Phân tích hành vi 2 lần làm giả con dấu, tài liệu để mua bán cùng 1 công ty

ANTD.VN - Nội dung vụ việc: Chị Phan Thị H, Giám đốc Công ty X thỏa thuận bán Công ty X cho anh Đỗ Tất K với giá là 20 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, anh K sẽ làm thủ tục mua bán công ty. Anh K đã nhờ bạn là Vũ Văn C làm thủ tục mua bán giúp. Anh K và Chị H đã chuẩn bị các giấy tờ theo yêu cầu của C và gặp C để bàn giao giấy tờ, con dấu của Công ty X. Sau khi C nhận đủ giấy tờ, con dấu, C đã tự làm 1 bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật để nộp cho cơ quan chức năng. Trong bộ hồ sơ đó, C tự nghĩ ra chữ ký và tự ký tên anh K, chị H; sau đó C lấy con dấu thật của Công ty X mà C đang giữ đóng vào các giấy tờ tài liệu trên.

Sau khi C trả lại cho chị H con dấu thật của Công ty X thì C mới phát hiện ra mã số thuế trong bộ hồ sơ C vừa làm là sai; do đó, C đã hủy toàn bộ tài liệu của bộ hồ sơ này để làm hồ sơ mới. C đã thuê người khắc 1 con dấu mới có hình dáng, ký tự giống như con dấu thật của Công ty X. Sau đó C lại làm 1 bộ hồ sơ mới có các tài liệu, nội dung tương tự như hồ sơ ban đầu; trong đó, đã sửa lại mã số thuế. Đồng thời, C tự nghĩ ra chữ ký và tự ký tên anh K, chị H và lấy con dấu vừa làm mới (con dấu giả) của Công ty X đóng vào các giấy tờ tài liệu trên và đem nộp để làm thủ tục mua bán Công ty X thì bị phát hiện giấy tờ và con dấu giả.

Vấn đề đặt ra trong vụ việc này là với hành vi của mình Vũ Văn C đã phạm tội 1 hay 2 lần?

Phân tích hành vi 2 lần làm giả con dấu, tài liệu để mua bán cùng 1 công ty ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội 2 lần

Theo quy định của pháp luật, phạm tội nhiều lần là thực hiện một tội phạm mà trước đó chủ thể đã phạm tội đó ít nhất một lần và chưa bị xét xử. Căn cứ vào nội dung vụ việc có thể thấy Vũ Văn C đã 2 lần làm 2 bộ hồ sơ giả để nộp cho cơ quan Nhà nước làm thủ tục mua bán Công ty X. Vì vậy, theo tôi trong vụ việc này C đã phạm tội 2 lần. Cụ thể, theo Bộ luật Hình sự năm 2015, Vũ Văn C đã phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo điểm b, khoản 2, Điều 341 là phạm tội 2 lần trở lên. 

Vũ Thị Thúy (Hương Sơn - Hà Tĩnh)

Vũ Văn C phạm tội 1 lần

Tuy Vũ Văn C đã 2 lần làm 2 bộ hồ sơ giả để nộp cho cơ quan Nhà nước làm thủ tục mua bán Công ty X, nhưng C chỉ sử dụng 1 lần giấy tờ đó để thực hiện hành vi trái pháp luật, nên theo tôi hành vi làm giả của C chỉ bị coi là phạm tội 1 lần. Bởi khi Vũ Văn C phát hiện ra hồ sơ lần thứ nhất C nộp cho cơ quan chức năng có lỗi sai về mã số thuế thì C đã tự rút về và hủy toàn bộ tài liệu của bộ hồ sơ này để làm lại. Việc rút hồ sơ về làm lại chỉ coi là sửa chữa hồ sơ ban đầu bởi mục đích làm hồ sơ lần 2 chỉ là để chuyển nhượng công ty như lần làm giả hồ sơ lần thứ nhất, không tính là lần phạm tội khác. Vì vậy, Vũ Văn C chỉ phạm tội 1 lần, tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đoàn Quốc Công (Thanh Hà - Hải Dương)

2 hành vi cùng mục đích

Trong vụ việc này Vũ Văn C lần thứ nhất đã tự làm 1 bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật để nộp cho cơ quan chức năng. Trong bộ hồ sơ đó, C tự nghĩ ra chữ ký và tự ký tên anh K, chị H; sau đó C lấy con dấu thật của Công ty X mà C đang giữ đóng vào các giấy tờ tài liệu trên. Lần thứ hai: Sau khi C trả lại cho chị H con dấu thật của Công ty X thì C mới phát hiện ra mã số thuế trong bộ hồ sơ C vừa làm là sai; do đó, C đã hủy toàn bộ tài liệu của bộ hồ sơ này để làm hồ sơ mới. C đã thuê người khắc 1 con dấu mới có hình dáng, ký tự giống như con dấu thật của Công ty X. Sau đó C lại làm 1 bộ hồ sơ mới có các tài liệu, nội dung tương tự như hồ sơ ban đầu; trong đó, đã sửa lại mã số thuế. Đồng thời, C tự nghĩ ra chữ ký và tự ký tên anh K, chị H và lấy con dấu vừa làm mới (con dấu giả) của Công ty X đóng vào các giấy tờ tài liệu trên, rồi đem bộ hồ sơ này nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư. Như vậy, theo tôi cả hai lần phạm tội trên thì tội phạm được hình thành từ một loạt hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng loại, xảy ra kế tiếp nhau và có tính liên tục, cả 2 hành vi đó có cùng một mục đích chung, thống nhất, cùng xâm hại đến một khách thể. Do đó, hành vi của Vũ Văn C chỉ phạm tội 1 lần.

