Phạm tội do thiếu hiểu biết
(ANTĐ) - Qua các vụ án xảy ra, có thể liệt kê nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của đối tượng gây án. Ngoài những nguyên nhân do mâu thuẫn, tiền bạc, mắc nghiện... mà đối tượng cố ý phạm tội, còn có nguyên nhân do thiếu hiểu biết về pháp luật.
Từ bị hại trở thành bị can
Do có nhu cầu đi lao động xuất khẩu, qua các mối quan hệ, Nguyễn Thị Hoa quê ở Thái Bình đã gặp một phụ nữ tên là Hương ở quận Hai Bà Trưng. Hương cho biết có khả năng giúp Hoa đi lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc với mức chi phí là 7.000 USD. Hoa đồng ý và đã nộp đủ số tiền trên.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài chờ đợi mà vẫn chưa được xuất ngoại, Hoa sốt ruột liên hệ với Hương thì chị ta cho hay việc tuyển đi lao động Hàn Quốc đang tạm dừng, chỉ có chỉ tiêu đi lao động xuất khẩu ở Nhật Bản, nếu Hoa chấp thuận thì nộp thêm 2.000 USD. “Đâm lao phải theo lao”, Hoa nhắn gia đình ở quê và bố mẹ, anh chị em họ hàng cố chạy chọt, vay nợ thêm khoản tiền để đưa cho Hương...
Sau khi nhận số tiền 2.000 USD, Hương bảo Hoa phải học tiếng Nhật trước khi đi lao động xuất khẩu mới được các công ty nước họ tuyển dụng. Để có tiền đóng học phí, Hoa đã phải làm “osin” giúp việc, trông con nhỏ cho vợ chồng Hương.
Nhưng lớp học cấp tốc tiếng Nhật đã xong, chờ đợi quá hạn thời gian như Hương đã hứa mà vẫn chưa được đi lao động ở Nhật Bản, Hoa cảm thấy có “vấn đề” không rõ ràng, đòi lại số tiền đã nộp vì không muốn đi lao động xuất khẩu nữa nhưng Hương cứ khất lần. Biết mình bị lừa, Hoa nghĩ cách mang giấu đứa con nhỏ tuổi của vợ chồng Hương giao cho Hoa trông giữ để đòi lại tiền.
Đợi khi vợ chồng Hương đi làm, Hoa đã bế cháu nhỏ ra khỏi nhà, giấu ở một nơi rồi gọi cho Hương phải mang đủ tiền trả Hoa mới được nhận lại con... Ngay sau đó, CAQ Hai Bà Trưng đã phát hiện địa chỉ Hoa đang ẩn náu, bắt giữ và trao trả cháu bé về gia đình Hương.
Tại cơ quan công an, Nguyễn Thị Hoa mới hay biết việc làm của mình là phạm tội bắt cóc trẻ em thì đã muộn... Vốn làm ruộng ở quê, trình độ nhận thức có hạn nên sự hiểu biết về pháp luật của Nguyễn Thị Hoa rất nông cạn, do vậy Hoa đã không ý thức được hành vi của mình là vi phạm luật pháp.
Theo điều tra viên thụ lý vụ án, quá trình điều tra, mở rộng vụ án, CAQ Hai Bà Trưng làm rõ người phụ nữ tên Hương đã nhận tiền của Hoa để giúp đi lao động xuất khẩu lại là bị hại trong một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác.
Nếu hiểu biết luật pháp, có lẽ Nguyễn Thị Hoa sẽ điều chỉnh được hành vi của mình, tránh được kết cục từ người bị hại trở thành bị can, để rồi bị truy tố trước pháp luật...
Cần tuyên truyền luật pháp sâu rộng
Trong năm 2007, tại địa bàn quận Hoàng Mai xảy vụ giao cấu với trẻ em. Đối tượng phạm tội là Trần Hiếu Trung (SN 1982) quê ở huyện Hưng Hà, Thái Bình, sinh viên đang theo học hệ cao đẳng tại một trường đại học ở Hà Nội. Người bị hại là cháu N. (SN 1993), trú ở quận Hoàng Mai.
Do thuê trọ gần nơi ở của gia đình cháu N., Trung quen với N. và tình cảm giữa Trung và cháu N. không còn đơn thuần là mối quan hệ quen biết hàng xóm, mà dần biến thành “yêu đương”. Biết mẹ cháu N. đi bán hàng, thường về muộn, khoảng 23h ngày 16-9-2007, Trung đi xe máy đến nhà N. rủ đi chơi. Chở N. đến chân cầu Thanh Trì, Trung đòi quan hệ tình dục. Lúc đầu, cháu N. không chấp nhận, nhưng sau đó đồng ý.
Thấy con gái đi chơi về quá khuya, với sự “nhạy cảm” của người phụ nữ, mẹ N. phát hiện con gái có sự khác lạ, đã gặng hỏi. Biết không giấu được mẹ, cháu N. thú nhận sự việc quan hệ với Trung. Ngay sau đó, gia đình cháu N. đã làm đơn trình báo CAQ Hoàng Mai, và sáng 17-9, Trần Hiếu Trung đã tới CAQ Hoàng Mai đầu thú.
Khai nhận tại cơ quan điều tra, Trần Hiếu Trung chỉ nghĩ một điều đơn giản, Trung và N. yêu nhau. Mặc dù biết N. ở tuổi vị thành niên, nhưng N. đồng ý quan hệ tình dục thì Trung không bị vi phạm pháp luật. Khi được cơ quan công an phân tích, giải thích rõ các điều khoản của Bộ luật Hình sự, Trung mới hiểu biết việc làm của mình là phạm tội giao cấu trẻ em...
Điều đáng buồn trong vụ án trên, đối tượng Trung là sinh viên, có trình độ học vấn nhưng đã phạm tội nghiêm trọng. Điều đó cũng cho thấy vấn đề giáo dục giới tính gắn với pháp luật trong học sinh, sinh viên còn chưa được tuyên truyền sâu rộng trong các nhà trường.
Được biết, nội dung kiến thức trong sách giáo khoa Giáo dục công dân dành cho học sinh cấp THPT có đề cập tới vấn đề “Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình”, nêu một số điều nên tránh những biểu hiện chưa đúng trong tình yêu của nam nữ thanh niên như yêu đương quá sớm (tuổi từ 15 đến 17), có quan hệ tình dục trước hôn nhân..., nhưng lại không phân tích rõ, cụ thể việc quan hệ tình dục ở lứa tuổi vị thành niên là vi phạm pháp luật, sẽ bị truy tố theo các điều khoản của Bộ luật Hình sự...
Ngành Giáo dục và đào tạo nên chú trọng quan tâm, bổ sung thêm kiến thức pháp luật trong sách giáo khoa Giáo dục công dân ở cấp THPT, có như vậy chương trình giảng dạy của các nhà trường mới trang bị kiến thức sâu hơn về luật pháp cho học sinh, giúp các em học sinh ở lứa tuổi vị thành niên nắm vững, tự điều chỉnh hành vi để khi trưởng thành không mắc những vi phạm “đáng tiếc” do thiếu hiểu biết về pháp luật...
Trung Hiếu