấu vết để lại trên tử thi; chụp ảnh, thu thập, bảo quản mẫu vật phục vụ công tác trưng cầu giám định; ghi rõ kết quả khám nghiệm vào biên bản. Biên bản khám nghiệm tử thi được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này.

Việc khai quật tử thi phải có quyết định của CQĐT và thông báo cho người thân thích của người chết biết trước khi tiến hành. Nếu người chết không có hoặc không xác định được người thân thích của họ thì thông báo cho đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi chôn cất tử thi biết.

“Như vậy, khám nghiệm tử thi trong tố tụng hình sự là một trong những hoạt động trong quá trình điều tra nhằm phát hiện dấu vết tội phạm trên thân thể người chết. Khi ĐTV khám nghiệm tử thi hoặc khai quật tử thi phải có người chứng kiến. Việc khám nghiệm tử thi do ĐTV tiến hành và phải có sự kiểm sát của kiểm sát viên” – Luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.

Toàn bộ quá trình khám nghiệm tử thi phải được lập thành biên bản. Sau đó, Biên bản phải được chuyển ngay cho ĐTV để đưa vào hồ sơ vụ án. Kết quả của công tác khám nghiệm tử thi có ý nghĩa rất quan trọng và trong một số trường hợp còn mang tính quyết định trong quá trình giải quyết vụ việc.

Khi nào cần khai quật tử thi?

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, khi kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ và lời khai của các đối tượng còn nhiều mâu thuẫn, CQĐT phải thực hiện yêu cầu của cơ quan kiểm sát là khai quật tử thi để làm rõ.

Mục đích của công tác khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân chết của nạn nhân, hung khí gây án, cách thức gây án…

Có thể nói, việc khai quật tử thi là hoạt động bình thường và cần thiết trong quá trình điều tra tội phạm. Qua đó, CQĐT sẽ phát hiện những dấu vết sinh học, hóa học, những dấu vết vật chất khác là căn cứ quan trọng phát hiện tội phạm, chứng minh tội phạm và giải quyết vụ án.

Thông thường, khi vụ án xuất hiện những dấu hiệu mới có thể gây oan sai, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm hoặc dấu hiệu của tội phạm khác, CQĐT sẽ khai quật tử thi nạn nhân để thu thập đầy đủ mẫu vật. 

“Trong các vụ án hình sự giết người hay hiếp dâm, việc khai quật tử thi để tái khám nghiệm được tiến hành khi các mẫu vật được thu thập ban đầu chưa đáp ứng được yêu cầu điều tra, chưa đủ chứng minh hành vi phạm tội, chưa xác định được nguyên nhân nạn nhân tử vong” – Luật sư Nguyễn Thị Thu nhận định.