Nguyễn Quang Thắng (Kim Bôi - Hòa Bình)

Bình luận của luật sư

Về khái niệm làm giả theo quy định pháp luật là hành vi làm giống như thật các loại con dấu, giấy tờ hiện đang được phép lưu hành hoặc làm ra các loại con dấu, giấy tờ mới hoàn toàn, chưa có loại tương tự trong đời sống. Những hành vi giả mạo này chỉ được coi là phạm tội khi các tài liệu, giấy tờ, con dấu giả được sử dụng vào một việc làm trái pháp luật, như để được vào biên chế, được đi nước ngoài, được hưởng chế độ ưu tiên…

Về mặt khách thể của tội phạm này tội phạm này xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính Nhà nước, tổ chức và xâm phạm sự hoạt động bình thường, uy tín của cơ quan Nhà nước, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước về con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác. Đối tượng phạm tội là con dấu, tài liệu giả hoặc giấy tờ giả.

Về mặt khách quan của tội phạm, người phạm tội có một trong hai hành vi sau: Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức: là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định để coi nó như thật. Việc làm giả này có thể là giả toàn bộ hoặc chỉ từng phần như: tiêu đề, chữ ký, con dấu, nội dung… Hành vi phạm tội này hoàn thành kể từ khi người không có thẩm quyền tạo ra được con dấu, tài liệu, các giấy tờ giả của một cơ quan Nhà nước, tổ chức nhất định (kể cả cơ quan Nhà nước hay tổ chức đó không có thật hoặc đã bị giải thể).

Về mặt chủ quan của tội phạm: là lỗi cố ý trực tiếp. Đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức thì không cần mục đích nhưng hành vi sử dụng chúng thì cần mục đích là để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

Về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức của Vũ Văn C trong vụ việc này đã rõ ràng, thể hiện qua việc Vũ Văn C lần thứ nhất đã tự làm 1 bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật tự nghĩ ra chữ ký và tự ký tên anh K, chị H; sau đó C lấy con dấu thật của Công ty X mà C đang giữ đóng vào các giấy tờ tài liệu trên để nộp cho cơ quan Nhà nước. Lần thứ hai C đã thuê người khắc 1 con dấu mới có hình dáng, ký tự giống như con dấu thật của Công ty X. Sau đó C lại làm 1 bộ hồ sơ mới có các tài liệu, nội dung tương tự như hồ sơ ban đầu; trong đó, đã sửa lại mã số thuế. Đồng thời, C tự nghĩ ra chữ ký và tự ký tên anh K, chị H và lấy con dấu vừa làm mới (con dấu giả) của Công ty X đóng vào các giấy tờ tài liệu trên, rồi đem bộ hồ sơ này nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư. Hành vi này của Vũ Văn C đã cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341, Bộ luật Hình sự. Vấn đề cần phải làm rõ ở đây là Vũ Văn C đã phạm tội 1 lần hay 2 lần?

Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì phạm tội nhiều lần là người phạm tội đã thực hiện từ 2 hành vi phạm tội trở lên, tác động đến cùng một đối tượng hoặc nhiều đối tượng khác nhau. Nếu tách ra từng hành vi phạm tội riêng lẻ thì mỗi hành vi ấy đã đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập. Trong trường hợp này, theo chúng tôi , Vũ Văn C chỉ phạm tội 1 lần bởi lẽ, khi C phát hiện ra hồ sơ lần thứ nhất C nộp cho cơ quan chức năng có lỗi sai về mã số thuế thì C đã tự rút về và hủy toàn bộ tài liệu của bộ hồ sơ này để làm lại. Việc rút hồ sơ về làm lại chỉ coi là sửa chữa hồ sơ ban đầu bởi mục đích làm hồ sơ lần thứ hai chỉ là để chuyển nhượng công ty như lần làm giả hồ sơ lần thứ nhất, không tính là lần phạm tội khác.

Mặt khác phạm tội nhiều lần với làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức là một người thực hiện hành vi làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu con dấu, giấy tờ giả của cơ quan tổ chức để lừa dối cơ quan Nhà nước, tổ chức, công dân thực hiện hành vi trái pháp luật từ 2 lần trở lên và mỗi lần thực hiện hành vi đã cấu thành tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức. Trong trường hợp này tuy C đã 2 lần có hành vi làm giả nhưng lần làm giả thứ nhất C chỉ giả mạo chữ ký của anh A, chị B do đó trong trường hợp này C chỉ có hành vi giả mạo chữ ký của người khác còn con dấu mà C sử dụng để đóng vào các giấy tờ tài liệu trên là con dấu thật của Công ty X nên không cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đối với lần thứ hai, C đã hủy toàn bộ tài liệu của bộ hồ sơ này để làm hồ sơ mới, đã có hành vi thuê người khắc 1 con dấu mới có hình dáng, ký tự giống như con dấu thật của Công ty X và sử dụng con dấu giả đó đóng vào hồ sơ tài liệu để nộp. Do đó, hành vi của C đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng Luật sư Sơn Phạm)