Phạm tội gì khi đánh tráo vé xổ số trúng thưởng?

ANTD.VN - Nguyễn Tuấn Đ (SN 1982) cùng Đoàn Quốc C (SN 1983) đang ngồi uống bia thì có một người mời mua vé xổ số. Đoàn Quốc C lấy 30.000 đồng mua 3 tờ vé xổ số, Đ cũng mua 3 vé. Sáng hôm sau khi C dò vé xổ số biết trúng thưởng, C đã mời Đ đi khao. Lúc này Đ nảy sinh ý định xấu nên đã cố tình chuốc cho C uống say rồi lấy 3 vé số trúng thưởng trong túi quần C và thay vào đó là 3 vé xổ số không trúng thưởng của mình. Giá trị mỗi vé trúng thưởng là 100 triệu đồng. Đ đã đi nhận thưởng số tiền trên tại đại lý của Công ty xổ số kiến thiết. 

Khi biết chuyện, C rất bực tức và yêu cầu Đ trả lại số tiền trúng thưởng vì C nghi ngờ việc Đ đánh tráo vé số của C nhưng Đ kiên quyết từ chối và nói do C xem nhầm. Sau đó, C gửi đơn đề nghị cơ quan công an điều tra và vụ việc được xác định đúng như đã nêu trên. 

Vấn đề đặt ra ở đây là việc đánh tráo vé xổ số trúng thưởng của Nguyễn Tuấn Đ đã phạm tội gì?

Phạm tội gì khi đánh tráo vé xổ số trúng thưởng? ảnh 1(Ảnh minh họa)

Ý kiến bạn đọc

Tội chiếm giữ trái phép tài sản

Trong vụ việc này Nguyễn Tuấn Đ đã phạm tội chiếm giữ tài sản trái phép được quy định tại Điều 176, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ năm triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị xử lý theo pháp luật. Trong vụ việc này có thể thấy Đoàn Quốc C là chủ nhân hợp pháp của 3 tờ vé xổ số trúng thưởng, do C là người đã bỏ tiền ra mua. Còn Đ là người đã đánh tráo vé trúng thưởng của C rồi đi lĩnh thưởng cho mình. Khi C có yêu cầu được nhận lại tài sản của mình thì Đ đã cố tình không trả bằng cách nói dối là do C nhầm lẫn. Vì vậy, tôi cho rằng có đủ cơ sở để cho rằng Nguyễn Tuấn Đ đã phạm tội chiếm giữ tài sản trái phép.

Đoàn Việt Mạnh (Ý Yên - Nam Định) 

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

Căn cứ vào nội dung vụ việc, tôi cho rằng, hành vi của Nguyễn Tuấn Đ đã thể hiện rõ việc lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của anh Đoàn Quốc C. Theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dấu hiệu đặc trưng của tội này đó là có hành vi gian dối. Trong vụ việc này Đ đã cố tình chuốc cho C uống say rồi lấy 3 vé số trúng thưởng trong túi quần C và thay vào đó là 3 vé xổ số không trúng thưởng của mình rồi sau đó đi lĩnh thưởng. Đ tiếp tục có hành vi gian dối khi C đòi lại tiền trúng thưởng, Đ lại nói dối rằng C đã nhầm lẫn. Có thể thấy, sự gian dối này của Đ là nhằm mục đích để chiếm đoạt số tiền trúng thưởng của 3 tờ vé xổ số mà C đã mua. Do đó theo tôi hành vi của Đ đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đinh Thị Hà (Nga Sơn - Thanh Hóa)

Sử dụng trái phép tài sản

Trong vụ việc này, Đoàn Quốc C đã bỏ tiền ra mua 3 chiếc vé số thì có thể coi đó chính là tài sản hợp pháp của anh C. Việc Nguyễn Tuấn Đ lấy vé xổ số của mình đánh tráo vé xổ số của anh C là đã có dấu hiệu của việc sử dụng tài sản trái phép. Việc Đ lấy vé xổ số trúng thưởng của anh C đi lĩnh thưởng và sau đó nói dối anh C là anh C bị nhầm lẫn đã thể hiện việc Đ cố ý thực hiện hành vi phạm tội của mình đến cùng. Như vậy có thể thấy rõ ràng Đ vì vụ lợi mà đã sử dụng trái phép tài sản của anh C. Hành vi này của Đ đã vi phạm Điều 177, Bộ luật Hình sự năm 2015 tội sử dụng trái phép tài sản.

