Phạm tội lừa đảo hay trộm cắp tài sản khi bán đất có cây trồng của người khác?

ANTD.VN - Nguyễn Quốc Anh (SN 1985) quen biết anh Đoàn Việt Thắng (SN 1978) tại một quán nhậu. Ít lâu sau, Quốc Anh nói với anh Thắng là có rẫy cao su 2ha muốn bán. Anh Thắng được Quốc Anh dẫn ra xem lô cao su, được rào dây thép gai cẩn thận. 

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Anh Thắng hỏi về giấy tờ thì Quốc Anh nói có đầy đủ, đang làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không có ở nhà. Anh Thắng đồng ý mua. Hai bên viết giấy tay, anh Thắng trả cho Nguyễn Quốc Anh 900 triệu đồng. Sau khi mua rẫy, anh Thắng cho chặt bớt một số cây đã già cỗi, để trồng cây tràm. Khi xe đang chở số cây đã chặt đi thì ông Đinh Tiến Hà (SN 1964) có mặt nói đây là rẫy của gia đình nhà ông. 

Hai bên vào nhà ông Hà nói chuyện, anh Thắng đưa ra Giấy chuyển nhượng của Nguyễn Quốc Anh để chứng minh mình mua bán đàng hoàng. Ông Hà thì đưa ra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ chồng mình. Ông Hà cũng cho biết, Nguyễn Quốc Anh vốn là dân cờ bạc, có nhà cửa ở quê nhưng đã bán hết phải về ở nhờ bên vợ ở nơi khác, lâu lâu mới trở lại. Sau đó, anh Đoàn Việt Thắng có đơn tố cáo Nguyễn Quốc Anh lên cơ quan công an.

Vấn đề đặt ra trong vụ việc này là Nguyễn Quốc Anh đã phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội trộm cắp tài sản 

Theo quy định của pháp luật, tài sản được xác định là đối tượng của tội trộm cắp tài sản phải nằm trong sự quản lý của chủ sở hữu hoặc những người có trách nhiệm quản lý tài sản. Tài sản là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản phải là một dạng vật chất cụ thể và tồn tại dưới dạng là một động sản, có thể nhìn thấy được và dịch chuyển được, có giá trị trên 2.000.000 đồng. 2ha cây cao su Quốc Anh bán cho anh Thắng là tài sản của người khác là ông Đinh Tiến Hà và ông Hà đang quản lý. Quốc Anh đã bán cho anh Thắng 2ha rẫy cao su không phải là đất trống, thuần túy bất động sản mà trên đó có cây cao su. 

Do đó, thực tế cho thấy anh Thắng đã cho hạ cây cao su để chở đi mà chủ sở hữu rẫy cao su không biết. Về mặt khách quan, trộm cắp tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản đang có chủ một cách lén lút. Tính chất “lén lút” là dấu hiệu để phân biệt hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội trộm cắp tài sản và hành vi chiếm đoạt tài sản trong các tội phạm khác, nó thể hiện ở việc người phạm tội che giấu hành vi đang phạm tội của mình, không cho phép chủ tài sản biết có hành vi chiếm đoạt tài sản khi hành vi này đang xảy ra. Trong trường hợp này, người phạm tội lợi dụng người quản lý tài sản không có mặt tại nơi có tài sản để thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy Nguyễn Quốc Anh phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định Điều 173, Bộ luật Hình sự năm 2015.

      Nguyễn Thị Thúy (TP Hạ Long - Quảng Ninh)

Phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

Do đặc điểm riêng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng “thủ đoạn gian dối”. Thủ đoạn của Nguyễn Quốc Anh là nhận bừa 2ha cao su của người khác là của mình và nói giấy tờ đang làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khiến anh Đoàn Việt Thắng tin tưởng, dẫn đến làm giấy sang nhượng và trả cho Quốc Anh 900 triệu đồng.

Nói cách khác, Quốc Anh đã chiếm đoạt 900 triệu đồng của anh Thắng bằng thủ đoạn gian dối. Hành vi của Nguyễn Quốc Anh thỏa mãn dấu hiệu “dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác” của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng là cấu thành cơ bản của tội phạm này.

