Phân tích hành vi của người đi cùng bạn trong vụ án nạn nhân bị đâm tử vong

ANTD.VN - Chị Nguyễn Thị Thanh H (SN 1983) nghe tiếng chó sủa trước cổng nhà và đi ra ngoài thì thấy Lê Ngọc H và Nguyễn Văn Đ (cùng sinh năm 1987) đi xe máy đỗ ở ven đường. Chị H đuổi nhưng H và Đ không đi. Giữa chị H và Lê Ngọc H xảy ra xô xát cãi nhau. Chị H gọi một số người ra.

Khoảng 15 phút sau, anh Phạm Văn M (SN 1982) đi ra cùng hai thanh niên đuổi H và Đ đi. Anh M đứng giữa dùng tay gạt chị H và Lê Ngọc H ra. Lê Ngọc H rút trong ống tay áo ra 1 con dao gấp, anh M bỏ chạy. Lê Ngọc H cầm con dao đuổi theo đâm anh M nhiều nhát khiến anh M tử vong trên đường đi cấp cứu. Khi Lê Ngọc H cầm dao đuổi đâm anh M, thì Đ cũng chạy theo H vài bước mục đích để can H nhưng bị 1 người thanh niên đá vào mông, Đ quay lại đuổi theo người người thanh niên vào trong cổng thì bị một số người trong cổng ném gạch. Đ cầm gạch ném nhau với những người trên.

Sau khi đâm anh M xong, Lê Ngọc H cầm dao chạy đến chỗ Nguyễn Văn Đ. Đ nhìn thấy H cầm dao nhưng không nhìn thấy H đâm anh M. Đ lên xe nổ máy bảo: “Đi thôi” và chở H bỏ chạy về nhà Đ. Khi về đến nhà Đ thì H kể chuyện cho Đ về việc đâm anh M 4 nhát nhưng không biết có chết không. Đ nói với H: “Chắc không chết đâu”. Đ nhìn thấy H mặc quần bò dính máu. Khoảng 19h30, sau khi ăn cơm ở nhà Đ, H gọi điện cho bạn đi xe máy đến đèo đi. Khoảng 30 phút sau, H về nói với Đ về nạn nhân đã tử vong. Thấy vậy, Đ đã cầm chiếc áo khoác mà Đ đã mặc khi đi với H đem đi đốt và cạo hết râu. Một ngày sau, cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với H và Đ.

Vấn đề đặt ra trong vụ việc này là Nguyễn Văn Đ đã phạm tội gì?

Phân tích hành vi của người đi cùng bạn trong vụ án nạn nhân bị đâm tử vong ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Không tố giác tội phạm

Điều 19, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm. Theo nội dung vụ việc, có thể thấy sau khi Lê Ngọc H đâm anh Phạm Văn M xong quay lại thì Đ có nhìn thấy H cầm dao, khi về đến nhà Đ lại nghe H kể về việc dùng dao đâm anh M và sau đó anh M bị chết. Như vậy, Đ có mặt tại hiện trường, nhìn thấy H cầm dao, biết việc H phạm tội nhưng đã không tố giác với cơ quan pháp luật. Do vậy, Đ đã phạm tội không tố giác tội phạm theo Điều 390, Bộ luật Hình sự năm 2015.  

Trần Quốc Hà (Hoàn Kiếm - Hà Nội)

Phạm tội che giấu tội phạm 

Trong vụ việc này, Nguyễn Văn Đ đã phạm tội che giấu tội phạm theo Điều 389, Bộ luật Hình sự năm 2015. Cùng thời gian Lê Ngọc H đâm anh Phạm Văn M, thì Đ cầm gạch đuổi và ném nhau với  một số người khác, H đâm anh M xong cầm dao chạy ra chỗ Đ và H định đánh thanh niên đang ném đuổi nhau với Đ, sau đó Đ ra xe máy chở H bỏ chạy. Đ không biết việc H đâm anh M. Khi về nhà, nghe H kể việc đâm anh M và anh M đã chết, sợ bị Công an phát hiện Đ đã đốt áo khoác mà Đ mặc khi đi cùng H, cạo râu của mình để Công an không phát hiện ra nhằm che giấu hành vi giết người của H. Như vậy, hành vi này của Đ theo tôi đã cấu thành tội che giấu tội phạm.

Nguyễn Thị Lý (Kinh Môn - Hải Dương)

Không tố giác tội phạm và gây rối trật tự công cộng

Có thể thấy Nguyễn Văn Đ là người có mặt tại hiện trường, khi Lê Ngọc H cầm dao đuổi đâm anh Phạm Văn M thì Đ chạy theo H vài bước, nhưng bị 1 người (không rõ là ai) đá vào mông, Đ quay lại đuổi người này chạy vào cổng và cầm gạch ném nhau với một số đối tượng. Sau khi H đâm anh M xong cầm dao chạy đến chỗ Đ, Đ có nhìn thấy H cầm dao, biết việc H phạm tội nhưng đã không tố giác với cơ quan pháp luật. Như vậy, Đ đã có hành vi gây mất trật tự nơi công cộng dẫn đến hậu quả anh M bị đâm chết. Đ biết việc H đâm anh M nhưng không tố giác với Cơ quan điều tra, vì vậy hành vi của Đ có dấu hiệu của cả tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội không tố giác tội phạm theo Điều 390, Bộ luật Hình sự năm 2015.  