Nguyễn Trọng Thắng (Tứ Kỳ - Hải Dương)

Bình luận của luật sư

Trước hết, về chủ thể của tội phạm, trong trường hợp này Nguyễn Tuấn Đ đã đủ điều kiện về tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự. Khách thể của tội phạm trong trường hợp này là quan hệ sở hữu đối với tài sản, trong tình huống này thì khách thể tội phạm do Đ thực hiện là quan hệ sở hữu của anh Đoàn Quốc C với tài sản là 3 tấm vé số trúng thưởng, mỗi tấm trị giá 100 triệu, tức là 300 triệu đồng. Căn cứ vào nội dung của vụ việc này, theo chúng tôi có thể khẳng định Nguyễn Tuấn Đ đã không phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản Điều 176, Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội sử dụng trái phép tài sản theo Điều 177, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi lẽ, theo quy định của Bộ luật Hình sự tội chiếm giữ trái phép tài sản và tội sử dụng trái phép tài sản là các tội xâm phạm sở hữu không có tính chiếm đoạt. Trong khi đó, căn cứ vào các tình tiết trong vụ việc nêu trên thì có thể thấy hành vi của Nguyễn Tuấn Đ lại thể hiện tính chiếm đoạt rõ ràng. Vì vậy, dựa vào các yếu tố liên quan đến vụ việc, có cơ sở để khẳng định Nguyễn Tuấn Đ đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể như sau:

 - Thứ nhất, theo quy định của pháp luật, dấu hiệu pháp lý tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được định nghĩa là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối. Trong đó, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm 2 hành vi khác nhau đó là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt. Hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật. Cụ thể trong trường hợp này, Nguyễn Tuấn Đ đã có hành vi lừa dối với anh Đoàn Quốc C, khi biết tấm vé số trúng thưởng Đ đã tráo tấm vé của C và Đ đã đi nhận thưởng. Sau đó, khi C nghi ngờ việc Đ đánh tráo vé số của C nhưng Đ kiên quyết từ chối và nói do C xem nhầm. Như vậy, Đ đã cố tình đưa ra những thông tin không đúng sự thật để đánh lừa C. Về hình thức của hành vi lừa dối: hành vi lừa dối ở trong trường hợp này thể hiện qua hành động Đ cố tình chuốc cho C uống say rồi lấy 3 vé số trúng thưởng trong túi quần C và thay vào đó là 3 vé xổ số không trúng thưởng của mình

Đối với hành vi chiếm đoạt, trong trường hợp này, tài sản bị chiếm hữu đang ở trong sự chiếm hữu của người phạm tội, ở đây là Nguyễn Tuấn Đ. Đ đã lấy tài sản là phần thưởng trị giá 300 triệu đồng do đã tráo tấm vé số của C lúc C bị Đ chuốc rượu say. Trường hợp này, tội phạm hoàn thành ngay khi Đ chuốc say cho C và lấy vé số đi nhận thưởng. Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và là kết quả của hành vi lừa dối. Hậu quả do hành vi của Đ gây ra là những thiệt hại cho quan hệ sở hữu thể hiện dưới dạng thiệt hại về vật chất, ở đây là C đã bị mất số tiến là 300 triệu đồng mà lẽ ra C phải được hưởng do bỏ tiền ra mua vé số. Hành vi của Đ ở đây đã thể hiện mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Cụ thể, hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 300 triệu đồng của Đ là kết quả của hành vi lừa dối, hành vi chiếm đoạt xảy ra ngay khi hành vi lừa dối được hoàn thành.

- Thứ hai, xét về mặt chủ quan của tội phạm, trong vụ việc này Nguyễn Tuấn Đ đã đưa ra thông tin giả là Đoàn Quốc C đã nhầm lẫn tấm vé không trúng thưởng với mục đích là để C tin đó là sự thật và từ bỏ quyền sở hữu của mình với tấm vé số (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ xảy ra khi tấm vé số đã trúng thưởng, còn khi tấm vé số không trúng thưởng  thì giá trị của tấm vé số không đủ để cấu thành tội). Mục đích Đ đã đưa ra thông tin giả để C tin đó là sự thật. Trường hợp này, động cơ và mục đích phạm tội của Đ có tính chất tư lợi, lấy tiền để phục vụ nhu cầu cá nhân của mình. Lỗi của của Nguyễn Tuấn Đ trong vụ việc này là lỗi cố ý trực tiếp, ở đây Đ đã có hành vi lừa dối và mong muốn hành vi lừa dối có kết quả để có thể chiếm đoạt được tài sản, Đ đã có chủ tâm chiếm đoạt tài sản của C và hành động để biến mục đích của mình được thực hiện. Về ý chí, ở đây là mong muốn chiếm được 300 triệu đồng của Đ, và hậu quả xảy ra đúng với mục đích của Đ. Còn về lý trí, ở đây Đ nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình và thấy trước được hậu quả của hành vi phạm tội của mình.

Từ những căn cứ pháp lý và các dấu hiệu của tội phạm nêu trên, chúng tôi cho rằng hành vi của Nguyễn Tuấn Đ đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)