         Nguyễn Đình Hòa (Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc)

Bình luận của luật sư

Trong vụ án này, Nguyễn Quốc Anh không phạm tội trộm cắp tài sản. Bởi về mặt khách quan của tội phạm, thì trộm cắp tài sản là hành vi chiếm hữu trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó một cách lén lút. Tội trộm cắp tài sản chỉ coi là hoàn thành khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản. Để đánh giá người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa, đã làm chủ được tài sản hay chưa phải dựa vào đặc điểm, vị trí tài sản bị chiếm đoạt. Những trường hợp chiếm đoạt được ở tội trộm cắp tài sản như sau:

- Nếu vật chiếm đoạt gọn nhỏ thì coi là đã chiếm đoạt được khi người phạm tội đã giấu được tài sản trong người.

- Nếu vật chiếm đoạt không thuộc loại nói trên thì coi chiếm đoạt được khi đã mang được tài sản ra khỏi khu vực bảo quản.

- Nếu vật chiếm đoạt là tài sản để ở những nơi không hình thành khu vực bảo quản riêng thì coi là đã chiếm đoạt được khi đã dịch chuyển tài sản khỏi vị trí ban đầu.

Tài sản là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản phải được thể hiện dưới dạng vật chất cụ thể có giá trị và giá trị sử dụng. Theo quy định tại Điều 105, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Tuy nhiên, không phải mọi loại tài sản như quy định của Bộ luật Dân sự đều là đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản. Tài sản là “bất động sản” cũng không phải đối tượng tác động của tội phạm này bởi đây là tài sản có tính chất cố định, không thể dịch chuyển được.

Trong vụ việc này, đối tượng tác động mà Nguyễn Quốc Anh nhắm đến là 2ha rẫy cao su của ông Đinh Tiến Hà. Đây là tài sản bất động sản nên nó không phải đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản. Và thực tế là anh Đinh Việt Thắng cũng đặt vấn đề mua bất động sản đối với Nguyễn Quốc Anh nên mới hỏi Quốc Anh về giấy tờ của 2ha rẫy cao su này. Do đó theo chúng tôi Nguyễn Quốc Anh không phạm tội trộm cắp tài sản theo Điều 173, Bộ luật Hình sự. 

Căn cứ vào nội dung vụ việc, chúng tôi có cơ sở để cho rằng hành vi của Nguyễn Quốc Anh đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Theo cấu thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như các tội có tính chất chiếm đoạt khác, nhưng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu. Đây cũng là một điểm khác với các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, đặc điểm này được thể hiện trong cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe là tình tiết định khung hình phạt.

Về mặt khách quan của tội phạm: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm hữu trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó một cách gian dối. Đó là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản tin là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối để họ chiếm đoạt. Do đặc điểm riêng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối.

Thủ đoạn gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nếu thủ đoạn gian dối lại có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy từng trường hợp cụ thể mà thủ đoạn gian dối đó có thể là hành vi che giấu tội phạm hoặc là hành vi phạm tội khác như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trở lại với nội dung vụ việc Nguyễn Quốc Anh muốn bán rẫy cao su 2ha thuộc quyền sở hữu của ông Đinh Tiến Hà cho anh Đoàn Việt Thắng. Anh Thắng được Quốc Anh dẫn ra xem lô cao su, được rào dây thép gai cẩn thận. Anh Thắng hỏi về giấy tờ thì Quốc Anh đã bịa ra việc mình có đầy đủ nhưng đang làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không có ở nhà.

Vì tin tưởng Quốc Anh nên anh Thắng đã đồng ý mua. Hai bên viết giấy tay, anh Thắng trả cho Nguyễn Quốc Anh 900 triệu đồng. Như vậy là thủ đoạn gian dối của Quốc Anh đã xuất hiện trước khi nhận được tài sản (là tiền) của người bị hại là anh Thắng… Như vậy có thể thấy hành vi của Quốc Anh đã vi phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.

     Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng Luật sư Sơn Phạm)