Hà Lưu Ly (Đồng Mỏ - Lạng Sơn)

Bình luận của luật sư

Qua các diễn biến tình tiết của vụ án, cho thấy hành vi của Nguyễn Văn Đ đồng thời có những dấu hiệu pháp lý của cả 3 tội được quy định trong Bộ luật Hình sự, đó là tội Che giấu tội phạm, tội Không tố giác tội phạm và tội Gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, với tính chất và nội dung cụ thể trong vụ án này, theo quan điểm của chúng tôi chỉ có thể xử lý hình sự Nguyễn Văn Đ về một tội danh duy nhất. 

Trước hết chúng ta hãy cùng xem Nguyễn Văn Đ có phạm tội Che giấu tội phạm theo Điều 389, Bộ luật Hình sự năm 2015 hay không? Theo quy định tại Điều 18 và Điều 389, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì: Người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm. Như vậy, về mặt khách quan của tội phạm theo quy định của điều luật sẽ có 4 loại hành vi che giấu trong tội này. 

- Thứ nhất, che giấu người phạm tội được hiểu là chứa chấp, nuôi giấu trong nhà, tìm địa điểm cho người phạm tội ẩn náu, giúp người phạm tội bỏ trốn…

- Thứ hai, che giấu các dấu vết của tội phạm, ví dụ: tẩy xóa, làm thay đổi, làm mất đi các dấu vết có ý nghĩa rất quan trọng cho việc chứng minh tội phạm. 

- Thứ ba, che giấu tang vật của tội phạm như hành vi che giấu các công cụ, phương tiện dùng vào việc thực hiện tội phạm, tiền hoặc tài sản bị can chiếm đoạt được. 

- Thứ tư, có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội. Trong vụ việc này, Lê Ngọc H phạm tội giết người, những dấu vết có ý nghĩa quan trọng cho việc chứng minh hành vi giết người của H đó là vết máu trên chiếc quần bò mà H đã mặc khi gây án, con dao gấp nhọn mà H đã dùng để đâm anh Phạm Văn M. Do vậy, hành động Đ đã đốt áo khoác mà Đ mặc khi đi cùng H, cạo râu của mình… không hề làm thay đổi bản chất hay làm mất đi các dấu vết có ý nghĩa rất quan trọng cho việc chứng minh tội giết người của H. Các hành động trên của Đ thực chất là nhằm mục đích che giấu cho hành vi của chính Đ và sợ liên luỵ khi Cơ quan điều tra phát hiện ra chứ không phải và cũng không thể coi đó là có những hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội được. Do đó, theo chúng tôi Nguyễn Văn Đ không phạm tội che giấu tội phạm.

Về quan điểm cho rằng Nguyễn Văn Đ phạm tội không tố giác tội phạm. Theo quy định tại Điều 19 và Điều 390, Bộ luật Hình sự thì: Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm. Như vậy, không tố giác tội phạm được hiểu là không báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền về một tội phạm mà mình biết rõ (biết chắc chắn, biết chính xác) đang được chuẩn bị thực hiện hoặc đã được thực hiện hoặc biết rõ một kẻ sắp phạm tội hay đã phạm tội rồi nhưng không báo cáo. Trong vụ việc này rõ ràng là Nguyễn Văn Đ không trực tiếp chứng kiến việc H dùng dao đâm anh M mà chỉ nghe H kể lại, trong thâm tâm Đ cũng nghĩ là không thể có hậu quả chết người xảy ra được thể hiện qua lời Đ nói với H: “Chắc không chết đâu”. Hậu quả chết người xảy ra Đ cũng chỉ biết thông qua lời nói của H chứ không trực tiếp chứng kiến. Ngoài ra, sau khi vụ án xảy ra, chỉ trong thời gian chưa đến một ngày, cơ quan điều tra đã điều tra ra thủ phạm. Xét về mặt tâm lý tội phạm học thì sau khi thấy hậu quả chết người xảy ra có liên quan đến mình thì Đ sẽ rất hoang mang, lo lắng, thậm chí là hoảng sợ. Với một khoảng thời gian ngắn như vậy, chắn chắn Đ chưa thể “tĩnh tâm” để xác định mình nên hoặc cần phải làm gì tiếp theo. Cũng không loại trừ giả thiết Đ cũng đã nghĩ đến việc phải ra trình báo các cơ quan có thẩm quyền về vụ việc nhưng lại chưa kịp thực hiện việc đó.

Căn cứ theo nội dung vụ việc, chúng tôi có cơ sở cho rằng hành vi của Nguyễn Văn Đ chỉ phạm tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318, Bộ luật Hình sự năm 2015. Khi H cầm dao đuổi đâm anh M thì Đ chạy theo H vài bước, nhưng do bị một người đá vào mông, Đ quay lại đuổi người này chạy vào cổng và cầm gạch ném nhau với một số đối tượng. H đâm anh M xong cầm dao chạy đến chỗ Đ, Đ lên xe nổ máy bảo: “Đi thôi”. H lên ngồi sau, cả 2 cùng chạy. Như vậy, Đ cùng một số đối tượng đã có hành vi gây mất trật tự nơi công cộng dẫn đến hậu quả anh M đã bị chết. Mặc dù Đ có nhìn thấy H cầm dao, nghe H kể chuyện đâm anh M bị chết nhưng không trực tiếp chứng kiến hành vi phạm tội của H. Sau khi H đâm anh M, một ngày sau, Cơ quan điều tra đã bắt khẩn cấp đối với Đ, H. Vì vậy, Đ chỉ phạm tội gây rối trật tự công cộng.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)